CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI BLOG PVM

"Cuộc đời hôn lên tôi bằng nỗi đau thương và buộc tôi phải đáp lại bằng lời ca tiếng hát" R. TAGORE


Trang đồng tác giả:
http://www.phantichkinhte123.com



Email của PVM:
minhphamvan2008@gmail.com
PHẠM VĂN MINH

26 thg 4, 2011

QUẢN LÝ THỜI GIAN (kỳ 7)

Chào bạn!
Thế hệ QLTG thứ ba trông có vẻ rắc rối và dài hơi nên đòi hỏi ở bạn một sự kiên trì và nhẫn nại. Hi vọng quá trình này cũng giúp rèn luyện bạn trở nên “sáng lạn” vì “thiên tài cũng chỉ là sự nỗ lực lâu dài”. Chúng ta sẽ tính chuyện tương lai, hay chuyện QLTG dựa trên nhãn quan đó, để có thêm động lực đi trọn cuộc hành trình. Những bài viết của thế hệ này sẽ đặt ra cho bạn nhiều câu hỏi và sự đáp ứng lại chúng khiến bạn lâm vào một tình thế không nơi nương tựa, ngoài chính mình. Chúng ta thường không đủ cô đơn để sáng tạo, để sinh nở những thứ mới mẻ cho đời, hoặc đẻ lại chính ta. “Cô đơn là một điều tốt lành, bởi sử cô đơn là một điều khó khăn; nếu một sự việc nào đó khó khăn thì đó là một lý do thêm nữa để chúng ta phải làm.”* Hi vọng bạn không quá e dè khi tôi nói như vậy.

Tôi không biết trả lời những “câu hỏi sinh tử” ấy mất thời gian bao lâu, nhưng tôi nghĩ nên đủ lâu để những cảm thức sống động mà chúng gây ra cho bạn thấm được vào trong, đến tận tâm can của mình. “Sống để làm gì?” hay “Đời ta về đâu, đi đâu?” luôn được đặt lại mãi khi ta đang sống (tức đang chết), chúng ta cần nên biết mỗi sớm mai thức dậy mình chạy thục mạng vì cái chi chi chứ. Ai dẫn lỗi chỉ đường bày vẽ hướng đích cho ta, ai chịu trách nhiệm trước cuộc đời của ta ngoài chính ta? Hay cứ mặc cho “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”? Hoặc lạc quan hơn: “đời có ra sao cũng chẳng sao” (tôi khai triển theo lối tiêu cực câu này, không phải ý chính của nó).

Thế hệ thứ ba sẽ giúp bạn tự gánh vác và chịu trách nhiệm bản thân một cách dũng cảm hơn thông qua việc xác định hướng đi cho cuộc đời. Tôi tin bản chất con người là hướng thượng, tức biết khao khát những giá trị cao cả nên động lực để vươn lên luôn sẵn có và ẩn tàng bên trong mỗi người. Việc đầu tiên có thể giúp ta định hướng tốt vẫn là quay về chính mình để truy nguyên gốc rễ cái thân “tứ đại”, đầy “duyên cơ” của mình. Cái việc này đỏi hỏi sự nhìn nhận sâu xa về vị thế hay chỗ đứng của ta trên mặt đất. Tôi thì thích cảm giác thuộc về địa cầu nên tôi thấy đời mình được san sẻ và nối kết, qua từng hơi thở, qua từng bước đi, qua từng cử chỉ với người khác, với thiên nhiên… Còn bạn thì sao, bạn nương cậy vào đâu khi đối mặt với khó khăn, trắc trở, hiểm nguy? Bạn tựa nhờ cái gì để có thể đứng lên sau ngàn lần vấp ngã, nếu không phải là cái ý thức thuộc về một thứ gì đó cao đại hơn bản thân mình, thuộc về đất đai này, hành tinh này, vũ trụ này… Nếu tâm ta không u tối, trí óc ta không mờ mịt thì chí ít cũng nhận thấy rằng mỗi bước ta đi là đi trên đất đai, cửa nhà của mình, vô cùng gần gũi và thân thuộc. Tuy nhiên, để có thể hướng đích cho đời sống, tức hướng về cành lá, hoa thơm trái ngọt thì cũng nên tìm về gốc rễ, suối nguồn của mình. Cũng như việc trước khi muốn đi đâu, ta cần phải biết mình đang đứng chỗ nào và đang trong trạng huống ra sao. Để chi vậy?!!

Bạn được sinh ra với niềm kiêu hãnh hay bị ném vào đời với nỗi gièm pha? Chọn lựa là của bạn. Tuy nhiên, một điều quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là khi bạn ý thức rõ ràng về sự liên đới, hay trở nên làm một với tất cả, cái toàn thể, bạn sẽ có một ý chí hùng cường và tự do. Những phẩm chất này là cần thiết đối với một người muốn vươn lên tầm lãnh đạo đời mình. Bạn sẽ tạo ra những thay đổi cần có để thấy mình tiến triển, sở dĩ một cái cây có được nhiều hoa trái tốt là bởi vì nó có hột giống và gốc rễ tốt. Một con người khi được sinh ra đời, theo tôi, nó đã được kinh qua vô vàn thử thách, nên điều kiện để phát triển và trưởng thành đã được hoàn bị. Cái sức lực để thúc đẩy ta đi tới đã nằm sẵn trong bản thân ta, chỉ chờ ta “moi móc”, khai quật nó lên mà thôi. Vậy câu hỏi kỳ này đặt ra cho bạn là: Bạn là ai? Bạn là một tiểu vũ trụ được đứng tách rời, độc lập hay bạn là một phần trong hàng vạn, hàng tỷ phần kiến tạo nên VŨ TRỤ này thông qua sự nối kết, liên đới và hòa hợp?”. Nếu tâm bạn không phân biệt thì bạn chính là vũ trụ và vũ trụ chính là bạn, sống nơi đâu cũng như quê nhà của mình, như cá ở nước, hổ giữa rừng, chim giữa trời. Thong dong, tự do và tự tại.

Vậy QLTG quả thực khá “rườm rà” phải không? Cái gì quý giá mà mình muốn đạt được thì phải “trả giá” cho nó. Chúng ta phải hi sinh, chết đi con người cũ để sống con người mới, với tinh thần mới.

Tôi kết thúc kỳ này tại đây. Sau khi chúng ta xác định được sứ mệnh của mình là gì và biết mình là ai, đang đứng ở chỗ nào thì công việc tiếp theo là thiết lập các mục tiêu để thực hiện sứ mệnh đó. Kỳ tới tôi sẽ giới thiệu bạn về cách đặt mục tiêu và cách duy trì nỗ lực lâu dài để mỗi bước càng gần hơn với mục tiêu mà mình đã chọn.

Thân mến,

PVM

2 nhận xét:

Doraemon25 nói...

Em không biết sau vấp ngã mình đã làm gì... Đau một chút, nhìn nhận lại vấn đề một chút... rồi đứng lên, tự khi nào cũng chẳng rõ nữa... cũng chẳng biết vì sao mình đứng lên được, chẳng biết nhờ đâu, chỉ biết là mình vẫn đang tiếp tục đi để vấp tiếp...

minhtanhuynh nói...

"Tuy nhiên, để có thể hướng đích cho đời sống, tức hướng về cành lá, hoa thơm trái ngọt thì cũng nên tìm về gốc rễ, suối nguồn của mình"...điều này em đã nghe sự phụ nói, con người phải tìm về gốc, tìm về cái tự nhiên vốn có của con người và vũ trụ, gốc ở đây là Trời và Đất mà ta chính là yếu tố liên đới cả hai... tượng trưng cho thế thập tự nhai ( hình dấu thập) của đạo Nho, trục đứng tương trưng gốc rễ thân, tâm, đức. Còn trục ngang tượng trưng cho sự phát triển tài năng, suy nghĩ con người => đó chinh là vũ trụ...giờ ngẫm lại em mới hiểu thêm những gì mà sư phụ nói