CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI BLOG PVM

"Cuộc đời hôn lên tôi bằng nỗi đau thương và buộc tôi phải đáp lại bằng lời ca tiếng hát" R. TAGORE


Trang đồng tác giả:
http://www.phantichkinhte123.com



Email của PVM:
minhphamvan2008@gmail.com
PHẠM VĂN MINH

30 thg 9, 2011

PHÁT TRIỂN LÒNG TỰ TIN VÀ TẠO ẢNH HƯỞNG BẰNG DIỄN THUYẾT (Kỳ 11)

Chương 7. TƯ THẾ VÀ TÍNH CÁCH KHI DIỄN THUYẾT

Viện công nghệ Carnegie có lần đã đưa ra những trắc nghiệm về trí thông minh cho một trăm thương gia danh tiếng. Những trắc nghiệm đó cũng tương tự với những trắc nghiệm được sử dụng trong quân đội suốt thời chiến; và dựa vào kết quả của những trắc nghiệm này học viên đã công bố rằng nhân cách đóng góp vào sự thành công trong kinh doanh nhiều hơn trí thông minh.

Đó là một lời công bố đầy ý nghĩa: đầy ý nghĩa đối với các thương gia, đầy ý nghĩa đối với các nhà giáo dục, đầy ý nghĩa đối với những người đã có sự nghiệp, đầy ý nghĩa đối với các diễn giả.

Nhân cách – ngoài sự chuẩn bị ra – có lẽ là yếu tố quan trọng nhất trong nghệ thuật nói trước công chúng. “Trong thuật hùng biện,” Elbert Hubbard từng nói, “chính phong cách mới đem lại thắng lợi, chứ không phải các ngôn ngữ.” Đúng hơn là phong cách cộng với ý tưởng. Nhưng nhân cách là một điều gì mơ hồ và tối nghĩa, không thể phân tích như hương thơm của bông hoa tím. Nó là tổng thể của con người: thể chất, tinh thần, não trạng, sinh lực, kinh nghiệm, sự đào tạo, và trọn cuộc sống. Nó cũng phức tạp như thuyết tương đối của Einstein, hầu như người ta biết rất ít về nó.

Một nhân cách được xác định bởi di truyền và môi trường và cực kỳ khó thay đổi hoặc cải thiện. Tuy nhiên, nhờ tư duy, chúng ta có thể củng cố nó tới một mức độ nào đó và có thể làm cho nó trở nên uy lực hơn và hấp dẫn hơn. Dù sao đi nữa, chúng ta có thể nỗ lực để tận dụng tối đa điều kỳ lạ mà thiên nhiên đã ban tặng chúng ta. Đề tài này cố tầm quan trọng đối với mọi người trong chúng ta. Các khả năng cải thiện, dù khá hạn hẹp, vẫn đủ rộng để chúng ta thảo luận và nghiên cứu.

Nếu bạn muốn phát huy tính cách riêng của bạn, hãy thư thái bước ra đứng trước thính giả. Một diễn giả mỏi mệt thì làm sao lôi cuốn thính giả được. Đừng phạm vào cái lỗi quá phổ biến đó. Vì nếu làm như thế, nhất định bạn chỉ tự tích tụ các độc tố có hại cho cơ thể và gây mệt mỏi cho trí não, đề rồi những thứ đó sẽ biến thành những chướng ngại ghê gớm. Chúng dồn nén, làm tiêu hao sinh lực của bạn.

Nếu bạn phải trình bày một bài diễn văn quan trọng tại một cuộc họp ủy ban vào lúc bốn giờ chiều, nếu được, bạn hãy dùng một bữa nhẹ thôi, và sau đó ngủ một giấc cho người được tỉnh táo. Cái mà bạn cần chính là sự nghỉ ngơi – nghỉ ngơi cả về thể chất, trí não, và thần kinh.

Tại sao diễn giả này lại lôi cuốn hơn diễn giả khác

Đừng làm hoen rỉ năng lực của bạn. Nó có hấp lực. Sinh lực, sự linh hoạt và nhiệt tình: tất cả đều nằm trong số những đặc tính mà tôi luôn tìm kiếm trong khi tuyển dụng diễn giả. Người ta vây quanh một diễn giả đầy năng lực, một cỗ máy phát điện-người, giống như những chú ngỗng trời vây kín một cánh đồng lúa mì mùa thu.

Tôi thấy điều này được các diễn giả ngoài trời ở Công viên Hyde, Luân đôn, minh họa. Một địa điểm gần lối vào Marble Arch là điểm hẹn hò dành cho diễn giả thuộc mọi tín ngưỡng và màu da. Vào buổi trưa chủ nhật, người ta có thể tùy ý chọn nghe một Kitô Hữu giải thích giáo lý về quyền bất khả ngộ của Giáo hoàng, hoặc nghe một người theo chủ nghĩa xã hội trình bày học thuyết kinh tế của Karl Marx, hoặc một người Ấn Độ cắt nghĩa vì sao một người theo Hồi giáo lại được phép lấy hai vợ, và vân vân. Trong khi một diễn giả có đến hàng trăm người vây kín, thì diễn giả cạnh đó lại chỉ lưa thưa dăm ba thính giả. Tại sao? Phải chăng là do chủ đề nói chuyện? Không. Lời giải thích thường là phong cách của diễn giả, nghĩa là, ông ta là một người nhiệt tâm với đề tài hơn, vì thế, ông ta có sức thu hút hơn. Ông ta nói năng sinh động và khí thế hơn. Ông ta tỏa ra nguồn sinh lực và sự linh hoạt; đó là những thứ luôn thu hút sự chú ý.

Còn về trang phục?

Một nhà tâm lý học và cũng là hiệu trưởng một trường đại học đã gửi một bản thăm dò tới một nhóm người để xin họ cho biết trang phục có gây ấn tượng gì nơi họ. Tất cả đều nhất trí, họ xác nhận rằng khi diễn giả ăn mặc chỉnh tề và tươm tất sẽ tạo ấn tượng ngay cho thính giả, dù là khó giải thích, nhưng đấy lại là điều rõ ràng và thực tế. Bản thân diễn giả cũng thấy mình tự tin hơn, diễn đạt lưu loát hơn.

Một trong những hối tiếc trong đời của Grant

Khi đại tướng Lee đến Trụ sở Tòa án Appomattox để giao quân, ông đã ăn mặc thật tươm tất trong bộ binh phục mới và, bên hông lủng lẳng thanh bảo kiếm. Còn Grant thì không áo khoác, cũng không có kiếm mà chỉ mặc bộ binh phục của một tay binh nhì. Ông đã ghi lại trong tập hồi ký: “Chắc hẳn trông tôi hết sức tương phản đến kỳ dị với một con người ăn mặc chỉnh tể như thế, cao gần hai thước, và tư thế không chê vào đâu được.” Phong cách luộm thuộm trong biến cố lịch sử này đã trở thành một trong những hối tiếc nhớ đời của Grant.

Sở Nông nghiệp Washington có vài trăm hộp ong ở trại thử nghiệm. Mỗi tổ ong đều được gắn một chiếc kính phóng đại. Khi nhấn nút, bên trong mỗi tổ sẽ sáng rực lên để, bất cứ giây phút nào, đêm hay ngày, những chú ong này đều nằm trong tầm quan sát rõ ràng. Một diễn gải cũng thế: ông ta luôn nằm trong tầm kính phóng đại, ông ta đang bị đèn chiếu là một con mắt đổ dồn về ông ta. Sự thiếu hài hòa nhỏ nhặt nhất nơi diện mạo của ông ta đều hiện ra lù lù như đỉnh của ngọn Pike nhìn từ những cánh đồng.

“Ngay cả trước khi diễn thuyết, chúng ta cũng bị chê bai hoặc được tán thành”

Một số năm trước đây tôi đang viết cho Tạp Chí Mỹ câu chuyện về cuộc đời của một ông chủ ngân hàng ở New York. Tôi đã xin một trong số bạn bè của ông giải thích cho tôi về nguyên nhân thành công của ông. Ông bạn đó nói, phần lớn là do nụ cưới duyên dáng của ông ta. Chợt nghĩ, chúng ta thấy điều đó có vẻ phóng đại nhưng tôi tin nó là thật. Rất nhiều, hàng trăm người khác có thể có nhiều kinh nghiệm hơn và có khả năng tính toán giỏi, nhưng ông ta có thêm một vốn quý mà họ không có – ông ta có một tính cách thật dễ mến, mà nụ cười đôn hậu là môi trường những nét nổi bật của tính cách ấy. Nó đem ngay lại sự tin tưởng, thiện chí cho mọi người. Tất cả chúng ta đều muốn thấy con người như thế được thành công; chúng ta thật hân hạnh được hỗ trợ một con người như thế.

Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Kẻ không biết mỉm cười chớ có bán buôn.” Và phải chăng nụ cười cũng được thính giả hoan nghênh chẳng khác gì khách hàng?

Giáo sư Overstreet trong tác phẩm Sự tác động đối với ứng xử của con người nhận định rằng: “Nếu chúng ta quan tâm tới thính giả, nhất định thính giả cũng sẽ quan tâm tới chúng ta. Nếu chúng ta cau có nhìn thính giả, trong thâm tâm hay bề ngoài, rất có thể họ cũng sẽ cau có nhìn chúng ta. Nếu chúng ta nhát đảm và bối rối, thính giả sẽ thiếu tin tưởng chúng ta. Nếu chúng ta vô liêm sỉ và khoác lác, họ sẽ phản ứng theo tính tự cao tự đại mang tính tự vệ theo cách riêng của họ. Thậm chí cả trước khi chúng ta diễn thuyết, thường thì, chúng ta có thể bị chê bai hay được tán thành. Do đó, có đủ lý do để chúng ta phải nắm chắc rằng thái độ của chúng ta phải khơi nguồn cho sự đáp trả nồng ấm.”

Hãy tập trung thính giả lại

Với tư cách là một diễn giả nói trước công chúng, tôi thường có những lúc nói trước một số ít thính giả thưa thớt trong một phòng rộng lớn vào buổi trưa, và cho một số đông thính giả ngồi chật trong cùng căn phòng đó vào buổi tối. Thính giả buổi tối cười giòn giã hoặc vỗ tay vang dội trước cùng những điều mà các khán giả buổi trưa chỉ hơi nhếch mép. Tại sao thế?

Vấn đề là ở chỗ thính giả khó bề bị tác động khi họ phải ngồi rải rác, thưa thớt. Không gì làm giảm lòng nhiệt tình cho bằng những khoảng trống và những chiếc ghế không người ngồi xen kẽ những người nghe.

Henry Ward Beecher đã từng nhận định:

Người ta thường bảo, “Bạn có thể cho rằng nói trước một cử tọa đông thì hứng khởi hơn nói trước một cử tọa ít người, như vậy có đúng không nào?” Không, tôi không cho là như thế; tôi có thể nói cho mười hai người cũng tốt như nói cho một ngàn người, miễn là mười hai người này tụ tập quanh tôi và gần với nhau, để họ có thể chạm vào nhau. Mà cho dù một ngàn người mà cứ người này ngồi cách người kia cả thước, căn phòng vẫn trống rỗng như thường… Hãy cho thính giả ngồi gom lại với nhau thì lúc đó bạn chỉ tốn nửa công sức để đưa học vào cuộc.

Một người ngồi giữa một cử tọa đông thường đánh mất cá tính của họ. Anh ta trở thành một thành phần của đám đông và dễ dàng bị tác động hơn là khi anh ta chỉ là một cá nhân đơn lẻ. Anh ta sẽ cười và vỗ tay trước những điều mà, nếu như anh ta ngồi cách xa giữa một cử tọa lèo tèo dăm người, có thể anh ta vẫn dửng dưng. Điều này chẳng khác gì chuyện, trong cuộc chiến mới đây, các binh lính Đức đã phải khóa tay vào nhau khi lâm trận, để toán quân ấy tác động dây chuyền lên nhau.

Ôi đám đông! Ôi đám đông! Ôi đám đông! Đám đông quả là một hiện tượng lạ lùng. Tất cả những phong trào và cải tổ bình dân đều được xúc tiến nhờ vào não trạng của đám đông. Everett Dean Martin đã viết một cuốn sách hay về đề tài này: Thái độ của Đám đông.

Nếu chúng ta diễn thuyết cho một nhóm nhỏ, chúng ta nên chọn một phòng nhỏ. Thà xếp ghế ra cả lối đi còn hơn để thính giả ngồi tản mác trong một căn phòng rộng thênh thang. Hãy làm điều này trước khi bạn bắt đầu diễn thuyết.

Thiếu tá Pond đập vỡ các cánh cửa sổ

Hãy giữ sao cho không khí trong phòng được trong lành. Toàn bộ tài hùng biện của Cicero, và mọi vể kiều diễm của phòng Hòa nhạc Rockettes khó có thể giữ cho thính giả tỉnh táo nếu căn phòng nhiễm khí khó chịu. Do vậy, tôi là một trong số những diễn giả, trước khi bắt đầu, hầu như luôn đề nghị thính giả đứng lên để, trong lúc thư giãn đôi ba phút hãy mở tung các cánh cửa sổ ra cho căn phòng được thông thoáng, một việc làm mà trước đây Thiếu tá Pond đã từng làm để chuẩn bị phòng nói chuyện cho Henry Ward Beecher.

Hãy để ánh sáng rọi lên mặt bạn

Nếu được những bài báo cảu David Belasco bạn sẽ khám phá ra rằng một diễn giả cỡ trung bình cũng đều hiểu rõ tầm quan trọng của việc bố trí ánh sáng tươm tất.

Hãy để ánh sáng rọi vào mặt bạn. Thính giả muốn nhìn thấy bạn. Những thay đổi nho nhỏ trên nét mặt của bạn đều là một phần, một phần rất thực của sự biểu cảm. Đôi khi chúng còn có ý nghĩa hơn những ngôn từ của bạn. Nếu bạn đứng ngay bên dưới một bóng đèn,mặt của bạn sẽ bị bóng che mờ; nếu bạn đứng ngay phía trước một bóng đèn, mặt của bạn chắc chắn bị che khuất. Nên chăng trước khi đứng vào chỗ để nói, bạn nên khôn khéo chọn một địa điểm có ánh sáng lợi nhất cho bạn?

Không để đồ tạp nhạp trên diễn đàn

Bạn không nên núp sau một cái bàn. Thính giả muốn nhìn thấy toàn bộ con người diễn giả. Người ta còn muốn nghếch cổ ra chỗ lối đi để nhìn cho rõ diễn giả.

Theo tôi nghĩ, cách sắp xếp lý tưởng là không có chút đồ đạc nào trên diễn đàn, cũng đừng để ai qua lại gần đó, và không nên bố trí một vị khách nào ngồi cạnh diễn giả. Còn phía sau lưng diễn giả chỉ cần là một tấm màn nhung xanh đậm.

Henry Ward Beecher nói, “Cái quan trọng nhất trong thuật nói trước công chúng là chính con người (diễn giả).”

Do vậy, hãy để cho diễn giả đứng nổi bật giống như đỉnh của ngọn Jungfrau phủ đầy tuyết đứng sừng sững tương phản bầu trời xanh biếc của đất nước Thụy Sĩ.

Nghệ thuật khi ngồi

Khi cần ngồi, diễn giả hãy thận trọng về cách ngồi của mình. Bạn đã thấy người ta lò mò tìm ghế ngồi với điệu bộ biến dạng của một chú chó săn cáo. Họ ngoái cổ lại và khi định vị được một chiếc ghế, họ gập người và ngồi phịch xuống ghế.

Chúng ta ngồi đúng tư thế khi chúng ta cảm thấy phía sau chân của mình chạm vào ghế, còn thân của chúng ta ở tư thế thẳng đứng từ đầu tới hông. Chúng ta ngồi thật đằm thắm vào ghế với bộ dạng hết sức tự chủ.

Tư thế

Vài trang trước, chúng ta vừa nói là trong khi diễn thuyết, diễn giả không nên mân mê trang phục hoặc nữ trang, vì làm vậy sẽ làm thính giả phân tâm. Ngoài ra, nó tạo ra một ấn tượng về sự yếu kém và thiếu tự chủ của bạn. Mọi cử động không làm cho thính giả thêm phần chú ý tới sự hiện diện của bạn đều có tác dụng ngược lại. Không có cử động nào mang tính trung lập cả. Do vậy, hãy đứng ngay ngắn và tự chủ.

Khi vừa bước lên diễn đàn, không nên vội vã vào cuộc ngay. Đó là dấu hiệu của diễn giả nghiệp dư. Hãy hít thở thật sâu, ngực hơi ưỡn về trước. Hãy nhìn xuống thính giả một lát; và, nếu có một tiếng ồn hay sự xáo trộn, hãy tạm ngừng cho tới khi mọi chuyện lắng dịu xuống.

Còn đôi bàn tay của bạn? Hãy quên chúng đi. Lý tưởng là cứ để xuôi một cách tự nhiên hai bên hông. Nếu bạn có cảm giác chung trông giống cái bẹ chuối, cũng chớ dại dột mường tượng rằng có người đang để ý hoặc quan tâm tới chúng.

Cứ thoải mái buông xuôi đôi tay là dễ coi nhất. Tư thế đó ít thu hút sự chú ý nhất và ngay cả những kẻ ưa bắt bẻ nhất cũng khó mà chê bai được. Và khi cần, đôi tay không bận rộn ấy có thể khua múa tự nhiên.

Nhưng giả như bạn rất lúng túng và thấy rằng việc đặt tay sau lưng, nhét chúng vào túi quần hoặc đặt chúng trên bục diễn sẽ giúp bạn bớt hồi hộp – bạn nên làm gì? Hãy tự phán đoán để chọn tư thế nào thoải mái nhất. Nói cho cùng, điều vô cùng quan trọng trong thuật nói trước công chúng là khía cạnh ta6mly1 chứ đâu phải tư thế của tay chân.

Người ta dạy trò hề ngớ ngẩn nhân danh điệu bộ

Và thông thường điều trên sẽ dẫn chúng ta tới một thắc mắc khá bị lạm dụng về điệu bộ. Hiệu trưởng một trường đại học miền Trung Tây đã dạy tôi bài học nói trước công chúng đầu tiên. Theo như tôi nhớ được, bài học chủ yếu liên quan tới điệu bộ; nó không chỉ vô bổ lại vừa sai lầm và rất có hại. Tôi được dạy là phải buông xuôi tay, lòng bàn tay quay về phía sau, ngón tay cong vào phân nửa và ngón cái chạm vào chân. Tôi được tập luyện đưa tay lên tạo thành một đường cong đẹp mắt, lúc lắc cổ tay và rồi trước tiên mở ngón tay trỏ ra, kế đến ngón giữa và sau cùng là ngón út. Khi làm xong toàn bộ những cử động thẩm mỹ và hoa lá đó, cánh tay diễn lại cùng đường cong mỹ miều nhưng thiếu tự nhiên đó xuôi lai. Toàn bộ diễn xuất đó thì vụng về và giả tạo. Tôi được tập luyện cư xử theo kiểu mà chẳng một ai, khi tỉnh trí, hành động như thế ở bất cứ đâu.

Chẳng ai thúc đẩy tôi lồng ghép tính cá nhân vào những cử chỉ ấy; chẳng ai nỗ lực khơi dậy nơi tôi lòng vui thích diễn tả bằng điệu bộ; chẳng một gắng sức nào nhằm đưa dòng chảy và khí lực của sự sống vào quy trình đó nhằm làm cho nó tự nhiên; chẳng ai thôi thúc tôi thốt lên, bộc phát, chọc thủng cái vỏ sò co cụm, nói năng và ứng xử như một con người. Không, toàn bộ sự thể hiện đáng tiếc đó đều mang tính máy móc như một chiếc máy chữ, thiếu sinh khí như một tổ chim cũ rích, lố bịch như màn trình diễn của Punch và Judy.

Có vẻ như không thể tin được rằng người ta lại đem cái trò hề ngớ ngẩn ấy ra mà dạy trong thế kỷ thứ hai mươi, thế nhưng chỉ vài năm trước đây một cuốn sách nói về cách diễn tả bẳng điệu bộ mới được xuất bản – toàn bộ cuốn sách đó cố biến con người thành những cỗ máy tự động bằng cách nói cho họ là họ phải có điệu bộ nào đối với câu này, điệu bộ nào đối với câu kia, tay này có điệu bộ gì; có khi dùng cả hai tay thì điệu bộ tay nào cao còn điệu bộ tay nào thấp, rồi cách giữ ngón tay này ngón tay nọ. Tôi đã thấy hai mươi người cùng một lúc đúng trước một lớp học, tất cả đều đọc cùng một đoạn văn rất hùng hồn, hoa mỹ, trích từ một cuốn sách, tất cả đều làm những điệu bộ y hệt nhau khi đọc tới những từ giống nhau, và tất cả đã tự biến mình thành trò cười. Giả tạo, phí thời gian, máy móc, tai hại – đã làm cho toàn bộ môn học này bị mang tiếng đối với nhiều người. Vị trưởng khoa của một đại học lớn ở Massachusett mới đây đã nói rằng trong trường của ông không có khóa dạy về thuật nói trước công chúng vì ông chưa bao giờ thấy một giáo trình nào mang tính thực tiễn, có ý nghĩa. Và tôi hoàn toàn cảm thông với ngài trưởng khoa đó. Điệu bộ đáng giá thì chỉ có một, hai hoặc ba mà cũng phát sinh một cách bất chợt. Một cân tự phát thì đáng giá bằng cả tấn quy luật.

Điệu bộ không phải là một thứ khi muốn thì ta khoác lên mình giống như một chiếc áo dạ tiệc. Nó chỉ là một biểu hiện bên ngoài của tình trạng bên trong không khác nào những nụ hơn, cơn đau bụng, tiêng cười và sự say sóng.

Và những điệu bọ của một người, giống bàn chải đánhr ăng của anh ta, phải là những món đồ mang đầy tính cá biệt. Và, vì mọi người khác nhau, nên điệu bộ của họ cũng sẽ mang tính chất riêng nếu họ muốn thật sự xử sự một cách tự nhiên.

Không nên tập luyện cho hai người diễn tả cùng một kiểu điệu bộ. Hãy tưởng tượng là bạn đang cố bắt ông Lincoln vốn tư duy chậm rãi, lê thê, vụng về có cùng điệu bộ diễn đạt như Douglas mau mồm mép, chóng vánh, trau chuốt. Chuyện đó thật buồn cười.

Herndon, luật sư đồng nghiệp và người viết tiểu sử của Lincoln cho biết, “Lincoln không khua múa đôi bàn tay nhiều bằng đầu của ông ta. Ông thường gật gà gật gù cái đầu thật mạnh. Ông dùng cử động để nhấn mạnh ý nghĩa của lời phát biểu. Đôi khi đầu ông giật lẹ, như thể phóng những tia điện vào trong một thứ vật liệu dễ cháy. Ông không bao giờ khua tay múa chân. Khi ông tiếp tục bài diễn văn, ông trở nên phóng khoáng hơn và bớt băn khoan hơn về cử chỉ. Ông có một nét tự nhiên hoàn hảo, một cá tính mạnh mẽ trong chừng mực đáng trọng. Ông coi thường vẻ hào nhoáng, khoe khoang, hình thức cứng nhắc và giả dối… Có cả một thế giới ý nghĩa và quan trọng nơi ngón tay dài, xương xẩu của bàn tay phải của ông khi ông ghi các ý tưởng lên tâm trí của thính giả. Đôi khi, để diễn tả niềm vui và sự hoan lạc, ông nâng cả hai bàn tay thành một góc khoảng năm mươi độ, lòng bàn tay ngửa lên, như thể ao ước ôm ấp tinh thần của cái mà ông quý mến. Nếu là tình cảm cay ghé – ví dụ, sự lên án nạn nô lệ - cả hai cánh tay, sau khi vung lên trời trong khi nắm chặt chúng lại, đã quét trong khoảng không để diễn tả một sự ghét cay ghét đắng tột cùng. Đây là một trong những điệu bộ đầy tác động nhất của ông, và nó biểu thị một cách sinh động nhất quyết tâm kiên vững muốn kéo đổ đối tượng mà ông hằng cay ghét và muốn vùi dập nó vào lòng đất. Ông luôn đứng thẳng chân, hai ngón chân cái để băng nhau; có nghĩa là, ông không bao giờ để chân này trước chân kia. Ông chẳng bao giờ đụng hay tự vào cái gì hết. Ông chỉ thay đổi chút ít về vị trí và thái độ. Ông không bao giờ ăn nói huênh hoang, không bao giờ đi tới đi lui trên diễn đàn. Để cho cánh tay được bớt mỏi, ông thường dùng tay trái để nắm lấy cái ve của áo khoác, trong khỉ chỏng ngón tay cái lên trời và bàn tay phải thì thảnh thơi khua múa.”

Đó chính là phương pháp của Lincoln. Theodore Roosevelt thì sôi nổi, hăng hái và linh hoạt hơn. Toàn bộ khuôn mặt của ông chan chứa tình cảm, tay nắm chặt, toàn thân như một công cụ diễn tả. Bryan thường sử dụng bàn tay duỗi ra, lòng mở rộng. Gladstone và thường nắm tay đấm xuống bàn hay đập vào lòng bàn tay kia, hoặc giậm chân thình thịch xuống sàn nhà. Rosebery thường đưa cánh tay phải lên rồi phất xuống rất mạnh. Tuy nhiên, sức mạnh trước tiên phải có trong các tư tưởng và niềm thâm tín của diễn giả, cái đó mới làm cho điệu bộ của ông ta nên hùng mạnh và tự phát.

Tính tự phát … sức sống … là sự chí thiện (summum bonum) của hành động. Burke ốm nhom và điệu bộ cực kỳ lúng túng. Pitt khua múa đôi tay “như một anh hề vụng về”.” Henry Irving bị tật què chân nên những cử động rất kỳ quặc. Những cử chỉ của Macaulay, Grattan, Parnell trên diễn đàn quả là lóng ngóng. Curzon ở Đại học Cambridge, trong bài diễn văn về thuật hùng biện, Curzon ở Đại học Cambridge đã nói, “Thế thì bí quyết có vẻ là các diễn giả đại tài tự tạo những điệu bộ riêng; và cho dù một nhà hùng biện vĩ đại chắc chắn có vẻ bên ngoài đẹp trai và các động tác thật duyên dáng, nhưng nếu chăng may ông ta xấu xí và vụng về thì cũng chẳng thành vấn đề gì.”

Và đó cũng sẽ là cách thức mà bạn có thể tâm đắc để thấy rằng chính mình là người tạo ra những điệu bộ. Tôi không thể đưa ra cho bạn quy luật chung về cách diễn tả bằng điệu bộ nào hết, vì mọi sự còn tùy thuộc tính tình của diễn giả, sự chuẩn bị, sự nhiệt tình, tính cách của diễn giả và tùy đề tài, thính giả và hoàn cảnh nữa.

Mấy gợi ý có thể được coi là hữu ích

Tuy nhiên, đây là vài gợi ý hữu hạn có thể được coi là hữu ích. Không lập lại một điệu bọ khi nào nó trở thành đơn điệu. Trên diễn đàn thì những cử động từ vai dễ coi hơn. Đừng kết thúc các điệu bộ của bạn quá lẹ. Nếu bạn đang sử dụng ngón tay trỏ để quảng diễn ý tưởng, đừng e ngại giự điệu bó xuyên suốt cả một câu nói. Nếu bạn không giữ như thế thì bạn đã phạm một sai lầm phổ biến và nghiêm trọng rồi đó. Nó làm méo mó sự nhấn mạnh của bạn, vì làm cho những điều nhỏ nhặt không quan trọng và những điểm thật sự quan trọng đều có vẻ tầm thường khi so sánh.

Khi diễn thuyết trước thính giả, chỉ làm những điệu bộ mang tính tự nhiên thôi. Nhưng trong khi tập luyện, nếu cần, hãy ép mình sử dụng các điệu bộ. Hãy ép mình làm điều này, và chính việc làm này sẽ thức tỉnh và kích thích bạn mạnh đến độ các điệu bộ của bạn sẽ sớm trở thành tự phát, chẳng tìm mà cũng gặp.

Hãy gấp sách lại. Bạn không thể học các điệu bộ từ một trang giấy in đâu. Những thôi thúc của riêng bạn khi đang diễn thuyết, còn đáng tin cậy hơn, quý báu hơn bất cứ thứ gì mà một thày dạy có thể nói cho bạn.

Nếu như bạn quên mọi điều khác mà chúng ta đã nói về điệu bộ và phong cách diễn thuyết, xin bạn nhớ điều này: nếu một người thiết tha với những gì mình phải nói, nếu người đó hăng say trình bày thông điệp của mình đến độ quên cả chính mình và nói năng, hành động một cách tự phát, khi đó điệu bộ và phong cách diễn thuyết của họ, cho dù không được học hỏi, rất có khả năng là chẳng thể chê vào đâu được. Nếu bạn hồ nghi điều này, bạn hãy tiến sát và xô té một người. Bạn sẽ khám phá ra rằng, khi ông ta đứng lên được, bài diễn thuyết mà ông ta thật là rất hoàn hảo, như một viên ngọc của tài hùng biện.

Đây là những từ hay nhất mà tôi đã đọc được về đề tài phong cách diễn thuyết:

Hãy đổ đầy thùng.

Hãy bật mở nút thùng.

Hãy để thiên nhiên nhảy múa.

1. Theo những thử nghiệm của viện Công nghệ Carnegie, nhân cách liên quan tới thành công kinh doanh hơn là kiến thức vượt trội. Lời công bố này đúng cho cả việc diễn thuyết cũng như cho kinh doanh. Tuy nhiên, nhân cách là một điều mơ hồ, khó nắm bắt và bí ấn đến độ không thể đưa ra các chỉ dẫn để phát triển nó, nhưng một vài gợi ý được đưa ra trong chương này sẽ giúp diễn giả đăng đàn đạt được mức tốt nhất của mình.

2. Đừng nói khi bạn mệt. Hãy nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe, dự trữ sinh lực.

3. Hãy ăn sơ sơ trước khi diễn thuyết.

4. Đừng làm hoen rỉ năng lực của bạn. Nó có hấp lực. Thính giả vây quanh diễn giả năng nổ giống như những chú ngỗng trời vây kín một cánh đồng lúa mì mùa thu.

5. Ăn mặc gọn ghẽ, hấp dẫn. Ý thức mình ăn mặc chỉnh tề sẽ giúp làm tăng thêm lòng tự trọng và sự tự tin. Nếu một diễn giả mặc quần rộng thùng thình, giày dép lôi thôi, tóc tai bù xù, viết máy và viết chì lòi ra bên ngoài túi áo ngực, hoặc mang một túi xách căng phình và xấu xí, thính giả tỏ ra ít trân trọng đối với người đó y như diễn giả ấy cũng ít trân trọng đối với chính mình.

6. Hãy mỉm cười. Hãy trình diễn trước thính giả với một thái độ nói lên rằng bạn thích có mặt ở đó. Cả khi trước khi diễn thuyết, thường thì, chúng ta cũng có thể bị chê bai hay được tán thành. Do đó, có đủ lý do để chúng ta phải nắm chắc rằng thái độ của chúng ta phải khơi nguồn cho một sự đáp trả nồng ấm.

7. Hãy cho thính giả của bạn ngồi gom lại với nhau. Chẳng có nhóm thính giả nào dễ dàng bị tác động khi họ ngồi rải rác. Một cá nhân, với tư cách là một thành viên của một khối thính giả chen chúc, sẽ cười, vỗ tay và tán thành những điều mà cá nhân anh ta có thể thắc mắc và phản đối khi ta nói riêng với anh ta hay khi anh ta là một trong nhóm người ngồi rải rác trong một phòng rộng.

8. Nếu bạn diễn thuyết cho một nhóm nhỏ, hãy đưa họ vào một phòng nhỏ. Đừng đứng trên diễn đàn. Hãy đứng trên cùng mặt bằng với thính giả để tạo sự thân mật, bình dân và mang tính đối thoại.

9. Hãy giữ không khí trong phòng được trong lành.

10. Hãy thắp sáng phòng. Hãy đứng làm sao cho ánh sáng rọi vào mặt bạn, hầu thính giả cá thể nhìn thấy mọi đường nét trên khuôn mặt của bạn.

11. Đừng đứng sau bất cứ thứ gì. Đẩy bàn ghế qua một bên. Hãy dẹp bỏ mọi bảng hiệu khó coi và đồ lặt vặt thường làm bề bộn chỗ bạn đứng.

12. Nếu bạn có quan khách trên diễn đàn, chắc chắn đôi khi họ sẽ đi đi lại lại; và mỗi lần như thế, họ cũng đủ làm thính giả phân tâm.

Kỳ trước (10) . . . Kỳ tiếp theo (12)

2 nhận xét:

Nguyễn Thị Hằng nói...

Tôi vừa đọc xong bài này và tôi đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm quý báu cho chính bản thân mình. Hiện tôi chưa xin được việc nhưng tôi hi vọng một tương lai không xa tôi sẽ được làm một cô giáo để truyền đạt những kiến thức của mình cho học sinh. Điểm yếu của tôi là quá rụt rè và thiếu tự tin nơi bản thân mình nên nhiều khi tôi đã không làm được nhiều điều mà tôi mong muốn. Tôi sẽ ghé thăm trang web này thường xuyên hơn nữa để có thể tìm đọc thêm nhiều cuốn sách hay và bổ ích. Chúc mọi người một buổi tối tốt lành nhé!

PHẠM VĂN MINH nói...

Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog của tôi, chúc bạn sớm kiếm được việc làm và luôn phát triển mỗi ngày.