CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI BLOG PVM

"Cuộc đời hôn lên tôi bằng nỗi đau thương và buộc tôi phải đáp lại bằng lời ca tiếng hát" R. TAGORE


Trang đồng tác giả:
http://www.phantichkinhte123.com



Email của PVM:
minhphamvan2008@gmail.com
PHẠM VĂN MINH

6 thg 7, 2011

HỌC để LÀM NGƯỜI HAY LÀM NGƯỜI để HỌC

Mấy ngày qua đời thật âm u đối với một kẻ ham mê như tôi. Thật khó mà diễn đạt hết cõi lòng mình qua câu chữ. Niềm vui thường dễ tả, nỗi buồn thì mơ hồ và mênh mông. Tuy nhiên, tôi muốn mượn một câu (hay nửa câu) cửa miệng mà người ta thường hay “nhắc nhở”, “dạy dỗ” nhau và xem đó như là một điều để “răn đe” hiệu quả cho những ai còn lan man, trôi nổi và vô định trong cuộc đời: “Học (Sống) để Làm người (Thành nhân)” để mà diễn đạt nỗi niềm của mình.

Đến bây giờ, sau nhiều năm suy tư về đời mình, đời người lẫn người đời, tôi thấy một điều là hình như chưa có một định nghĩa nào rõ ràng và đúng đắn về CON NGƯỜI, cũng như để là một con người thì “nó” phải có một hệ thống giá trị nào, phải đảm bảo các phẩm chất (nhân cách) gì. Tuyệt đối không! Càng cố định nghĩa thì càng sai lầm và bất lực. Vậy câu hỏi lại đặt ra là quá trình “Học làm người” sẽ đến bao giờ kết thúc? Sự quá độ này có điểm dừng hay không? Ai công nhận? Ai trao giải? Ai phất cờ khi ta đánh đích: LÀM NGƯỜI? Rõ ràng cứu cánh quá mơ hồ và phi lí đã đặt Con người vào một nan đề không thể giải bày một cách tường minh. Đó cũng là cơ sự của một cuộc sống tù túng chạy đua với các giá trị do người khác quy định hoặc áp đặt. Con người là phải thế này, phải thế kia. Chúng ta đua tranh và cố đạt được các giá trị một cách ngoạn mục, tuyệt cú nhất và mong được sự thừa nhận từ kẻ khác. Đằng sau tất cả những thành công vang dội đó, ta vẫn tiếp tục hỏi câu TA ĐÃ LÀ NGƯỜI chưa? Hỡi ôi, chúng ta cần một số đông hơn công nhận và thế lưỡng nan tiếp tục ngáng đường ta trở thành NGƯỜI. Rồi ta tự hỏi cái số đông đó đã LÀ NGƯỜI chưa khi dám công nhận ta, vấn đề lại nảy sinh và lúc này ta chỉ muốn lang thang đầu đường xó chợ, gõ đầu bứt tóc… Kẻ “CHƯA NGƯỜI” dạy kẻ LÀ NGƯỜI, một sự thật phũ phàng bị ngó lơ, qua nhiều tháng năm.

Chuyện tôi buồn thì không lớn vì nó chỉ liên quan đến một cá nhân nhỏ bé vẫy vùng trong vũng lầy hiện hữu riêng tư. Nhưng từ khi tôi đổi ngược mệnh đề trên, tôi bắt đầu nhận thấy phạm vi nỗi niềm của mình là vô biên cương. Một cá thể có là gì cơ chứ? Nhưng một CON NGƯỜI thì khác. Vậy tôi đảo ngược như sau: LÀM NGƯỜI để SỐNG (Học). Có gì khác biệt? To gan quá, hồ đồ quá chăng? Mạo hiểm lắm ru? Đúng là quá to gan, quá hồ đồ và hơi… mạo hiểm. Mày là ai mà dám khẳng định quả quyết như vậy. Mày nghĩ mày là ai chứ?... Tôi là ai ư? Bao năm sống như thiêu thân, đâm đầu theo những khuôn mẫu “người” được cho là thánh nhân, vĩ nhân, đại nhân,… Thành tựu được gì sau những lần rượt đuổi vô vọng? Càng tiến đến thì mục tiêu càng xa, các giá trị được gắn thêm chân và chúng ta như muốn nổ tung vì kiệt lực. Các giá trị bên ngoài quá mong manh, cố gạn ghép thì sự thật càng méo mó. Bản thân các giá trị cũng chẳng phải trường tồn cùng năm tháng, chúng cũng có đời sống riêng tư.

Trở lại vấn đề, chuyện tôi buồn chiều nay chỉ như đám mây qua bầu trời trong sáng, mọi thứ tụ thì sẽ tan, rồi sẽ qua mau. Nhưng nếu ai bảo tôi hồ đồ đi chăng nữa thì tôi phải LÀ NGƯỜI trước rồi mới hồ đồ, con vật không hồ đồ vì nó bị lập trình trong giống nòi từ lúc được sinh ra, chúng ta không được quy kết các giá trị của mình cho chúng. Trái lại, con người là một trí thể tự do, nó được phép sai lầm, được phép hồ đồ, được phép mắc lỗi, bị cám dỗ, thậm chí được phép sống và chết theo cách riêng của nó. Tôi không phải cổ súy cho một cuộc sống tự do bừa bãi vô lối, tôi chỉ muốn khẳng định lại vị thế của con người khi mới được sinh ra cho đến lúc trưởng thành và cả khi về với cát bụi. Nếu tôi không đảo ngược quá trình thì tôi làm sao đủ kiên nhẫn để sống một cuộc đời như tôi đang sống, đục đẽo da xương để thấy mình khả ái, giống Người. Một sự khẳng định bây giờ là cần thiết để có thể mang lại cho đời sống mình những đổi thay bất tận thông qua cái quá trình sống và học hỏi không ngừng. Sự khẳng định Tôi Là Người (hay Làm Người) sẽ mang tôi đến đâu? Tới cung trăng hay những vì sao? Không, đó chỉ là những thành quả tạm bợ, rìa mép.

“Ta là Người” sẽ giúp ta tìm về với nguồn cội thân thương, về với mẹ hiền đất đai yêu dấu, về với Rốn, với Nhau đã bị lãng quên. Ta là Người nên ta buồn mênh mông vô sự, một kẻ tự ngắm nghía cõi lòng bề bộn thương đau. Chiều nay, tôi bắt đầu sống với sự thật về sự sáng tạo, sẻ chia, nối kết, không phải rẻ chia và tranh đấu, ganh đua. Chiều nay, tôi đặt bàn chân trần trên đất, cắm lại rễ sâu để nối lại Sức Mạnh Làm Người. Tôi hiện hữu nhưng không tách biệt, với mọi con người trên vũ trụ này. Chiều nay, không một đóa hoa thơm trên bàn làm việc, không một ngọn gió tung rèm cửa trọ, chỉ buông thả rèm mi, tay, chân và quay về hơi thở, tôi đã làm người đủ đầy tự do, vượt qua mọi giá trị xưa nay áp đảo, vượt qua mọi toan tính chi li, mọi ý định của kẻ thích dạy dỗ người khác.

Một vấn đề cũ với góc nhìn mới, tôi xin đặt lại cho bạn một câu hỏi: Học để Làm Người hay Làm người để Học, (Sống để thành người hay thành người rồi sống). Bạn hỏi và tự trả lời câu hỏi của mình, đó là cách bắt đầu một hành trình sáng tạo và tái sinh, tuy có mang nặng đẻ đau nhiều bận, nhưng đó là một ân huệ, một quà tặng cho Một-Con-Người.

Chiều nay, tôi buồn vì những người yêu thương không thấu hiểu cõi lòng mình. Tuy vậy, tôi vẫn dành tình yêu cho họ vì đời tôi vĩnh viễn không thể phân li với đau khổ và tai ương. LÀM NGƯỜI phải biết chấp nhận bị hiểu lầm và ngắm cuộc đời mình như cánh bướm trước cơn giông bão, kiêu hãnh bay cho đến khi rã rời, tan nát,… Thì đã sao, phải rứa không “em”?

PVM, Chiều trọ cơn mưa.

10 nhận xét:

Phoenix Vu nói...

Chia sẻ với thầy. Có lẽ em cũng từng trải qua cảm giác đó, chẳng biết gọi tên là gì cho đúng..."lạc lõng" ? Khi mỗi người đã đứng ở một lập trường quá khác thì khó mà có ai thấu hiểu được lẫn nhau. Có thể người thầy yêu thương cũng đang nghĩ rằng thầy không chịu hiểu cho mình..? Không rõ hoàn cảnh thầy lâm vào ra sao, nhưng nỗi buồn đôi khi cũng là chất xúc tác cho sự chiêm nghiệm những gì mình đang phải trải qua, để thử thách chính mình, hay động lực cho những ngã rẽ mới, em nghĩ vậy. Thầy mà viết ra như vầy thì chắc là...buồn dã man tàn bạo, mà em vui... (haha) vì thầy nói "Tuy vậy, tôi vẫn dành tình yêu cho họ vì đời tôi vĩnh viễn không thể phân li với đau khổ và tai ương". Người không giữ được tình yêu cho riêng mình mới thực sự cô độc phải ko ? Còn quan điểm Học để làm người hay Làm người để học. Với em có lẽ Làm người để Học thì đúng hơn. Cảm ơn thầy về chia sẻ này nha :D

PHẠM VĂN MINH nói...

Cảm ơn em đã bỏ thời gian và tiền bạc (vì thời gian là tiền bạc, ^.^) để đọc bài viết này, một bài viết ngắn lấy hứng từ chuyện buồn lúc trước. Viết về chuyện buồn thì tự dưng buồn theo như vậy. Thực ra không hẳn là "buồn dã man tàn bạo", mà là buồn không hiểu vì sao, tỷ như đám sương mù qua thung lũng cao nguyên, buồn như khói mây.

Thầy dạy LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI,em còn nhớ không? Một trong những cách giải tối ưu trong môn này để tìm chiến lược tốt nhất cho mình là: "Đặt mình vào người khác suy nghĩ về mình nghĩ về người khác phán đoán về mình ... chọn lựa cái chi". Làm sao thầy có thể đứng chỉ một phía mà hiểu được sự đời? :)

Để Làm Người thì phải chấp nhận hiểm nguy và những-kẻ-dở-hơi...

MihiMigoi nói...

2 con vi sinh vật trong đất nói với nhau: T sống để làm vi sinh vật hay làm vi sinh vật để sống.
2 con giun đất bò tới ăn mất 2 con vi sinh vật và tự hỏi: t sống làm giun hay làm giun để sống.
Đất văng tung tóe, 2 con gà bới đất và ăn giun, gà kêu: ta làm gà để sống hay sống để làm gà.
ông nông dân bắt một con gà mần thịt, nhà sư đi khất thực ngang qua nhìn con gà kia đang kêu kêu cục tác và nói: đời là bể khổ luân hồi.
UFO bay ngang trái đất nói: trên trái đất có một loài sinh vật đang thống trị và tự xưng là Con Người, con người chưa thoát ra khỏi trái đất được, chúng đang tiến hóa.

Tông AGA nói...

Đúng là trưa qua khi đi ăn với thầy,em không biết là thầy có nhiều tâm sụ như vậy.... Em rất thích đoạn cuối của thầy "tôi buồn vì những người yêu thương không thấu hiểu cõi lòng mình..." Chắc là thầy còn nhớ lúc ra cổng có đám bạn em, trong đó có 1 người không ngừng "xỉa xói" em, đó là người mà em vô cùng yêu thương...em đã có lần bày tỏ nhưng bạn ấy không phản hồi và ngày càng xa lánh em, thậm chí là còn ẩn nick khi em xuất hiện... vì vậy mấy tháng qua em đang rất cố gắng để quên bạn ấy, em không được như thầy là tiếp tục dành tình yêu cho họ... bởi vì điều đó thật đau khỗ... và chiều qua khi gặp người ấy em chỉ cuối đầu và đi... nhưng em đã không còn tự nhiên, em ăn trưa mà sao chỉ muốn quay lại chỗ đó... và bây giờ em lại đang cố quên "người ấy" thêm một lần nữa!

PHẠM VĂN MINH nói...

Cảm ơn Mihi, Con người trong bài viết này vẫn biết thân biết phận.

Con người hàng ngàn năm qua chẳng tiến hóa gì ráo, UFO cởi ngựa xem hoa, chúng đã tự biết mình chưa?

PHẠM VĂN MINH nói...

Tông AGA, thầy nhiều tâm sự lúc viết thôi, bình thường thì bình thường.

Thầy không biết nên khuyên em như thế nào. Tốt nhất là dành thời gian của tuổi trẻ để học tập không ngừng, nếu đời em đơm hoa kết trái, ong bướm sẽ dừng bay.

Đừng cố quên ai, cứ để vậy, theo tháng năm cài gì phôi pha sẽ tự nó phôi pha. Nên học để đối diện tất cả, không phải lãng tránh. Buồn đau không ở lại lâu dài, em nên cởi mở lòng mình mà sống.

Thầy có vài ý như vậy. Mong em bình an.

awdqd nói...

Có những chặng đường đầy sự ca ngợi!
Tôi ghét ca ngợi...
Có những chặng đường mà người gặp nhiều trắc trở
Tôi ghét sự trắc trở.
Có những con người yêu thương nhau, đơn giản là phận người.
Rồi sẽ có những con người "chống đối" bạn như bạn của Tông. Nhưng hãy quên đi, thầy từng khuyên Nhì họ cho ta nhiều bài học. Tại sao cứ nghĩ mãi về họ mà không chịu cho cuộc sống ta nhẹ nhàng hơn.
Với thầy, em không có gì là lời khuyên. Em chỉ mong có thể nghe và hiểu được tâm sự của thầy.
Và hôm nay em đang ngồi, ngoài kia trời mưa rã rít... Ngày mai nắng sẽ lên?

doraemon25 nói...

Thích câu chuyện của Mihi...
Và cũng đồng ý với thầy là theo nghiên cứu khoa học, con người tiến hóa chậm hơn rất nhiều so với mức con người vẫn nghĩ...
Tông à... cái gì cố gắng thì quá sức, quá sức thì mệt... tổn thọ! Mà cố quên, ngày nào cũng bảo "ờ, quên đi"... nhắc như vậy thì chả quên nổi... Cứ vui vẻ thôi nào, hehe...
Tự dưng lúc tất cả có vẻ là tâm trạng... thì mình vẫn lăng quăng... Lúc mình mà tâm trạng... ai biết đâu, hè hè...
Chắc phải khởi động dự án buôn thuốc "nhăn răng"!

Huy Cuong nói...

Trong triết lý của Bụt có từ “Vô minh” để chỉ những người nào chưa ngộ ra được tự tính “vô thường, vô ngã” và điều này em nghĩ thầy biết rõ. Trong triết học phương Tây thì lại có từ “Khai minh” do I.Kant trả lời, và “khai minh là việc con người đi ra khỏi sự không trưởng thành (hay tình trạng vị thành niên) do chính mình tự chuốc lấy”. Như vậy thì khai minh là một việc làm không bao giờ có điểm kết. Từ 2 điều trên ta thấy có một sự rối ren ở đây: Phật nói “vô minh” nhưng ko nói rằng nên “khai minh” mà để đối phó với “vô minh” kia thì lại có “Giác ngộ” và “giác ngộ” là một “điểm đến” có thực nên Phật mới bảo trong tâm mỗi người đều có hạt giống của sự giác ngộ nên bất cứ ai chịu tu tập thì đều đạt được hết. Song song đó, triết học Tây phương lại chỉ nói rằng “Khai minh” để thoát ra khỏi tình trạng “vị thành niên” mà không hề nói gì đến “Giác ngộ” như Phật cả. Vậy thì ai đúng đây? Em thì nghiêng về triết lý của Phật nhiều hơn, và những nhà triết học và khoa học phương Tây hình như cũng đang ngày càng thấy được ánh sáng của Phật soi rọi ra sau hơn 2000 năm miệt mài tìm kiếm và có lẽ họ cũng đến lúc mệt mỏi rồi. Chúng ta lúc nào cũng nói ta là người phương Đông và Phật giáo gần như được xem là Quốc giáo nhưng theo em nghĩ chúng ta chẳng hiểu gì về Đạo (con đường) của Phật cả mà cứ chịu ảnh hưởng quá lớn từ tư tưởng phương Tây để rồi bị nó cuốn theo cái vòng xoáy bất tận của những điều như “tiến bộ”, “thịnh vượng”, giàu có”, hiện đại”…một con đường không có lối thoát!

PHẠM VĂN MINH nói...

Những tư tưởng hiện đại ở Tây phương, như em đề cập (tiến bộ, thịnh vượng, giàu có, ...) thực ra không có gì là sai trái cả. Tuy nhiên, ai cũng mong muốn (đôi khi mù quáng) như vậy nên vô tình đẩy con người vào sự canh tranh, xâu xé và đẩy cả xã hội chạy theo vật chất, thực dụng ... Hậu quả nhãn tiền, nhìn vào xã hội VN hiện nay thì đủ biết...

Con người ngày nay chạy theo cái bên ngoài nhiều quá nên càng sống càng xa tâm điểm đời sống, đánh mất mình... Phật giáo gọi là "vô minh", tức không biết mình là ai, không thấu lẽ vô thường, khổ và vô ngã của cuộc đời. Ngược lại, nếu thấu hiểu thì luôn sống an lạc, ung dung, tự tại. Giác ngộ là một trạng thái như vậy, tức là một năng lượng bình an và đầy ân sủng của một con người đã thấu lẽ tử sinh.

Hai phương trời, hai cách tiếp cận để cải tạo thế giới. Một bên chinh phục bên ngoài, tạo ra những môi trường thuận lợi cho con người phát triển; Bên còn lại thì "nhìn vào trong", quay về với chính nội tâm mình, cải tạo, sửa mình trước (tâm bình thế giới bình, cái thế giới bên ngoài chỉ là sự phản chiếu tâm người,...). Chúng ta không thể so sánh hơn thua, tốt hơn hết là kết hợp cả hai, cái gì hay thì học, dở thì bỏ, vậy thôi.

Rất vui với những chia sẻ của em.