CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI BLOG PVM

"Cuộc đời hôn lên tôi bằng nỗi đau thương và buộc tôi phải đáp lại bằng lời ca tiếng hát" R. TAGORE


Trang đồng tác giả:
http://www.phantichkinhte123.com



Email của PVM:
minhphamvan2008@gmail.com
PHẠM VĂN MINH

19 thg 10, 2010

PHÁT TRIỂN LÒNG TỰ TIN VÀ TẠO ẢNH HƯỞNG BẰNG DIỄN THUYẾT (Kỳ 3)

Thứ nhất: Bắt đầu bằng ước muốn mạnh mẽ và kiên định

Điều này quan trọng hơn là bạn nghĩ nhiều. Nếu người hướng dẫn có thể nhìn thấu tâm trí của bạn, hầu như ông ta có thể dự đoán được sự tiến bộ của bạn. Nếu ước muốn của bạn yếu, thành quả của bạn cũng sẽ theo sắc thái ấy và trước sau gì cũng thế thôi. Nhưng nếu bạn đeo đuổi chủ đề của bạn một cách kiên trì, và đầy háo hức, thì chẳng gì dưới giải Ngân hà này có thể đánh bại được bạn.


Do đó, hãy nhiệt tình với công việc tự trau dồi này. Hãy liệt kê ra các mối lợi của nó. Hãy nghĩ tới sự tự tin ngày càng tăng và khả năng ăn nói thuyết phục trước công chúng sẽ có ý nghĩa đối với bạn. Hãy nghĩ tới việc trau dồi này hẳn phải mang ý nghĩa gì, về mặt tài chính. Hãy nghĩ tới ý nghĩa về mặt xã hội của nó đối với bạn: nào là khả năng có thêm bạn bè, ảnh hưởng cá nhân, tài lãnh đạo.

Chayncey M. Depew đã nói: “Không một sự thành đạt nào khác, mà bất cứ ai có thể gặt hái được, lại mau chóng đem lại cho người đó một sự nghiệp và sự thừa nhận bình ổn như khả năng ăn nói giỏi giang.”

Philip D. Armour, sau khi đã tích lũy được cả bạc triệu, vẫn phải bảo: “Tôi thích làm một diễn giả tài ba hơn là làm một nhà tư bản có tiếng.”

Nó chính là thành tựu mà hầu như mọi người học thức đều mong muốn. Sau khi Andrew Carnegie qua đời, trong số các giấy tờ của ông, người ta đã tìm thấy một kế hoạch sống được ông thảo ra lúc ông ba mươi tuổi. Khi đó ông cảm thấy rằng trong vòng hai năm nữa ông có thể điều hành công việc kinh doanh có thu nhập cao nên đã dự tính sẽ nghỉ khi ông ba mươi lăm tuổi và vào đại học Oxford để học hành cho thật chu đáo, “đặc biệt chú tâm tới môn nói trước công chúng.”

Hãy nghĩ tới cái cảm giác ấm áp của sự hài lòng và niềm vui phát sinh từ việc thực tập khả năng mới này. Tác giả đã chu du nhiều nơi trên thế giới, đã có muôn vàn kinh nghiệm đa dạng; nhưng với sự hài lòng nội tâm đích thực và lâu bền, ông nhận thấy chỉ có vài thứ có thể đem so với việc đứng trước một cử tọa và làm cho họ tư duy theo tư tưởng của bạn. Nó sẽ mang lại cho bạn một ý thức về sức mạnh, một cảm giác về quyền lực. Nó sẽ làm cho bạn được nổi trội hơn các bạn bè của bạn. Trong nó có một ma lực và một sự ly kỳ khó quên. Một diễn giả đã thú nhận: “Hai phú trước khi tôi bắt đầu diễn thuyết, tôi muốn mình ăn roi hơn là bắt đầu nói; nhưng hai phút trước khi chấm dứt buổi nói chuyện, tôi lại muốn bị bắn hơn là ngừng nói.”

Dù đã hết sức nỗ lực, một số người vẫn cứ nhút nhát và bỏ cuộc ngang chừng; do vậy, bạn phải tiếp tục nghĩ tới ý nghĩa của kỹ năng này đối với bạn cho tới khi lòng ao ước của bạn cháy bỏng lên. Bạn nên khởi sự chương trình này với sự nhiệt tâm tột cùng để nó sẽ đưa bạn tới chỗ chiến thắng. Hãy dành riêng một buổi tối trong tuần để đọc các chương này. Tóm lại, hãy làm cho dễ dàng bao nhiêu có thể để mà tiến bước. Và hãy biến việc tháo lui trở nên khó khăn biết bao nhiêu.

Khi Julius Caesar từ Gaul vượt qua được eo biển Manche và cùng với các đoàn quân đổ bộ trên vùng đất mà giờ đây là nước Anh, ông đã làm gì để các trận đánh của ông nắm chắc phần thắng lợi? Một việc hết sức khôn khéo, ông bắt binh sĩ dừng chân trên các vách đá của Dover, và, trong lúc trông xuống những con sóng cách xa cả vài chục mét dưới chân, họ thấy các lưỡi lửa đỏ thiêu rụi tất cả con tàu mà họ đã dùng để băng qua eo biên. Ở vùng đất địch dải đất cuối cùng nối với Lục địa không còn nữa, các phương tiện rút lui đã cháy tan, họ chỉ còn lại một điều có thể làm là: tiến lên, chiến thắng. Đó chính là những gì họ đã thực hiện.

Đó là tinh thần của Caesar bất tử. Vậy sao bạn không biến nó thành của bạn, trong cuộc chiến hủy diệt bất cứ nỗi sợ hãi ngu xuẩn nào khi đứng trước khán giả?

Thứ hai:
Hiểu thấu đáo những gì bạn sẽ nói


Một người nếu không nghĩ ra và lên được kế hoạch cho bài nói chuyện của mình và cũng không biết minh sẽ nói gì, họ sẽ không thể cảm thấy thoải mái khi đối diện với thính giả. Người đó giống như kẻ đui dắt người mù. Trong những tình huống đó, diễn giả chắc sẽ thất kinh, cảm thấy hối hận, hổ thẹn về sự chểnh mảng của thính giả.


Teddy Roosevelt đã viết trong cuốn Tự truyện: “Tôi được bầu vào cơ quan lập pháp vào mùa thu năm 1881 và tôi thấy mình là người trẻ nhất trong cơ quan. Giống như mọi người trẻ tuổi và các thành viên thiếu kinh nghiệm, tôi gặp khá nhiều khó khăn khi học ăn nói. Tôi đã nhờ rất nhiều vào lời khuyên của một lão ông hết sức thực tế - ông đã vô tư kể, vô tư giảng giải về Công tước xứ Wellington, người rõ ràng đang diễn giải một ai khác. Lời khuyên như sau: “Đừng nói trước khi bạn nắm chắc là mình có cái gì để nói và biết rõ cái đó là cái gì; khi đó bạn hãy phát biểu nó ra, và rồi an tọa.”

“Lão ông miền quê thiết thực” này chắc đã nói cho Roosevelt về một sự trợ giúp nữa nhằm khắc phục tình trạng lúng túng. Chắc ông đã nói thêm rằng: “Bạn sẽ rũ bỏ được bối rối nếu bạn có thể tìm thấy cái gì đó để làm trước cử tọa – khi bạn có thể bày tỏ một cái gì đó, viết một chữ trên bảng, hoặc chỉ ra một điểm trên bản đồ, hay chuyển một cái bàn, mở tung một cánh cửa sổ, hoặc di dời vài cuốn sách và tờ giấy – bất cứ một hành động nào hàm ẩn một mục đích sau đó đều có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.”

Thực ra, không hẳn lúc nào cũng dễ kiếm được cái cớ để làm những việc như thế; nhưng đó là một gợi ý. Bạn hãy sử dụng nó khi có thể được; nhưng chỉ dùng nó vài lần đầu thôi. Một em bé không còn bám vào ghế nữa một khi nó biết đi.

Thứ ba: Hành động tự tin

Một trong những nhà tâm lý học nổi tiếng nhất của Mỹ, Giáo sư William James, đã viết như sau:
Hành động xem chừng đi theo cảm giác, nhưng thực ra hành động và cảm giác đi cùng với nhau; và qua việc điều chỉnh hành động, vốn trực tiếp được ý chí điều khiển hơn, chúng ta có thể gián tiếp điều chỉnh cảm giác, vốn không được ý chí điều khiển.

Do đó, nếu sự phấn khởi bộc phát của chúng ta đã bị mất đi, thì con đường tự ý tuyệt hảo dẫn tới phấn khởi sẽ là vui tươi ngồi dậy và hành động cùng phát biểu y như thể niềm phấn khởi vốn đã có mặt ở đó. Nếu xử sự như thế mà không làm cho bạn cảm thấy phấn khởi, khi đó chẳng còn sự gì khác có thể gúp được bạn cả.

Do vậy, để có được cảm giác dạn dĩ, hãy hành động như thể chúng ta vốn dạn dĩ, hãy sử dụng toàn bộ ý chí để đạt mục đích đó, và sự dũng cảm rất có thể sẽ thay thế cho sự nhút nhát. Hãy áp dụng lời khuyên của Giáo sư James. Để tăng phần vững dạ khi đối mặt với thính giả, hãy hành động như thể bạn vốn dạn dĩ. Tất nhiên, nếu bạn không được chuẩn bị, mọi hành động trên đời này vẫn sẽ có lợi nhưng rất tí. Nhưng cứ cho là bạn biết bạn sẽ nói cái gì, hãy nhanh nhẫu bước ra và thở một hơi thật sâu. Thực sự, hãy thở sâu trong vòng ba mươi giây trước khi đối diện với thính giả. Tăng nguồn cung cấp oxy sẽ làm bạn phấn chấn và mang lại cho bạn sự dạn dĩ. Cầu sĩ Jean đường cầu Reszke đã từng nói rằng khi bạn thở như thế, bạn “có thể trấn át nó” và cơn lúng túng liền tan biến.

Mọi thời, mọi miền, con người luôn ngưỡng mộ dũng khí; do đó, cho dù tim của bạn có đập cỡ nào, hãy vững dạ mà bước đi, ngừng lại, đứng yên và hãy hành động như thể bạn muốn vững dạ.

Hãy vươn cao người lên, nhìn thẳng vào mắt thính giả, và bắt đầu phát biểu một cách tự tin như thể mọi người trong số thính giả ấy đều là những người nợ tiền của bạn. Hãy tưởng tượng như thế. Hãy tưởng tượng rằng họ tụ tập để xin bạn gia nợ cho họ. Tác động tâm lý rất có lợi cho bạn.

Chớ lúng ta lúng túng cài cài mở mở nút áo, mân mê chuỗi hạt, hoặc quờ quạng đôi bàn tay. Nếu bạn phải làm những cử động có tính bối rối, hãy bỏ đôi bàn tay ra sau lưng và xiết chặt các ngón tay ở chỗ không ai có thể nhìn thây – hoặc ngọ nguậy các ngón chân.

Theo thông lệ, một diễn giả đứng lúp xúp sau một thứ gì đó là không nên; tuy nhiên, trong vài lần đầu bạn có thể làm thế để tự trấn an.

Teddy Roosevelt đã phát triển sự vững dạ và sự tự lực đặc trưng của ông ta ra sao? Phải chăng ông được phú bẩm tính dạn dĩ, dám nghĩ dám làm? Chẳng phải đâu. Ông thú nhận trong cuốn Tự truyện: “Vốn là một đứa trẻ hay ốm đau và vụng về, nên khi là một thanh niên, ban đầu tôi là con người vừa lúng túng vừa mất tự tin vào khả năng của mình. Tôi đã phải tự rèn luyện thật gian khổ và công phu không chỉ về thể chất mà cả về tâm hồn và tinh thần của tôi nữa.”

Thật hay khi ông đã kể cho chúng ta cách ông đạt được sự biến đổi này: “Hồi còn là một cậu bé,” ông viết, “tôi đã đọc một đoạn văn trong một cuốn sách của Marryat từng gây ấn tượng nơi tôi. Trong đoạn văn đó, vị thuyền trưởng của một chiến hạm nhỏ của Anh giải thích cho vị anh hùng trong truyện cách ông đạt được đức tính dũng cảm.” Ông nói lúc đầu mọi người đều khiếp sợ khi bước vào trận chiến, nhưng bước kế tiếp thì người đó phải giữ bình tĩnh đến độ có thể hành động như thể mình không hề sợ hãi gì cả. Sau khi giữ đủ bình tĩnh, người đó thay đổi từ sự giả bộ sang thực tế, và thực sự người đó trở thành không còn sợ sệt là hoàn toàn nhờ vào việc luyện tập tính gan dạ khi người đó thực sự không cảm thấy gan dạ. “Đây là lý thuyết mà tôi đã theo. Ban đầu tôi sợ đủ thứ, từ gấu xám Bắc Mỹ tới các chú ngựa “bất kham” và những người đấu súng; nhưng nhờ hành động như thể tôi không hề sợ hãi dần dà tôi đã không còn sợ nữa. Đa phần người ta đều có thể có cùng một cảm nghiệm ấy nếu họ muốn.”

Bạn cũng có thể có cùng một cảm nhận như thế nếu bạn muốn. Nguyên Soái Foch nói: “Trong cuộc chiến, phòng thủ tốt nhất là tấn công.” Do vậy hãy tấn công lại nỗi sợ của bạn. Hãy ra đi để đối mặt với chúng, chống lại chúng; mọi lúc hãy chinh phục chúng một cách hết sức gan dạ. Hãy nhận một bức điện và rồi tưởng tượng chính bạn là một cậu bé thuộc Liên minh miền Tây được chỉ thị chuyển bức điện đó. Chúng ta ít cần chú tâm tới cậu bé. Chính bức điện mới là các chúng ta cần tới. Bức điện – chính là cái đó. Hãy quan tâm tới nó. Hãy để tâm vào nó. Hãy coi nó như mu bàn tay của bạn. Hãy có lòng tin vào nó. Rồi hãy lên tiếng như thể bạn quyết tâm nói nó ra.

Hãy làm điều đó, và cơ hội mười trên một là bạn sẽ làm chủ được tình thế và làm chủ được chính mình.

Thứ tư: Hãy luyện tập! Hãy luyện tập! Hãy luyện tập!

Điểm sau cùng chúng ta phải nêu ra ở đây thực sự là quan trọng nhất. Cho dù tới lúc này bạn đã quên mọi sự mà bạn đã học được, hãy ghi nhớ điều này: phương cách đầu hết, phương cách sau cùng, phương cách không bao giờ thất bại nhằm phát triển sự tự tin trong khi nói chính là – hãy nói. Toàn bộ vấn đề cuối cùng cô đọng lại không gì ngoài một điều thiết yếu này: luyện tập, luyện tập, luyện tập. Đó là điều kiện thiết yếu của toàn bộ câu chuyện, “cái không thể thiếu được.”


Roosevelt cảnh báo: “Bất cứ diễn giả nào đều dễ “nôn nóng”. “Sự nôn nóng” là tình trạng hưng phấn, bồn chồn mãnh liệt có thể hoàn toàn phát sinh từ tính nhút nhát. Nó có thể tác động tới một người khi lần đầu tiên phải phát biểu trước một cử tọa đông giống y như lần đầu tiên người đó bị tác động khi thấy một con dã thú hoặc bước vào một trận chiến. Cái mà một người như thế cần đến không phải là lòng can đảm, nhưng là sự kiềm chế thần kinh, tức sự điềm tĩnh. Điều này anh ta chỉ có thể đạt được qua luyện tập. Anh ta phải hoàn toàn kiềm chế được thần kinh nhờ vào tập quán và nhờ tâp đi tập lại tính tự chủ. Phần lớn đây là vấn đề thói quen; theo nghĩa là nỗ lực và rèn đi rèn lại năng lực ý chí. Nếu bản thân người đó có khả năng thích hợp, anh ta sẽ càng lúc càng trở nên mạnh mẽ theo nhịp của từng lần rèn tập.”

Bạn muốn rũ bỏ nỗi sợ thính giả chứ? Chúng ta hãy xem cái gì tạo ra nó.

Giáo sư Robinson đã nói: “Nỗi sợ phát sinh từ sự ngu muội và thiếu quả cảm”. Nói khác đi: nó là kết quả của sự thiếu tự tin.

Nhưng cái gì gây ra thiếu tự tin? Nó là hậu quả của việc không biết bạn thực sự có thể làm được gì. Và việc không biết những gì bạn có thể làm là do thiếu kinh nghiệm. Khi bạn ích lũy đủ kinh nghiệm, những nỗi sợ của bạn sẽ tan biến; chúng sẽ tan chảy như sương đêm dưới nắng hè rực rỡ.

Một điều chắc chắn: phương pháp học bơi lội đã được thừa nhận chính là hãy nhào xuống nước. Bạn đã đọc cuốn sách này đủ lâu rồi. Sao bạn lại không quẳng nó qua một bên và tất bật bắt tay vào cuộc.

Hãy lựa chọn đề tài của bạn, đề tài mà bạn ưa chuộng, đề tài mà bạn đã có đôi chút kiến thức, và hãy soạn một bài nói chuyện dài ba phút. Hãy tự tập phát biểu bài nói đó một số lần. Rồi nếu được, diễn thuyết cho một nhóm có thể là đối tượng của bài nói chuyện đó, hoặc trình bày trước một nhóm bạn bè trong khi vận dụng toàn bộ sức mạnh và khả năng của bạn.

Tóm lược

1. Vài ngàn học viên đã viết thu nói lý do họ muốn theo khóa đào tạo nói trước công chúng và họ hy vọng đạt được gì từ khóa học này. Lý do chính mà đa số đưa ra đó là: họ muốn vượt thắng tính nhút nhát, có khả năng suy nghĩ khi đứng lên nói, và tự tin, thoải mái phát biểu trước một nhóm dù đông cỡ nào.

2. Điều đó không khó đạt. Nó không phải một món quà chỉ phú cho một vài cá nhân ít ỏi. Nó giống như khả năng chơi gôn: bất cứ ai – mọi người – đều có thể phát triển khả năng tiềm tàng của mình nếu mong muốn.

3. Nhiều diễn giả kinh nghiệm có thể suy nghĩ và phát biểu tốt hơn khi đối diện trước một nhóm người so với khi họ đàm thoại với một cá nhân. Sự hiện diện của một số người đông hơn hóa ra lại là một kích thích, một cảm hứng. Nếu bạn theo sát các đề nghị trong cuốn sách này, sẽ có lúc kinh nghiệm đó cũng trở thành kinh nghiệm của bạn; và bạn sẽ vui thích, tích cực mong được thực hiện một cuộc nói chuyện như thế.

4. Đừng tưởng rằng trường hợp của bạn là khác thường. Nhiều người sau này trở thành diễn giả nổi tiếng, lúc mới bước vào nghề, đã bị vây bọc bởi tính nhút nhát và hầu như chết điếng người vì sợ thính giả. Đó là trải nghiệm của Bryan, Jean Jaurès, Lloyd George, Charles Stewart Parnell, John Bright, Disraeli, Sheridan và rất nhiều người khác nữa.

5. Dù bạn đã từng nhiều lần diễn thuyết, bạn vẫn có thể bị lúng túng lúc bắt đầu; nhưng, vài giây sau, khi bạn đã bắt đầu phát biểu, sự lúng túng đó sẽ tan biến hết.

6. Để thu được kết quả tốt nhất từ cuốn sách này, hãy thực hiện bốn điều sau:

a. Khởi sự với một lòng mong muốn mãnh liệt và bền bỉ. Hãy liệt kê những mối lợi mà nỗ lực tự rèn này sẽ mang lại cho bạn. Hãy hăng say với công việc tự rèn tập này. Hãy nghĩ tới ý nghĩa của nó có đối với bạn về mặt tài chính, xã hội và cả thế lực và tài lãnh đạo. Hãy nhớ rằng tiến bộ của bạn đều tùy thuộc vào mức độ khát vọng của bạn.

b. Hãy soạn thảo. Bạn không thể cảm thấy tự tin nếu như bạn chẳng biết bạn sẽ nói gì.

c. Hãy hành động tự tin. “Để cảm thấy tự tin,” Giáo sư William James khuyên: “Hãy hành động như thể bạn đã tự tin, hãy sử dụng toàn bộ ý chí của chúng ta để đạt mục đích đó, và một đợt can đảm sẽ thay thế một đợt sợ hãi.” Teddy Roosevelt thú nhận rằng ông đã khắc phục được nỗi sợ gấu xám Bắc Mỹ, ngựa “bất kham” và những tay đấu súng nhờ vào phương pháp đó. Bạn có thể thắng vượt nỗi sợ thính giả bằng cách lợi dụng sự kiện tâm lý này.

d. Hãy rèn luyện. Đây là điểm quan trọng hơn cả. Sợ sệt là hậu quả của thiếu tự tin; và thiếu tự tin là hậu quả của việc không biết mình có thể làm được gi; và điều đó lại do thiếu kinh nghiệm. Vì thế, hãy tích lũy cho đủ kinh nghiệm thành công, và rồi các nỗi sợ hãi của bạn sẽ tan biến.

Kỳ trước (2) . . . Kỳ tiếp (4)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đã đọc xong tới đây :D
Mon chờ phần tiếp của thầy!
Doraemon25