CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI BLOG PVM

"Cuộc đời hôn lên tôi bằng nỗi đau thương và buộc tôi phải đáp lại bằng lời ca tiếng hát" R. TAGORE


Trang đồng tác giả:
http://www.phantichkinhte123.com



Email của PVM:
minhphamvan2008@gmail.com
PHẠM VĂN MINH

19 thg 8, 2011

PHÁT TRIỂN LÒNG TỰ TIN VÀ TẠO ẢNH HƯỞNG BẰNG DIỄN THUYẾT (Kỳ 8)


Sau một thời gian gián đoạn, cuốn sách này sẽ được tôi post lên theo từng chương cho đến hết trong vài tuần tới. Thân mời bạn tiếp tục thưởng thức nội dung của nó để cải thiện kỹ năng "ăn nói" của mình.


Chương 4. CẢI THIỆN TRÍ NHỚ

Giáo sư Carl Seashore, một nhà tâm lý học trứ danh, từng nói: “Một người trung bình, không sử dụng trên mười phần trăm khả năng di truyền thực thụ của trí nhớ. Người đó lãng phí chín mươi phần trăm do sai phạm các luật nhớ tự nhiên.”

Bạn là một trong những người này chăng? Nếu thế, bạn đang trăn trở một cách bất lợi về cả mặt xã hội lẫn lợi nhuận; do đó, bạn nên quan tâm và thu lợi nhơ đọc đi đọc lại chương này. Nó mô tả và giải thích các luật nhớ tự nhiên này và nó sẽ chỉ cho ạn cách thức sử dụng các luật đó trong kinh doanh, trong giao tế xã hội cũng như trong khi nói trước công chúng.

“Các luật nhớ tự nhiên” này thì rất đơn giản. Chúng chỉ có ba. Mọi thứ mà người ta gọi là “hệ thống trí nhớ” đều đặt nền trên chúng. Nói tóm lại, đó là ấn tượng, sự lặp lại và liên tưởng.

Mệnh lệnh đầu tiên của trí nhớ là: hãy tạo một ấn tượng sâu sắc, sinh động và lâu bền về điều bạn muốn nhớ. Và để làm được điều đó, bạn phải tập trung. Trí nhớ xuất chúng của Theodore Roosevelt đã gây ấn tượng nơi mọi người mà ông gặp. Phần lớn khả năng phi thường của ông là do điều này: các ấn tượng của ông được ghi nguệch ngoạc trên thép, chứ không được viết trong nước. Qua kiên trì và thực tập, ông đã tự luyện tập trung tư tưởng trong những điều kiện bất lợi nhất. Nă m 1912, trong suốt Hội Nghị Bull Moose ở Chicago, trụ sở chính của ông ta được đặt tại Khách sạn Congress. Các đám đông tràn qua con đường bên dưới, hò hét, vẫy cờ, là to “Chúng tôi muốn Teddy! Chúng tôi muốn Teddy!” Tiếng om sòm của đám đông, nhạc từ các ban nhạc, việc đi tới đi lui của các chính trị gia, những hội nghị vội vã, các cuộc thảo luận – làm mọi những ai tầm thường phải phân tâm; nhưng Roosevelt ngồi trong một chiếc xích đu trong phòng của ông ta, lãng quên mọi sự đang xảy ra, và ông vẫn đọc Herodotus (He1redote), một sử gia Hy Lạp. Trên chuyến băng qua vùng hoang dã của Brasil, buổi chiều hôm đó ngay khi tới khu đóng trại, ông tìm một chỗ khô ráo bên dưới một cây cổ thụ, ông lấy một chiếc ghế đẩu và cuốn “Sự suy yếu và sụp đổ của Đế chế Roma” của Gibbon, và, ông mải mê ngay vào cuốn sách đến độ ông chẳng còn tơ tưởng tới cơn mưa, tiếng ồn và không khí nhộn nhịp trong trại, tới những âm thanh của khu rừng nhiệt đới. Do vậy, người ta chẳng mấy ngạc nhiên việc con người này nhớ được những gì mình đọc.

Năm phút tập trung sống động và đầy sinh lực sẽ tạo ra những thành quả to lớn hơn bao ngày vẫn vơ trong đám sương mù trí tuệ. Henry Ward Beecher viết: “Một giờ làm việc cật lực sinh lợi hơn cả bao năm mộng mơ.” Eugene Grace, người đã kiếm được trên một triệu mỹ kim một năm trong chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Thép Bethlehem đã nói: “Nếu có một điều mà tôi biết là quan trọng hơn bất cứ điều nào khác và điều mà tôi thực tập hằng ngày trong bất cứ và mọi hoàn cảnh, đó chính là tập trung vào công việc mà tôi đang làm.”

Đây là một trong những bí quyết của năng lực đặc biệt là năng lực trí nhớ

Họ không thể thấy cây anh đào

Thomas Edison nhận thấy hai mươi bảy người trong số các trợ lý của ông, hàng ngày trong suốt sáu tháng, đã sử dụng một con đường nhất định từ nhà máy làm bóng đèn tới các phân xưởng chính ở Mento Park, New Jersey. Có một cây anh đào trên con đường đó, thế nhưng khi được hỏi đến, không một ai trong số hai mươi bảy người ấy đã nhận ra là nó có ở đấy.

Edison trình bày một cách đầy hăng say: “Bộ não một con người trung bình không quan sát được một phần ngàn những gì con mắt quan sát được. Hầu như không thể tin được vào khả năng quan sát của chúng ta – quan sát đích thực – thì nghèo nàn cỡ nào.”

Hãy giới thiệu một người trung bình cho hai hoặc ba trong số các bạn bè của bạn và sự thể là hai phút sau anh ta không thể nhớ được tên một ai cả. Tại sao? Trước hết vì người đó đã không chú ý đủ, anh ta chưa bao giờ quan sát cho chính xác cả. Có thể anh ta sẽ bảo bạn là anh ta có trí nhớ kém. Không, anh ta có quan sát kém. Anh ta không thể kết án chiếc máy ảnh là không chụp được gì trong làn sương mù, nhưng anh ta lại mong đợi ký ức của mình ghi lại những ấn tượng rất lù mù. Tất nhiên, đó là điều không thể được.

Joseph Pulizer, người đã thành lập Thế giới New York, bắt đặt ba chữ này trên bàn làm việc của mọi người trong các văn phòng ở tòa soạn của ông:

Chính Xác

Chính Xác

Chính Xác

Đó chính là những gì ông muốn. Hãy nghe chính xác tên của người đó. Nhấn mạnh vào nó. Hãy đề nghị ông ta lập lại tên đó, Hãy hỏi xem đánh vần nó như thế nào. Ông ta sẽ hãnh diện vì do sự quan tâm của bạn và bạn sẽ có thể nhớ được tên của ông ta. Bạn đã có được một ấn tượng rõ ràng và chính xác.

Tại sao Lincoln đã đọc lớn tiếng

Hồi còn trẻ, Lincoln đã theo học ở một ngôi trường miền quê, sàn làm bằng các khúc cây xẻ, cửa sổ dán bằng những tấm giấy dầu được dùng thay cho kính để lấy ánh sáng. Chỉ có một tập sách giáo khoa, và vì thế giáo viên phải đọc lớn tiếng. Học sinh lập lại theo thầy, tất cả đều nói cùng một lúc. Lớp học đã tạo nên một cảnh huyên náo dai dẳng, và những người chung quanh mệnh danh cho nó là “trường ba hoa”.

Tại ngôi “trường ba hoa” này, Lincoln đã hình thành một thói quen vốn gắn bó với ông suốt đời: ông luôn đọc lớn tiếng những gì mà ông muốn nhớ. Mỗi sáng, ngay khi tới văn phòng luật của ông ở Springfield, ông nằm sõng soài trên chiếc đi văng, gác một chân dài, cục mịch lên chiếc ghế cạnh đó, và lớn tiếng đọc báo. Người bạn cung phòng nói: “Ông ta quấy rầy tôi khiến tôi hầu như không chịu nổi.” Có lần tôi đã hỏi ông ta tại sao ông lại đọc theo kiểu đó. Và đây là lời giải thích của ông ta: “Khi tôi đọc lớn tiếng, hai giác quan nắm bắt tư tưởng: trước tiên, tôi thấy được cái tôi đọc; thứ đến, tôi nghe được cái tôi đọc, và do vậy tôi có thể nhớ tốt hơn.”

Ông có một trí nhớ phi thường. Ông nói: “Trí óc tôi giống như một mảnh tôn – rất khó viết nguệch ngoạc bất cứ thứ gì trên đó, nhưng sau khi bạn viết lên đó rồi, hầu như bạn không thể xóa nó đi được.”

Sử dụng hai trong số các giác quan chính là phương pháp mà ông đã dùng để viết nguệch ngoạc. Hãy làm giống thế.

Điều lý tưởng không phải là chỉ thấy và nghe cái phải nhớ, nhưng còn là đụng chạm tới nó, ngửi hương của nó và nếm vị của nó.

Nhưng, trên hết, hãy nhìn thấy nó. Chúng ta có trí óc kiểu thị giác. Những ấn tượng của mắt tồn đọng trong trí nhớ. Thường chúng ta có thể nhớ khuôn mặt của một người, cho dù chúng ta không thể nhớ tên của họ. Dây thần kinh nối từ mắt tới não thì lớn gấp hai mươi lăm lần dây từ tai tới não. Người Trung Hoa có một câu tục ngữ: “Một lần thấy bằng vạn lần nghe.”

Hãy ghi lại tên, số điện thoại, dàn bài diễn văn mà bạn muốn nhớ. Hãy nhìn vào nó. Hãy nhắm mắt lại. Hãy hình dung như những ký tự lửa đang bốc cháy.

Học thuộc lòng một cuốn sách dài như cuốn Tân ước

Một trong những đại học lớn nhất thế giới là Al-Azhar ở Cairo. Đó là một học viên Hồi Giáo có hai mươi mốt ngàn sinh viên. Những ai nộp đơn dự thi tuyển phải đọc thuộc lòng kinh Koran. Kinh Koran dài gần bằng cuốn Tân ước, và cần tới ba ngày để đọc!

Các học viên Trung Hoa phải học thuộc lòng một số sách tôn giáo cổ điển của Trung Quốc.

Làm cách nào mà các học viên Ả Rập và Trung Hoa này có thể thực hiện kỳ công quả là phi thường này?

Bằng cách lập lại, “luật nhớ tự nhiên” thứ hai.

Bạn có thể học thuộc lòng một lượng tài liệu vô tận nếu bạn lập lại đủ mức. Kiểm tra kiến thức mà bạn muốn nhớ. Hãy sử dụng. Hãy áp dụng. Dùng từ mới trong khi bạn trò chuyện. Hãy gọi tên người bạn mới quen, nếu bạn muốn nhớ. Trong đàm thoại cũng nói tới những điểm bạn muốn đề cập trong bài nói chuyện trước công chúng của bạn. Kiến thức được sử dụng có xu hướng dễ ghi vào trí nhớ.

Loại lập lại nào có giá trị

Nhưng chỉ lập lại một cách mù quáng và máy móc như con vẹt thì không đủ. Lập lại khôn ngoan, lập lại cho phù hợp với những đặc điểm vốn có của trí tuệ - đó là những cái chúng ta phải có. Ví dụ, Giáo sư Ebbinghaus cho sinh viên một bản liệt kê dài những vần vô nghĩa và bắt họ nhớ. Ông phát hiện rằng các học viên phải lập lại ba mươi tám lần mới nhớ được những vần này, dàn trải trong một khoảng thời gian là ba ngày, mỗi hiệp họ phải lập lại sáu mươi tám lần… Những bài trắc nghiệm tâm lý khác đều cho thấy kết quả tương tự.

Đó là một khám phá đầy ý nghĩa về cách hoạt động của trí nhớ. Điều này có nghĩa là giờ đây chúng ta biết được rằng một người ngồi xuống và lập đi lập lại một điều cho tới khi anh ta xiết nó được vào trong trí nhớ, thì anh ta đang sử dụng thời giờ và năng lực gấp hai lần để đạt được cùng kết quả so với khi tiến trình lập lại được thực hiện vào các khoảng cách hợp lý.

Nét đặc biết của trí tuệ - nếu chúng ta có thể gọi như thế - có thể được giải thích bởi hai yếu tố sau:

Thứ nhất, suốt trong các khoảng cách giữa những hiệp lập lại, tiềm thức của chúng ta đang tìm cách làm cho các liên tưởng được vững chắc hơn. Như Giáo sư James khon khéo nhận định: “Chúng ta học bơi trong mùa đông và trượt băng trong mùa hè.”

Thứ hai, trí tuệ, khi làm phận sự theo các khoảng cách, sẽ không bị mệt do sử dụng liên tục. Richard Burton, dịch giả cuốn “Ngàn Lẻ Một Đêm” nói được hai mươi bảy thứ tiếng như người bản xứ: thế nhưng ông thú nhận rằng ông chưa bao giờ học hay thực tập một thứ tiếng nào quá mười lăm phút một lần, “vì, sau đó, não đã mất đi tính tỉnh táo của nó.”

Giờ đây, đừng trước các dữ kiện này, chắc chắn không ai vốn hãnh diện về sự thông minh của mình, lại trì hoãn việc soạn diễn văn cho tới tối hôm trước ngày diễn thuyết. Nếu làm như thế, trí nhớ của ông ta tất nhiên sẽ chỉ tác dụng được phân nửa hiệu quả thôi.

Đây là một phát hiện đẩy bổ ích về cách thứ chúng ta quên. Thí nghiệm tâm lý luôn cho thấy rằng trong số nguồn tư liệu mới chúng ta học được, suốt tám tiếng đồng hồ đầu tiên chúng ta quên nhiều hơn trong ba mươi ngày tiếp theo. Một tỷ lệ đáng kinh ngạc! Do đó, ngay trước khi tham gia một cuộc hội nghị doanh nghiệp hoặc cuộc họp phụ huynh hoặc một nhóm câu lạc bộ, ngay trước lúc bạn diễn thuyết, hãy xem qua dữ liệu của bạn, hãy suy nghĩ về các dữ kiện của bạn, và hãy hồi sinh trí nhớ của bạn.

Lincoln biết rõ giá trị của sự thực hành như thế, và ông đã áp dụng. Theo lịch trình diễn thuyết tại Gettysburg, học giả Edward Everett phát biểu trước ông ta. Khi ông ta nhận thấy Everett gần kết thúc bài diễn văn dài, trang trọng của mình, Lincoln “bắt đầu lúng túng trông thấy, như vẫn xảy ra khi diễn giả trước ông đang nói.” Sau khi hối hả chỉnh lại kính, ông rút bài diễn thuyết viết tay từ túi ra và lặng lẽ đọc để hồi sinh trí nhớ.

Giáo sư William James giải thích bí quyết của trí nhớ tốt

Nói về hai luật đầu tiên của trí nhớ như thế kể cũng tạm đủ. Tuy nhiên, luật thứ ba, liên tưởng, lại là một yếu tố không thể hiteu61 trong tiến trình nhớ. Quả thật, nó là sự giải thích về chính trí nhớ. Giáo sư James đã khôn khéo nhận định: “Trí tuệ của chúng ta chủ yếu là một cỗ máy liên tưởng … Giả như tôi thinh lặng một lát, và rồi lên tiếng truyền khiến bạn: “Hãy nhớ! Hãy hồi tưởng!” Liệu năng lực trí nhớ của bạn có tuân thủ, và tái tạo bất cứ hình ảnh rõ ràng nào từ quá khứ của bạn không? Tất nhiên là không. Nó sẽ đứng nhìn chằm chằm vào trong hư không, rồi thắc mắc, “ông muốn tôi nhớ lại loại tài liệu nào?” Nói tóm lại, nó cần một manh mối. Nhưng, nếu tôi bảo, hãy nhớ lại ngày sinh của bạn, hoặc hãy nhớ lại món điểm tâm của bạn, hoặc hãy nhớ lại các nốt nhạc tiếp nối trong một thanh âm, khi đó năng lục trí nhớ của bạn tức tốc đưa ra kết quả mong đợi: manh mối xác định cái khối bao la các tiềm năng hướng tới một điểm đặc thù. Và nếu bạn để mắt xem điều này xẩy ra theo cách thế nào, bạn sẽ nhận ra ngay bằng manh mối là cái liên tục liên kết với sự vật được nhớ lại. Những từ, “ngày sinh của bạn”, liên kết sâu với một con số, tháng và năm cá biệt; những từ, “bữa điểm tâm sáng nay,” cắt đứt mọi tuyến hổi tưởng ngoại trừ những tuyến dẫn tới cà phê, thịt xông khói và trừng; những từ, “thang âm”, là những người lối xóm tinh thần lâu năm của đồ, rê, mi, pha, son, la, si, đô. Quả thật, luật liên tưởng điều khiển toàn bộ các chuỗi tư duy của chúng ta vốn không bị cắt ngang bởi những cảm giác từ bên ngoài tác động lên chúng ta. Bất cứ việc gì xuất hiện trong tâm trí đều phải được du nhập; và, khi được du nhập, nó giống như vật liên kết của một cái gì đã ở đó. Điều này cũng đúng với những gì bạn đang nhớ và với mọi sự khác mà bạn nghĩ tới… Một trí nhớ được rèn luyện sẽ tùy thuộc vào một hệ thống tổ thức các liên tưởng; và tính chất của nó tùy thuộc vào hai đặc điểm của liên tưởng: sự kéo dài và con số… Do đó, “bí quyết của một trí nhớ tốt” chính là bí quyết hình thành các liên tưởng nhiều và đa dạng với mọi dữ kiện mà chúng ta muốn nhớ. Nhưng việc hình thành các liên tưởng với một dữ kiện là gì nếu không phải là suy nghĩ về dữ kiện đó nhiều bao nhiêu có thể? Tóm lại, giữa hai người có cùng kinh nghiệm bên ngoài, người suy nghĩ về kinh nghiệm của mình nhiều nhất, và đan dệt chúng trong mối quan hệ tổng hợp nhất, sẽ là người có trí nhớ tốt nhất.”

Cách thức liên kết các dữ kiện

Rất tốt, nhưng chúng ta sẽ bắt tay đan dệt các dữ kiện của chúng ta thành những quan hệ hệ thống với nhau ra sao? Câu trả lời chính là: tìm hiểu ý nghĩa của chúng, suy nghĩ về chúng. Ví dụ, nếu bạn hỏi và đáp các câu hỏi này về bất cứ dữ kiện mới nào, tiến trình đó sẽ giúp bạn đan dệt dữ kiện đó thành một quan hệ hệ thống với các dữ kiện khác:

a) Tại sao lại thế?

b) Thế nào mà lại như vậy?

c) Khi nào thì lại thế?

d) Ở đâ thì lại thế?

e) Ai bảo nó là như thế?

Ví dụ, nếu là tên của một người lạ, và là một tên thông thường, có lẽ chúng ta có thể liên kết nó với một người bạn mang cùng tên. Ngược lại, nếu là tên lạ, chúng ta tìm dịp để nói nó lên.

Hãy quan sát kỹ ngoại hình của người lạ. Hãy chú ý màu mắt và tóc của họ, hãy nhìn kỹ nét mặt của người đó. Hãy lưu ý tới phong cách ăn mặc của họ. Hãy lắng nghe cung cách nói năng của họ. Hãy ghi một ấn tượng rõ ràng, sắc xảo và linh hoạt về ngoại hình và tư cách của họ, và liên kết chúng với tên của họ. Lần tới khi những ấn tượng sâu sắc này quay trở lại tâm trí của bạn, chúng sẽ giúp bạn nhớ lại tên đó.

Cách nhớ ngày tháng

Ngày tháng có thể được nhớ bằng cách tốt nhất là nối kết chúng với những ngày tháng quan trọng đã được khắc ghi vững trong tâm trí. Ví dụ, chẳng phải người Mỹ nhớ việc Kênh Đào Suez được khánh thành vào năm 1869 không khó hơn nhớ việc con tàu đầu tiên băng qua đó bốn năm sau khi kết thúc cuộc Nối Chiến sao? Nếu một người Mỹ cố nhớ việc định cư đầu tiên tại Úc được thực hiện vào năm 1788, ngày tháng này rất có thể biến khỏi tâm trí người đó giống như một con bù – lông lỏng tuột ra khỏi chiếc xe; nhưng sự kiện đó sẽ dễ khắc ghi vào tâm trí hơn nhiều nếu người đó nghĩ tới nó trong tương quan với ngày 4 tháng 7, 1776, và nếu người đó nhớ rằng nó xảy ra sau Bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời mươi hai năm. Điều đó giống như xiết đai ốc vào con bù-lông lỏng. Nó giữ cho bù-lông khỏi tuột.

Bạn cũng ghi nhớ kỹ nguyên tắc này khi bạn chọn số điện thoại. Ví dụ, số điện thoại của tác giả, trong thời chiến, là 1776. Chẳng ai gặp khó khăn trong việc nhớ con số này. Nếu bạn lo xin công ty điện thoại cho bạn một số như 1492, 1861, 1865, 1914, 1918, bạn bè của bạn sẽ không phải tham khảo danh bạn điện thoại nữa. Có lẽ họ quên rằng số điện thoại của bạn là 1492, nếu bạn thông tin cho họ theo kiểu buồn tẻ; nhưng liệu số đó có thể biến khỏi tâm trí của họ nếu bạn nói rằng: “Các bạn có thể dễ dàng nhớ số điện thoại cảu tôi: 1942, năm Columbus khám phá ra châu Mỹ”?

Chỉ lập lại một cách hoàn toàn máy móc, chắc chắn bạn sẽ thấy buồn chán và khó nhớ, nhưng nếu được liên kết với một câu chuyện hay một sự cố nào đó, bạn sẽ dễ nhớ hơn.

Phải làm gì trong trường hợp bị quên hoàn toàn

Chúng ta giả sử, cho dù đã hết sức soạn kỹ, một diễn giả, đang diễn thuyết nửa chừng bỗng thấy đầu óc mình trống rỗng – một tình huống khủng khiếp. Phải làm gì đây? Một Thượng nghị sĩ Mỹ khi rơi vào tình huống này, ông đã hỏi thính giả xem ông có nói đủ lớn không, và thính giả cuối phòng có thể nghe rõ không. Ông biết rõ điều ông hỏi. Nhưng ông đâu tìm thông tin. Ông đang đi tìm thời gian. Và trong lúc tạm ngừng đó, ông đã nắm bắt lại tư tưởng và ông có thể tiếp tục.

Nhưng có lẽ người cứu mạng giỏi nhất lúc ấy chính là: hãy sử dụng chữ, hoặc cụm từ, hoặc ý tưởng cuối trong câu sau cùng để bắt đầu một câu mới. Điều này sẽ tạo ra một sợi xích bất tận. Chúng ta hãy tưởng tượng một diễn giả đang diễn thuyết về sự thành công trong kinh doanh bỗng thấy mình rơi vào ngõ cụt sau khi nói: “Một người lao động tầm trung không tiến thân được vì anh ta thực sự không mấy thích thú công việc của mình và cũng tỏ ra khá ít sáng kiến.”

Sáng kiến”. Hãy bắt đầu một câu có chữ “sáng kiến”. Có lẽ bạn chẳng biết mình sẽ nói gì hoặc sẽ kết thúc câu ói đó ra sao; thế nhưng, cứ bắt đầu. Dù trình bày có kém cõi thì vẫn còn hơn là tuyên bố thất bại.

Sáng kiến nghĩa là tính chất độc đáo, tự mình làm việc, chứ không cứ chờ phải sai bảo.

Đó không phải là một quan sát sắc sảo. Nó không làm cho bài diễn văn sắc nét thêm, nhưng chẳng thà thế còn hơn đứng chết trân ra đấy. Cụm từ sau cùng tiếp theo là gì? – “chờ sai bảo.” Tốt thôi, chúng ta hãy khởi đầu một câu mới với ý tưởng đó.

Việc liên tục phải bảo ban, hướng dẫn khiến người lao động không chịu tự mình suy nghĩ là một trong những điều dễ gây bực bội nhất.

Tạm đủ. Chúng ta thông qua điều đó. Giờ chúng ta cần nói đôi điều về trí tưởng tượng:

Tưởng tượng – đó là cái cần phải có. Đó là tầm nhìn, thứ mà như Salomon đã nói: “Ở đâu không có trí tưởng tượng, ở đó con người sẽ diệt vong.” Tưởng tượng giúp bạn tạo ra những mắt xích để nối kết ý tưởng, dù có thể hơi rời rạc, nhưng nó vẫn là một phương cách cứu nguy tạm thời tuyệt vời.

Chúng ta không thể cải thiện trí nhớ về mọi thứ

Trong chương này tôi đã chỉ ra cách thức để chúng ta có thể cải thiện các phương pháp tạo ấn tượng sống động, lập lại, và liên kết các dữ kiện lại với nhau. Nhưng trí nhớ là vấn đề liên tưởng một cách thiết yếu đến độ “không thể có cải thiện về khả năng tổng quát hoặc cơ bản của trí nhớ; chỉ có thể có cải thiện trí nhớ về các hệ thống đặc biệt của những điều được liên tưởng.” Như Giáo sư James đã nêu ra.

Ví dụ, bằng cách học thuộc lòng mỗi ngày một trích dẫn của Shakespeare, chúng ta có thể cải thiện trí nhớ chúng ta về những trích dẫn văn chương tới một mức độ đáng kinh ngạc. Mỗi lời trích mới sẽ tìm thấy biết bao nhiêu “bạn bè” trong tâm trí để mà liên kết. Nhưng việc nhớ mọi sự từ Hamlet tới Romeo không hẳn sẽ giúp chúng ta nhớ được những dữ kiện về thị trường bông hoặc tiến trình Bessemer khử silicon khỏi chất thép thô.

Chúng ta hãy lập lại: nếu chúng ta áp dụng các nguyên tắc được thảo luận trong chương này, chúng ta sẽ cải thiện được cách thức tính hiệu quả của việc nhớ bất cứ điều gì; nhưng, nếu không áp dụng những nguyên tắc này, khi đó việc nhớ được cả chục triệu dữ kiện về bóng chày cũng sẽ chẳng giúp chúng ta mảy may gì trong việc nhớ các dữ kiện về thị trường chứng khoán. Những dữ kiện không liên hệ đó không thể liên kết với nhau được. “Trí óc của chúng ta chủ yếu là một cỗ máy liên tưởng”.

Tóm lược

1. “Một người trung bình”, một nhà tâm lý học trứ danh, Giáo sư Carl Seashore đã nói, “không sử dụng trên mười phần trăm khả năng di truyền thực thụ của trí nhớ. Người đó lãng phí chín mươi phần trăm do sai phạm các luật nhớ tự nhiên.”

2. Có ba “luật nhớ tự nhiên”: ấn tượng, lập lại, liên tưởng.

3. Hãy tạo một ấn tượng sâu sắc, sống động về điều mà bạn muốn nhớ. Để làm được điều đó bạn phải:

a. Hãy tập trung. Đó là bí quyết trí nhớ của Theodore Roosevelt.

b. Hãy quan sát kỹ. Hãy tạo một ấn tượng chính xác. Một chiếc máy ảnh không thể chụp trong sương mù; trí tuệ của bạn cũng không thể ghi nhớ những ấn tượng mù mờ.

c. Tạo ấn tượng qua nhiều giác quan trong mức độ có thể. Lincoln đọc lớn tiến bất cứ những gì ông muốn nhớ để ông có thể vừa tạo được một ấn tượng nhìn vừa tạo một ấn tượng nghe.

d. Điều quan trọng hơn cả, đừng quên tạo ấn tượng nơi con mắt. Những ấn tượng này sẽ lưu lại trong trí nhớ. Các thần kinh dẫn từ mắt tới não lớn gấp năm lần các thần kinh từ tai tới não. Mark Twain không thể nhớ được dàn bài diễn văn khi ông sử dụng ghi chép; nhưng khi ông dẹp bỏ các ghi chép và sử dụng hình ảnh để nhớ lại các tiêu đề, mọi khúc mắc của ông đều tan biến.

4. Luật thứ hai của trí nhớ là lập lại. Hàng ngàn học viên Hồi giáo học thuộc lòng kinh Koran – cuốn sách dài khoảng cuốn Tân ước – nhưng họ làm được điều đó phần lớn là nhờ vào sức mạnh của sự lập lại. Chúng ta có thể nhớ được bất cứ thứ gì hợp lý nếu chúng ta lập lại đủ mức. Nhưng khi lập lại hãy ghi nhớ các sự kiện này:

a. Chớ ngồi xuống rồi lập đi lập lại một điều cho tới khi bạn khắc ghi nó vào trí nhớ. Hãy lập lại một hay hai lần, rồi bỏ đó; sau này mới trở lại và lập lại nữa. Lập lại theo kiểu cách quãng sẽ giúp bạn nhớ được một điều mà chỉ mất khoảng phân nửa thời gian để nhớ điều đó luôn một lúc.

b. Sau khi nhơ được một điều, thì trong tám tiếng đồng hồ đầu tiên chúng ta sẽ quên nhiều bằng trong suốt ba mươi ngày tiếp theo; do vậy, hãy xem lại các ghi chép của bạn vài phút trước khi bạn đứng dậy để diện thuyết.

5. Luật trí nhớ thứ ba là liên tưởng. Cách duy nhất để có thể nhớ được bất cứ điều gì là liên kết nó với một dữ kiện nào khác. “Bất cứ sự gì xuất hiện trong trí tuệ,” Giáo sư James nói, “ đều phải được du nhập; và, khi được du nhập, nó giống như vật liên kết của một cái gì đã ở đó… Người suy nghĩ về kinh nghiệm của mình nhiều nhất, và đan dệt chúng trong mối quan hệ tổng hợp nhất, sẽ là có trí tốt nhất.”

6. Khi bạn muốn liên kết một dữ kiên với các dữ kiện khác đã có trong trí óc, hãy suy nghĩ về dữ kiện mới từ mọi góc cạnh. Hãy nêu những câu hỏi chẳng hạn như: “Tại sao lại thế? Thế nào mà lại như vậy? Khi nào thì lại thế? Ở đâu thì lại thế? Ai bảo nó là như thế?”

7. Để nhớ tên một người lạ, hãy đặt câu hỏi về nó – nó được đánh vần như thế nào, vân vân? Hãy quan sát kỹ dáng vẻ bên ngoài của người đó. Cố kết nối tên với khuôn mặt của anh ta. Hãy tìm hiểu công việc làm ăn của anh ta và cố đặt ra một cụm từ tầm phào nào đó để nối kết tên ấy với công việc của anh ta.

8. Để nhớ được ngày tháng, hãy liên kết chúng với những ngày tháng nổi bật đã có trong trí óc.

9. Để nhớ được các điểm chính của bài diễn văn của bạn, hãy sắp xếp chúng theo một thứ tự hợp lý để điểm này dễ dàng dẫn tới điểm kế tiếp. Thêm vào đó, từ các điểm chính chúng ta có thể bịa ra một câu vô nghĩa nào đó – ví dụ, “Con bò hút một điếu xì gà và nó húc ông Napoleon, và căn nhà cháy rụi cùng với tôn giáo.”

10. Nếu, cho dù đã hết sức thận trong, bỗng dưng bạn quên khuấy điểm bạn định nói, bạn có thể tự cứu mình thoát khỏi cảnh hoàn toàn thất bại bằng cách sử dụng những từ cuối của câu nói sau cùng làm những từ đầu tiên cho câu mới. Bạn có thể tiếp tục làm thế cho đến khi bạn nghĩ ra được điểm kế tiếp.

Kỳ trước (kỳ 7) . . . Kỳ tiếp theo (kỳ 9)

2 nhận xét:

awdqd nói...

Em đang bị chứng hay quên nè thầy! :((

PHẠM VĂN MINH nói...

Thầy cũng đang như vậy đây, cuốn sổ tay là người bạn thân thiết của thầy bây giờ. Lúc nào cũng ghi ghi chép chép, hiệu quả ghê em.