CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI BLOG PVM

"Cuộc đời hôn lên tôi bằng nỗi đau thương và buộc tôi phải đáp lại bằng lời ca tiếng hát" R. TAGORE


Trang đồng tác giả:
http://www.phantichkinhte123.com



Email của PVM:
minhphamvan2008@gmail.com
PHẠM VĂN MINH

12 thg 4, 2013

LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI – Kỳ 1 – LTTC là gì?

Lý thuyết trò chơi (LTTC, tiếng Anh là Game Theory) hay còn gọi là Thuật đấu trí (dịch thoát nghĩa) là một môn nghiên cứu về hành vi ra quyết định chiến lược, tức ra quyết định trong môi trường tương tác đa phương (giữa 2 hay nhiều người). Mỗi lựa chọn của ta không phải dẫn đến một kết quả bất di dịch mà kết quả ta nhận được sẽ tùy thuộc vào những điều kiện và bối cảnh cụ thể của “cuộc chơi”, nôm na là tùy vào “đối phương” của ta phản ứng ra sao và trong “môi trường” nào mà sự tương tác diễn ra. Chính vì vậy, nó đòi hỏi các “người chơi” phải hết sức tỉnh táo, có tầm nhìn và đầy mưu lược, không kém gì “mưu chước” của người xưa (ví dụ Binh pháp Tôn Tử). Nói chung, nó khá tinh tế và phức tạp.   
Chuyện đời thì cái gì mới và khó thì sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm. LTTC không phải là một ngoại lệ.
LTTC là một ngành toán ứng dụng khá non trẻ, ra đời chưa tới 100 năm, nhưng nó là một mảnh đất sinh ra nhiều hoa trái ngọt, minh chứng qua những thành tựu mà nó đạt được trong vài thập niên trở lại đây, nhiều giải Nobel đã được trao cho các lý thuyết gia trò chơi, gần nhất là giải Nobel kinh tế 2012 của E. Roth và S. Shapley về việc tạo lập, ổn định các thể chế thị trường cũng như việc cải thiện hiệu suất hoạt động của chúng.
LTTC được giảng dạy từ khá lâu ở khắp các cấp bậc học tại nhiều đại học trên thế giới: BA, MBA, Ph.D, … qua các khóa cơ bản và chuyên sâu về LTTC hay được lồng ghép trong các môn học như: Tư duy chiến lược, Lý thuyết hành vi, Lý thuyết thông tin, Ra quyết định, Thiết kế thị trường, Kinh tế vi mô nâng cao, v.v… Hoặc các khóa ứng dụng LTTC vào Tài chính, Giải quyết xung đột, Nghệ thuật thương lượng/đàm phán.
Ở Việt Nam, LTTC là một môn học rất mới mẻ. Dù nó vẫn thường được nhắc đến trong môn Kinh tế vi mô ở thị trường độc quyền nhóm (còn gọi độc quyền tập đoàn, với hai hay vài người) thông qua các chiến lược MAXIMIN, MINIMAX… về cạnh tranh sản lượng hay giá, nhưng rất ít trường đại học ở ta mạnh dạn đưa nó thành một môn học với sự đầu tư nghiêm túc. Việc này có nhiều nguyên do. Trong bài viết ngắn này, tôi chỉ đề cập một vài lý do chính yếu sau đây:
(1)  Số người biết đến sự tồn tại của môn này còn rất hạn chế, kể cả SV và GV khối ngành kinh tế,
(2)  Thiếu người được đào tạo bài bản đúng chuyên ngành dẫn đến ít người thấy rõ ích lợi của môn học đối với SV nói chung.
(3)  Thiếu giáo trình và tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt (có tính hệ thống), mặc dù về cơ bản, chúng ta không thể phủ nhận các nỗ lực dịch thuật nhằm giới thiệu LTTC cho bạn đọc trong nước thông qua các tác phẩm: Lý thuyết trò chơi trong kinh doanh, Tư duy chiến lược – LTTC thực hành, Trò chơi tiên đoán, Chiến lược xung đột, …
(4)  Sự “ngán ngẫm” hoặc “e dè” cố hữu của SV khối ngành kinh tế với các môn có liên quan đến toán học, và cuối cùng
(5)  Thiếu óc quan sát liên ngành (vào thế giới bên ngoài) của các cấp lãnh đạo chương trình.   
Tuy nhiên, một vài khó khăn ở trên hẳn không thể nào làm nản lòng ta. Thực tế, tôi thấy một vài dấu hiệu đáng mừng cho những ai yêu thích môn này ở Việt Nam:
(1)  Số nhóm, cộng đồng (diễn đàn) trực tuyến bắt đầu bàn tán nhiều về LTTC. Có thể nói, lượng người yêu thích môn này đang gia tăng.
(2)  Một số trường đại học bắt đầu quan tâm đến LTTC và dự kiến sẽ đưa vào chương trình đào tạo cử nhân kinh tế của họ trong vài năm tới. [Tác giả tổng hợp từ các báo cáo viên khi tham dự Hội thảo khoa học "Giảng dạy toán cho sinh viên và học viên cao học khối ngành kinh tế" do trường Đại học Kinh tế - Luật tổ chức vào ngày 22/12/2012 vừa qua.]  
(3)  Thời cuộc đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải được giải quyết bằng óc tư duy chiến lược với tầm nhìn rộng lớn, đa chiều.    
Vậy tóm lại, triết lý và vai trò của môn LTTC là gì?
Đây là một câu hỏi khó mà tôi, với sự hiểu biết hạn hẹp và còn nhiều khiếm khuyết của mình, không thể nào trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, câu nói “Cuộc đời là một trò chơi bắt buộc” của Edwin Robinson (trích từ Chương 3, sách Lý thuyết trò chơi trong kinh doanh của Adam M. Brandenburger & Barry J. Nalebuff) đã cho chúng ta manh mối để thấy được vai trò của môn này trong cuộc sống. Vì sống là “sống với” (tha nhân, đồng loại, giới tự nhiên, …) nên bắt buộc ta dù muốn dù không cũng phải tham gia vào trò chơi “CUỘC ĐỜI”, không thể nào né tránh hay thoái thác.
Việc chơi càng hay thì càng lợi cho ta, lợi cho người và sau cùng, làm lợi cho môi trường sống và cả tương lai nữa. Lấy hành vi duy lý [nôm na, thấy lợi cho mình thì làm, Self-interested agents] làm nền tảng cho các lựa chọn chiến lược [hay hành động] của các người chơi có thể gây ra nhiều tranh cãi về tính hợp lý hay khả năng dẫn tới sự hợp tác đôi/đa bên cùng có lợi. Tuy nhiên theo thiển ý của tôi, về lâu dài/đường xa, tính chất duy lý (lý tính) sẽ chi phối hành vi của con người nhiều hơn [suy nghĩ có lô-gíc hơn] và vì thế con người có thể học hỏi nhiều hơn từ sai lầm của chính mình [lịch sử của trò chơi], cũng như thẩm định được “cái giá” của sự bất hợp tác, từ đó họ có thể dự liệu hay trù tính [DỰ KIẾN, PHỎNG ĐOÁN] cho mình các chiến lược hành động hợp lý để hướng tới sự hợp tác và phát triển bền vững. [Hình như, đó cũng là cứu cánh của nhân loại.]
Để thấy được nét tinh tế của môn học này, xin quý bạn hãy dành thời gian cho nó. Tôi sẽ cố gắng viết ra đây những gì tôi biết. Tuy có thể những điều này chưa hoàn toàn đúng đắn, nhưng thông qua trao đổi, tôi cũng muốn học hỏi từ quý bạn để thấy mình tiến triển mỗi ngày.
Tôi dự định viết nhiều kỳ liên quan đến môn học này với hi vọng tạo dựng được một cộng đồng quan tâm lớn hơn. Nhiều vấn đề xã hội và triết học sẽ được đề cập và phân tích để người đọc có cái nhìn rõ hơn về LTTC, về tính ứng dụng cũng như những hạn chế của nó.  
Hi vọng các bạn đón đọc.
PVM
kỳ tiếp theo:
Kỳ 2 - Lý thuyết trò chơi và tình thế nan giải của những người tù.

1 nhận xét: