CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI BLOG PVM

"Cuộc đời hôn lên tôi bằng nỗi đau thương và buộc tôi phải đáp lại bằng lời ca tiếng hát" R. TAGORE


Trang đồng tác giả:
http://www.phantichkinhte123.com



Email của PVM:
minhphamvan2008@gmail.com
PHẠM VĂN MINH

6 thg 9, 2011

PHÁT TRIỂN LÒNG TỰ TIN VÀ TẠO ẢNH HƯỞNG BẰNG DIỄN THUYẾT (Kỳ 9)

Chương 5. NHỮNG YẾU TỐ CỐT YẾU ĐỂ DIỄN THUYẾT THÀNH CÔNG

Những dòng này được viết vào ngày 5 tháng Giêng, là ngày giỗ Ernest Shackleton. Ông qua đời trong khi đang hành trình về phương Nam trên con tàu an toàn “Quest” để khám hiểm Nam Cực. Điều đầu tiên đập vào mắt du khách trên tàu “Quest” là những dòng chữ sau đây được khắc trên một tấm biển đồng:

Nếu con mộng mơ, chớ để giấc mơ làm chủ con;

Nếu con suy tư, chớ để ý tưởng ám ảnh con;

Nếu con đối mặt với chiến thắng và thảm họa;

Hãy xử sự đồng đều với cả hai tên lừa đảo đó.

Nếu con bắt con tim, thần kinh và gân cốt

Phục vụ tiếp ý định của con sau khi chúng đã suy yếu từ lâu;

Hãy bám chặt như thế khi trong con chẳng còn sự gì

Ngoại trừ ý chí bảo chúng rằng, “hãy kiên trì”,

Nếu con có thể lấp đầy phút giây hẹp hòi

Đáng giá sáu mươi giây đoạn đường con đã chạy

Ý chí của con là trái đất và mọi sự trong đó,

Hơn nữa, con sẽ là một nam nhi, hỡi con trai của ta.

Shackleton gọi những vần thơ này là “Tinh thần của tàu Quest”, và quả thật, chúng là tinh thần đích thực mà một người muốn lên đường đi tới Nam Cực hoặc muốn có được lòng tự tin cần có.

Nhưng tôi phải nói thêm rằng đó không phải là tinh thần mà mọi người có được khi họ khởi sự học nghệ thuật nói trước công chúng. Nhiều năm trước đây, lần đầu tiên khi tôi dấn thân vào công cuộc giáo dục, tôi rất sửng sốt khi tôi biết được rằng một tỷ lệ quá lớn các học viên đã đăng ký học đủ mọi loại lớp tối đã bắt đầu tỏ ra không còn hứng thú và bỏ cuộc nửa chừng trước khi đạt tới đích. Con số đó thật thê thảm và đáng kinh ngạc. Đây quả là một nhận định đáng tiếc về bản chất của con người.

Tới đây đã gần phân nửa cuốn sách, và theo kinh nghiệm thì tôi biết rằng một số người đang đọc những dòng chữ này đã bắt đầu nản chí vì họ chưa vượt qua được nỗi sợ thính giả và chưa có được lòng tự tin. Thật đáng tiếc, vì “những kẻ thiếu kiên nhẫn quả là đáng thương biết mấy. Phải chăng vết thương dần dà mới lành được?”

Sự cần thiết của đức kiên nhẫn

Khi chúng ta khởi sự học bất cứ một điều gì mới, như tiếng Pháp, chơi gôn, hay nói trước công chúng, đâu phải lúc nào chúng ta cũng tiến đều được. Chúng ta cũng không tiến dần dần. Nhưng chúng ta tiến nhờ những cú thúc mạnh bất ngờ và những bước đột phá. Sau đó chúng ta lại “án binh bất động” một thời gian, hoặc có khi còn tháo lui và đành để mất phần đất mà chúng ta đã giành được trước đó. Những giai đoạn trì trệ, hoặc suy giảm này đều được tất cả các nhà tâm lý học biết rõ; và chúng được gọi là “những cao nguyên trên đánh giá cong của tri thức.” Các học viên khóa nói trước công chúng đôi lúc cũng bị giam hãm vài tuần ở một trong những cao nguyên này. Dù họ làm việc cật lực cỡ nào, họ cũng không thể thoát khỏi được.

Những học viên thiếu chí khí sẽ thất vọng và bỏ cuộc. Còn những học viên có tinh thần quả cảm sẽ kiên trì, và họ thấy rằng thật là đột ngột và mau chóng mà chẳng mấy chốc họ đã đạt được những bước tiến đáng kể mà chính họ cũng chẳng hiểu ra sao cả. Từ cao nguyên họ đã cất cánh giống như một chiếc phi cơ. Bỗng dưng họ thành thạo công việc của mình. Bỗng dưng họ thấy mình tự nhiên, có sức mạnh và lòng tự tin khi diễn thuyết.

Như chúng tôi đã lưu ý ở một vài chỗ khác trong những trang này, có thể bạn luôn có nỗi sợ thoáng qua, sự sững sờ, lúng túng trong vài phút đầu khi bạn đối diện với thính giả. Nó chẳng gì khác nỗi sợ lúc khởi đầu thôi. Sau vài câu dạo đầu, bạn sẽ tự chủ lại ngay. Bạn sẽ tiếp tục diễn thuyết hăng say.

Kiên trì không ngừng

Một lần kia, có một chàng trai khát khao được theo học ngành luật, đã viết thư cho Lincoln để xin lời khuyên, Lincoln đã đáp từ: “Nếu bạn thật sự quyết tâm trở thành một luật sư, thì sự thể ấy đã giúp bạn hoàn thành được phân nửa rồi… Hãy luôn nhớ rằng chính quyết tâm muốn thành công của bạn còn quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.”

Lincoln biết rõ điều đó. Ông đã từng trải qua tất cả. Trọn đời ông, ông đến trường tổng cộng quá một năm trời. Còn sách? Có lần Lincoln thổ lộ ông đã phải đi tới năm mươi dặm đường để mượn từng cuốn sách. Một lò sưởi củi thường được đốt suốt đêm trong căn nhà gỗ nhỏ, và ông đọc sách nhờ ánh sáng của lò sưởi đó. Buổi sáng ngay khi có đủ ánh sáng để đọc, Lincoln ngả mình trên chiếc giường bằng cây, dụi mắt, rút sách ra và bắt đầu đọc ngấu nghiến.

Ông đi hai, ba mươi dặm để nghe một diễn giả và khi về nhà, ông tập tành diễn thuyết – trên cánh đồng, trong rừng, trước một đám đông nhỏ tụ họp ở tiệm tạp hóa Jones ở Gentryville. Ông gia nhập các hiệp hội văn chương và tranh luận ở New Salem và Springfield, và tập diễn thuyết về các chủ đề đương thời.

Mặc cảm tự ti luôn gây phiền hà cho ông. Trước mặt phụ nữ ông thẹn thùng và không nói nên lời. Khi tỏ tình với Mary Todd ông thường ngồi trong phòng khách, bẽn lẽn và nìn thinh, chẳng kiếm đâu ra từ để thổ lộ, chỉ biết nghe trong khi cô nàng thao thao bất tuyệt. Thế nhưng, chính người đàn ông đó, nhờ luyện tập và tự học, đã biến mình trở thành một diễn giả tranh luận cả với những nhà hùng biện tài ba, như Thượng nghị sĩ Douglas. Cũng chính người đàn ông đó, tại Gettysburg, trong bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai, đã đạt đỉnh cao về phong cách hùng biện mà chẳng mấy ai có thể bì kịp.

Xét về mặt những bất lợi to lớn và sự phấn đầu đáng khâm phục của bản thân ông, chúng ta chẳng mấy ngỡ ngàng khi ông viết: “Nếu bạn thật sự quyết tâm trở thành một luật sư, thì sự thể ấy đã giúp bạn hoàn thành được phân nữa rồi.”

Có một tấm hình Abraham Lincoln tuyệt vời trong văn phòng Tổng Thống. “Thường khi tôi có một vấn đề phải quyết định,” Theodore Roosevelt nói, “một điều phức tạp và khó khăn phải giải quyết, một điều trong đó có các quyền hạn và mối lợi đối lập nhau, tôi đều ngước mắt lên nhìn Lincoln, cố tưởng tượng rằng ông ở trong địa vị của tôi, hình dung ra những gì ông sẽ thực hiện trong các tình huống y như thế này. Bạn có thể cho rằng điều này có vẻ kỳ cục, nhưng, thú thật, dường như nó đã giúp giải quyết các rắc rối của tôi một cách dễ dàng hơn.”

Tại sao bạn lại không thử phương án của Roosevelt? Tại sao lại không, nếu như bạn đang nản chí và cảm thấy muốn bỏ cuộc, không phấn đấu để biến mình trở thành một diễn giả, tại sao bạn không rút trong túi ra một trong những tờ giấy bạc năm đô la có chân dung của Lincoln, và hãy tự hỏi xem ông ta sẽ làm gì trong những tình huống như thế. Bạn biết ông ta bị Stephen A. Douglas đánh bại trong cuộc chạy đua vào Thượng viện Mỹ, ông đã khuyên nhủ các hầu cận của ông, “không bỏ cuộc sau một hoặc cả trăm lần thất bại.”

Chắc chắn sẽ được thưởng công

Tôi hết sức mong mỏi bạn mở và đặt cuốn sách trên bàn điểm tâm của bạn mỗi sáng trong vòng một tuần lễ tới khi bạn học thuộc lòng những lời này của Giáo sư William James, nhà tâm lý học nổi tiếng của Harvard:

Ước chi không một bạn trẻ nào âu lo về kết quả sau cùng của việc học hành của mình, cho dù ngành học là ngành gì đi nữa. Nếu bạn ấy cứ đều đều tận dụng từng giờ học hành, bạn ấy cứ việc an tâm khỏi lo lắng gì đến kết quả chung cuộc. Bạn ấy có thể tin chăc rằng vào một buổi sáng đẹp trời nào đó, khi tỉnh giấc, bạn đó sẽ thấy mình đã trở thành một trong những người tài của thế hệ mình; tài giỏi về bất cứ ngành nghề nào mà bạn ấy đã chọn để theo đuổi.

Và giờ đây, dựa theo ý của Giáo sư James nổi tiếng, tôi cũng dám nói rằng nếu bạn trung kiên theo đuổi tài liệu tự học diễn thuyết này và cứ tiếp tục luyện tập một cách thông minh, bạn có thể vừng tin rằng vào một buổi sáng đẹp trời, khi thức giấc, bạn sẽ thấy mình là một trong những diễn giả tài ba của thành phố hoặc cộng đồng nơi bạn sống.

Cho dù lúc này điều đó có vẻ quá sức tưởng tượng của bạn, nhưng như một nguyên tắc chung thì đó là sự thật. Tất nhiên cũng có những ngoại trừ. Một con người có đầu óc và tư cách kém cỏi, và chẳng có gì đáng nói, sẽ không trở thành một Daniel Webster địa phương được; nhưng, theo lẽ thường, sự khẳng định đó thì đúng.

Tôi xin minh họa bằng một ví dụ cụ thể.

Cựu thống đốc Stokes thuộc bang New Jerssey đã tham dự buổi tiệc mãn khóa của một lớp học nói trước công chúng tại Trenton. Ông nhận xét rằng các bài diễn văn mà ông nghe các học viên trình bày buổi tối hôm đó thì cũng hay như những bài diễn văn mà ông được nghe tại Hạ viện và Thượng viện ở Washington. Những bài diễn văn ở Trenton ấy được các thương gia trình bày, những người mà mới vài tháng trước còn líu lưỡi do sợ thính giả. Họ không phải là những Cicero mới vào nghề, những thương gia của New Jersey đó; họ tiêu biểu cho các thương gia mà chúng ta bắt đầu gặp ở bất cứ thành phố nào của Mỹ. Vậy mà một buổi sáng đẹp trời nọ họ đã thức giấc và thấy chính mình nằm trong số các diễn giả tài năng của thành phố của họ.

Toàn bộ vấn đề thành công của bạn với tư cách là một diễn giả đều xoay quanh hai điểm duy nhất – khả năng bẩm sinh của bạn, và chiều sâu cùng với sức mạnh của ước vọng. Giáo sư James đã nói: “Hầu như trong mọi bộ môn, niềm đam mê của bạn dành cho bộ môn đó sẽ cứu giúp bạn. Nếu bạn thực sự quan tâm đúng mức về một thành quả, hầu như chắc chắn bạn sẽ đạt được thành quả đó. Nếu bạn ao ước trở nên giàu có, bạn sẽ được giàu có; nếu bạn mong muốn trở nên học thức, bạn sẽ thành người có học; nếu bạn ao ước trở nên đức hạnh, bạn sẽ trở nên đức hạnh. Thế thì, bạn chỉ cần thực sự ước mong và ước muốn triệt để những điều này, nhưng đừng ước muốn cả hàng trăm điều không tương hợp cùng một lúc.” Và Giáo sư James có thể nói thêm, với cùng một chân lý, “Nếu bạn muốn trở thành một diễn giả tự tin khi nói trước công chúng, bạn sẽ đạt được ý nguyện. Nhưng bạn cần phải thực sự mong ước điều đó.”

Điều đó hoàn toàn mang tính nhân văn và tự nhiên. Thế bạn chẳng thấy cùng sự việc vẫn diễn ra trong thương trường và các ngành nghề sao? Rockfeller lão thành nói rằng yếu tố cần thiết trước tiên để thành công trong kinh doanh là kiên nhẫn. Nó cũng giống như một trong những yếu tố cần thiết cho sự thành công cở đây.

Nguyên soái Foch đã dẫn dắt một trong những đạo quân hùng mạnh nhất trên thế giới tới chiến thắng, và ông tuyên bố rằng ông chỉ có một đức tính duy nhất: không bao giờ nản chí.

Năm 1914, khi quân Pháp rút về Marne, Đại tướng Joffre đã chỉ thị cho các tướng lĩnh dưới quyền ông đang đảm trách hai triệu quân phải ngừng không được rút thêm nữa và bắt đầu tấn công. Trận chiến mới này, một trong những trận quyết liệt nhất trong lịch sử của thế giới, đã diễn ra ác liệt được hai ngày thì Đại tướng Foch đã gửi Joffre một trong những bức điện ấn tượng nhất trong các kho dữ liệu quân đội: “Đội quân của tôi nhượng bộ. Cánh phải của tôi đã rút. Tình thế thật tuyệt. Tôi sẽ tấn công.”

Trận đó đã cứu được Paris.

Do vậy, khi trận chiến có phần gay nhất và vô vọng nhất, khi mà đội quân của bạn chịu thua và cánh phải của bạn rút lui, “tình thế lại tuyệt vời”. Hãy tấn công! Hãy tấn công! Hãy tấn công, và bạn sẽ cứu được phần tốt nhất của bản thân bạn – lòng can đảm và niềm tin của bạn.

Trèo lên “Wild Kaiser”

Một số mùa hè trước đây, tôi bắt đầu trèo lên một ngọn núi của dãy Alps thuộc nước Áo có tên là Wilder Kaiser. Baedeker bảo là khó đấy, những người leo núi nghiệp dư buộc phải có hướng dẫn viên. Chúng tôi, một người bạn và tôi, chẳng có hướng dẫn viên nào cả, và chúng tôi lại là những người nghiệp dư chính hiệu; do vậy một nhân vật thứ ba đã hỏi là liệu chúng tôi có thực hiện được không. “Chắc chắn rồi”, chúng tôi trả lời.

“Điều gì khiến các bạn cho là thế?” anh ta thắc mắc.

“Những người khác leo cũng đâu có hướng dẫn viên,” tôi nói dù biết rằng mình là người vụng về và kém tài nhất, “do đó tôi biết rằng việc chúng tôi làm thì cũng hợp lý thôi, và tôi không bao giờ chịu thất bại trước điều gì mà chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể làm được.

Hãy nghĩ tới thành công. Hãy tưởng tượng chính bạn đang diễn thuyết trước công chúng mà lòng đầy tự tin.

Khả năng của bạn có thể dễ dàng làm được điều này. Hãy tin rằng bạn sẽ thành công. Hãy vững tin và rồi bạn sẽ làm được những gì cần thiết để mang lại thành công.

Đô đốc Dupont đã đưa ra nhiều lý do tuyệt hảo nói lên tại sao ông đã không đưa những chiếc tàu chiến của ông vào cảng Charleston. Đô đốc Farragut chăm chú lắng nghe kể các lý do. Rồi ông đáp lời: “Nhưng còn một lý do nữa ông chưa đề cập tới.”

“Đó là lý do gì?” Đô đốc Dupont hỏi.

Câu trả lời là: “Ông không tin là ông có thể làm được điều đó.”

Điều quý nhất mà hầu hết học viên theo học khóa nói trước công chúng chính là gia tăng lòng tin tưởng nơi bản thân, vào khả năng thành đạt của mình. Ngoài điều đó ra, còn gì quan trọng hơn để một người có thể thành công trong hầu như bất cứ nhiệm vụ nào?

Ý chí để chiến thắng

Đây là vài lời khuyên khôn ngoan của cố văn sĩ Elbert Hubbard mà tôi không thể không trích dẫn. Nếu một người chỉ cần áp dụng và sống theo sự khôn ngoan hàm chứa trong đó, người đó chắc chắn sẽ hạnh phúc và thịnh đạt hơn:

Bất cứ khi nào bạn ra khỏi nhà, hãy hân hoan, ngẩng cao đầu lên và thở cho đầy phổi; hãy uống lấy ánh dương cho thật no; hãy tươi cười chào hỏi bè bạn trong lúc tay bắt mặt mừng. Đừng sợ bị hiểu lầm và chớ phí phạm dù chỉ một phút để nghĩ tới kẻ thù. Hãy khắc sâu trong tâm trí những gì bạn muốn làm, và rồi, không đổi hướng, bạn cứ trực chỉ về đích. Hãy để tâm tới những điều cao cả và tuyệt vời mà bạn muốn thực hiện, và rồi, theo dòng thời gian, một lúc nào đó vô tình bạn bắt đầu nắm lấy những cơ hội cần thiết để thực hiện mơ ước của bạn, giống ý như loài san hô hấp thụ những nguyên tố thiết yếu từ dòng hải lưu. Hãy hình dung trong tâm trí bạn mẫu người tài năng, nhiệt tình, hữu ích mà bạn mong mình sẽ trở thành, và chính tư tưởng đó đang từng giờ biến bạn thành con người đặc thù đó … tư tưởng là trên hết. Hãy duy trì một tư thế tinh thần đúng đắn – tư thế của lòng dũng cảm, trung thực và vui tươi. Suy nghĩ đúng chính là sáng tạo. Mọi sự đều đến từ mong ước và mọi lời kinh chân thành đều được đáp lời. Chúng ta sẽ trở thành cái mà tâm hồn chúng ta hằng gắn bó. Hãy hân hoan và ngẩng cao đầu lên. Chúng ta là những vị thần trong giai đoạn phôi thai.

Napoleon, Wellington, Lee, Grant, Foch – tất cả là những vị tướng tài và đều nhìn nhận rằng ý chí quyết thắng và lòng tự tin vào khả năng chiến thắng của một đạo quân sẽ mang tính quyết định cho sự thành công hơn bất cứ sự gì khác.

Nguyên soái Foch nói: “Chín chục ngàn người chiến bại, về hưu trước chín chục ngàn người chiến thắng chỉ vì họ đã mọi mệt rồi, không còn tin vào chiến thắng nữa, và nhụt chí – tinh thần kháng cự của họ đã cạn kiệt.”

Nói cách khác, chín chục ngàn người về hưu không tực sự bị đánh bại về phương diện thể chất; nhưng họ bị chinh phục vì họ bị đánh bại về phương diện tinh thần, vì họ đã đánh mất lòng dũng cảm và tự tin. Một đạo quân như thế và một con người như thế lấy đâu ra hy vọng.

Nơi những con người thành công luôn có bốn đặc tính: khoan dung, tháo vát, gan dạ, và khí phách.

Đó cũng là những đức tính tiên quyết để thành công trong diễn thuyết. Hãy lấy chúng làm châm ngôn của bạn. Hãy lấy bài thơ của Robert Service làm bài ca xuất trận của bạn:

Khi bạn bị lạc trong hoang mạc, và khi bạn khiếp sợ như một đứa trẻ,

Và tử thần nhìn thẳng vào mắt bạn.

Bạn đang nhói đau như bị đinh nhọt.

Lên cò khẩu súng ngắn và … chết.

Nhưng luật sống là: “Hãy chiến đấu hết mình,”

Không hề có chuyện tự sát.

Trong đói khát và thống khổ, ôi la, thật dễ bỏ cuộc…

Khó nuốt nổi bữa điểm tâm ở chốn địa ngục.

Nếu bạn kém cỏi trong cuộc chơi thì quả là đáng xấu hổ

Tôi biết bạn còn trẻ và gan dạ nên đừng có than vãn.

Hãy hăng hái lên mà chiến đấu.

Cố lên ắt sẽ chiến thắng.

Đừng chần chừ, hỡi con báo già!

Hãy xốc tới vì đâu dễ bỏ cuộc như thế:

Cất cao đầu lên trước gian khó.

Đâu dễ gì bị tấn công – rồi chết như vậy.

Đâu dễ gì thoái lui và chịu khuất phục;

Quyết chiến dù đã mất hết hy vọng,

Vì sao ư, vì đấy là cuộc chơi lớn nhất.

Hãy tiến lên và chiến đấu

Dù trên mình đã đầy thương tích,

Chỉ có một con đường là tiến lên,

Để được sống dù gian khó cách mấy.

Tóm lược

1. Chúng ta không bao giờ hoặc bất cứ điều gì – ví dụ như đánh gôn, tiếng Pháp, hoặc nói trước công chúng – theo kiểu tiến bộ dần dần. Nhưng chúng ta tiến bộ nhờ những cú hích mạnh đột ngột và những bước đột phá. Sau đó chúng ta lại “án binh bất động” vài tuần, hoặc có khi chúng ta còn tháo lui và đành để mất một phần đất mà chúng ta đã dành được trước đó. Các nhà tâm lý học gọi những giai đoạn trì trệ này là “những cao nguyên trên đường cong của tri thức.” Chúng ta có thể nỗ lực trong một thời gian dài nhưng cũng không thể thoát khỏi một trong những “cao nguyên” đó và rồi lại tiếp tục vươn lên. Một số người, do không nhận ra sự kiện kỳ lạ này nên đã nản chí và đánh mất mọi nỗ lực. Điều đó hết sức đáng tiếc, vì nếu nhưng con người đó kiên trì và tiếp tục luyện tập, chẳng bao lâu họ sẽ thấy mình được nâng lên như một chiếc phi cơ và lại mau chóng tiến được một bước thật dài.

2. Có lẽ chẳng bao giờ bạn nói năng mà không bị đôi chút lúng túng ngay trước khi bạn đăng đàn. Nhưng, nếu bạn bền chí, bạn sẽ sớm đánh tan mọi sự ngoại trừ nỗi sợ ban đầu này; và sau khi bạn phát biểu được vài giây, nỗi sợ đó sẽ tan biến.

3. Giáo sư James đã vạch ra cho chúng ta thấy rằng chẳng việc gì phải âu lo về kết quả sau cùng của việc học hành của mình. Nếu người đó cứ đều đặn chăm chỉ làm việc, “người đó có thể tin chắc rằng vào một buổi sáng đẹp trời nào đó, khi tỉnh giấc, người đó sẽ thấy mình đã trở thành một trong những người xuất sắc của thế hệ của mình; tài giỏi về bất cứ ngành nghề nào mà họ đã chọn để theo đuổi.” Chân lý mà nhà thông thái danh tiếng của đại học Harvard đã nó ra, được áp dụng cho bạn và các nỗ lực của bạn khi học diễn thuyết. Điều đó không còn gì phải thắc mắc. Những người thành công trong lĩnh vực này, như một quy luật chung, không phải là những con người xuất chúng. Nhưng họ vốn có đức kiên trì và lòng quả cảm. Họ đã tiếp tục. Và họ đã đến đích.

4. Hãy nghĩ rằng thành công trong việc nói trước công chúng sẽ thành hiện thực. Rồi bạn sẽ làm được mọi sự cần thiết để mang lại kết quả đó.

5. Nếu bạn nản chí, hãy cố làm theo cách Teddy Roosevelt đã nhìn lên ảnh của Lincoln và tự hỏi xem Lincoln đã làm gì trong những hoàn cảnh tương tự.

6. Vị tuyên úy nổi tiếng của Hải quân Mỹ hồi Thế chiến thứ 1 đã nói rằng những đặc tính thiết yếu giúp một vị tuyên úy thành công có thể được tóm tắt trong bốn đặc tính. Chúng là những đặc tính nào?

Không có nhận xét nào: