CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI BLOG PVM

"Cuộc đời hôn lên tôi bằng nỗi đau thương và buộc tôi phải đáp lại bằng lời ca tiếng hát" R. TAGORE


Trang đồng tác giả:
http://www.phantichkinhte123.com



Email của PVM:
minhphamvan2008@gmail.com
PHẠM VĂN MINH

19 thg 3, 2011

QUẢN LÝ THỜI GIAN (kỳ 2)

QUẢN LÝ THỜI GIAN (kỳ 2)

Chào bạn! Kỳ trước, tôi đã đưa ra một lời khẳng định, đó là “Đa số chúng ta đang phí phạm một cách nghiêm trọng một trong những tài nguyên quan trọng, quý giá nhất của mình, đó là THỜI GIAN”. Bây giờ là lúc tôi xác minh sự thật ấy thông qua kinh nghiệm của bản thân, cũng như qua những sự kiện bên ngoài mà tôi quan sát được.

Vậy kinh nghiệm đau thương với QLTG của tôi là gì, chúng đến khi nào và tôi đã phải trả giá cho những thất bại của mình ra sao? Xin thưa với các bạn rằng những kinh nghiệm đó đến trong mọi ngày tôi sống, nhiều nhất là trong quá khứ xa và ít hơn khi gần kề với hiện tại.

Khi tôi còn trẻ, tuổi cấp 2 và cấp 3, tôi làm mọi thứ một phần theo nghĩa vụ, phần còn lại theo cảm hứng. Theo nghĩa vụ có nghĩa là cố gắng hết sức để hoàn thành mọi thứ mà người khác đặt ra cho mình, như bài vở ở trường, công việc gia đình ở nhà. Sự thật là có khi làm tốt, có khi không. Tôi thường thấy rất nặng nề, đôi khi chống đối vì không thích. Theo cảm hứng nghĩa là tôi thích cái gì nhất thì tôi làm nó trước, mặc kệ những chuyện khác. Cách này đã thực sự gây ra rất nhiều vấn đề và hậu quả cho tôi, như bị cha mẹ la rầy, thầy cô không hài lòng… Tuổi đó tôi thực sự không biết gì đến chiến lược học tập và thiếu hẳn định hướng tương lai, … ngay cả khi tôi sắp sửa bước chân vào đại học.

Tôi bắt đầu học như điên cuồng vào những ngày trước khi thi tốt nghiệp và đại học để mong sao qua được kỳ thi và có kết quả tốt. May mắn và cũng là sự bù đắp cho công sức của tôi là kết quả rất khá. Tôi đỗ cả Kinh tế lẫn Bách Khoa (vì lúc này cho phép học sinh thi nhiều trường). Tôi quyết định chọn Bách Khoa TPHCM để học “cho oách”. Thời gian học ngành Điện – Điện Tử ở BK là một hành trình “đau khổ” khác. Việc học ở đây thực sự rất khó khăn và mệt nhọc, rất ít niềm hứng khởi và sự khích lệ. Tôi khô khốc thảm thiết vì bắt đầu thấy mình không phù hợp với Khoa học tự nhiên (mặc dù sức học không quá tệ) và mơ hồ nhận ra trong bản thân mình một nhu cầu mới, tha thiết và quyết liệt hơn, đó là những chuyên ngành về Nhân văn Xã hội, như triết học, tâm lý, lịch sử … Tôi đã dành rất nhiều thì giờ cho việc đọc sách về các lĩnh vực này trong nhưng năm cuối đại học. Tôi vẫn tiếp tục duy trì chúng cho đến hôm nay sau một vài năm công tác với vai trò là một kỹ sư thiết kế điện, 2 năm học MBA và 2 năm giảng dạy kinh tế.

Qua những câu chuyện trên, tôi muốn nói điều gì?

Tôi thật sự rất mông lung, vô định khi còn trẻ (thời cấp 2, 3 và đại học), ngay cả khi tôi đạt được một vài kết quả tốt và được thừa nhận, nhưng cho đến hôm nay, khi ngồi viết những dòng này, tôi thực sự tiêng tiếc cái thời đó. Nếu như tôi được ai đó chỉ bảo cẩn thận hơn, dìu dắt và định hướng tốt hơn thì bây giờ đã khác, chắc hẳn phải tốt hơn nhiều phần. Đương nhiên tôi không thể trách ai được cả, mọi người (cha mẹ, thầy cô, …) đã làm hết sức và hết bổn phận của họ.

Vậy rõ ràng việc THIẾU ĐỊNH HƯỚNG đúng đắn cho tương lai khi còn trẻ là một sự lãng phí rất lớn của cuộc đời. Lỗi này hẳn không phải hoàn toàn của tuổi trẻ, một phần lớn gây nên đến từ gia đình và hoàn cảnh xã hội, tôi nghĩ như vây. Hậu quả của tôi, như bạn đã thấy, là sống không thỏa mãn với những gì mình đạt được, không thỏa mãn được cái lý tưởng ẩn tàng, chìm sâu trong tôi. Tôi như bông hoa nở muộn. Sau trận mưa rào, tôi bắt đầu hành trình lột xác, tái sinh một lần nữa để bù đắp cho những tháng ngày miên man, trôi nổi. Tôi tự học Quản lý thời gian, bắt đầu xác định mục tiêu và định hướng cho cuộc đời. Tôi khởi sự học MBA cách đây 5 năm và giảng dạy kinh tế cách đây 2 năm. Những thành công bước đầu đó hoàn toàn nằm trong kế hoạch và dự tính của tôi. Tuy nhiên, hành trình của tôi hiện tại là tìm lại cái “ý định đầu tiên” của mình, cái nguồn sống đích thực làm phong phú cho cuộc sống của mình, tăng giá trị cho mỗi hành động và việc làm của mình. Chắc hẳn, tôi còn mang nặng đẻ đau chính mình nhiều lần trong tương lai để tạo dựng một Con người như tôi muốn thấy. Tôi sẽ trở thành một bậc thầy trong việc quản lý thời gian vì QLTG chính là Quản lý cuộc đời mình vậy.

Một thông điệp khá quan trọng mà tôi muốn gởi đến bạn là đừng lãng phí tuổi trẻ bằng việc chạy theo những trào lưu phù du bên ngoài. Bạn nên dành thời gian để suy tư về sự có mặt của mình trên trần gian này, một hạt bụi tinh khôi bám trên một viên bi xanh bé nhỏ, để nhận ra cái gì là thực sự quan trọng, ưu tiên của mình để dấn thân, theo đuổi, để không uổng phí một lần hiện hữu trong thân phận con người.

Tuổi trẻ tôi và các bạn có lẽ đều giống nhau. Chúng ta đang vùng vẫy và kiếm tìm một viễn cảnh tương lai đầy sắc màu và tươi sáng. Ai cũng mong điều đó. Tôi sẽ quay lại kỳ sau bằng việc tiếp tục phân tích những lãng phí của mình ngay cả khi bắt đầu học hiểu QLTG. Bên cạnh đó, tôi sẽ đề cập những lãng phí thông thường mà tôi quan sát được từ người khác, cũng như những thống kê thú vị về khía cạnh này. Xem như tôi nợ bạn vậy.

Chúc bạn một buổi tối tốt lành và hẹn gặp lại kỳ sau.

PVM. Sg, 19/03/2011

Kỳ trước (kỳ 1) . . . Kỳ tiếp theo (kỳ 3)

5 nhận xét:

Doraemon25 nói...

Em khác thầy ở chỗ cái gì khó nhằn, cái gì không thích thì "xơi" trước, đồ ngon lại để dành từ từ sau... Có lẽ vì vậy mà đôi lúc hứng thú nó trôi đi, động lực nó không còn, thời gian không đủ để làm việc mình thấy hứng thú. Cái "gấp" nó còn ảnh hưởng quá lớn :)

PHẠM VĂN MINH nói...

Cái quan trọng nhất vẫn là tìm ra thứ quan trọng để làm chứ không phải cái "gấp" đầy phù phiếm, ngộ nhận.

Em đã đọc xong KCNCĐ chưa? Nếu xong, đọc thêm cuốn Lời từ chối hoàn hảo (The Power of a positive NO) của William Ury.

"Một lời từ chối xuất phát từ lời thú tội thật lòng còn tốt hơn và hay hơn một lời chấp nhận chỉ để làm vừa ý hay tệ hơn để tránh phiền hà" (Mahatma Gandhi)

Doraemon25 nói...

Em vẫn đang đọc KCN, hihihi.
Có thể em lo chuyện bao đồng hơi nhiều, nhưng có khi em lại thấy vui vì việc đó... Không chắc lắm là nó có "đáng giá" hay không, có thể đó cũng là một việc trong vai trò "làm bạn" của em nữa...
Em không chấp nhận chỉ để làm vừa ý hay để tránh phiền hà, tự tin mà nói là như vậy :)

Unknown nói...

Đọc xong mới thấy chính bản thân mình đã từng vấp phải những điều Thầy đã nói trên. Trước đây khi đặt chân vào Trường Hoa Sen này thì em đi theo chuyên ngành CNTT và rồi sau một thời gian học với áp lực của môn rồi sự khô khốc của tính chất môn học đã khiến em mệt mỏi, buông xuôi mọi thứ xung quanh mình. Đề rồi một ngày nọ Trường có quyết định cho phép chuyển ngành thì điều đó như một phép màu tái sinh lại cuộc sống của mình, giờ đây em thấy thoải mái, và có đủ thời gian để cảm nhận cuộc sống xung quanh mình, và cũng có đủ thời gian để ngồi đọc và viết những dòng chữ này. Làm sao đề QLTG tốt đây Thầy ????

PHẠM VĂN MINH nói...

Phải học thôi Duy ạ, sắp tới thầy sẽ có mở một buổi Huấn luyện thời gian cho sinh viên, hi vọng em sẽ tham dự. Thầy đang chuẩn bị, khi nào có thời gian và địa điểm cụ thể, thầy sẽ thông báo trên Blog để em và các bạn biết mà đăng ký (vì số lượng có hạn). Chúc em mọi điều tốt lành.