CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI BLOG PVM

"Cuộc đời hôn lên tôi bằng nỗi đau thương và buộc tôi phải đáp lại bằng lời ca tiếng hát" R. TAGORE


Trang đồng tác giả:
http://www.phantichkinhte123.com



Email của PVM:
minhphamvan2008@gmail.com
PHẠM VĂN MINH

22 thg 4, 2011

QUẢN LÝ THỜI GIAN (kỳ 6)

Chào bạn!

Tiếp theo kỳ trước, tôi hứa viết về thế hệ QLTG thứ ba, thế hệ của những việc thực sự kiến tạo nên đời sống, một đời sống có chất lượng và viên mãn. Dù tôi hiểu mình vẫn còn sân si, bất toàn, mong manh, nhiều thành kiến, thiên vị và bi quan về cuộc đời, nhưng trong tôi, cái động lực hướng thượng, cái động cơ tiến về những điều tốt đẹp, những giá trị nhân bản là không thể ngăn cấm hay trì hoãn. Và hẳn nhiều người trong các bạn cũng có hướng lực như thế, chúng ta muốn tiến triển và trưởng thành, muốn … LÀM NGƯỜI, chứ không phải một thứ gì khác. Vậy Quản lý thời gian thực chất là Lãnh đạo cuộc sống của mình để hướng nó về các giá trị tốt đẹp, Chân-Thiện-Mỹ, đến một cứu cánh toàn mỹ (mục đích tối hậu). Việc đầu tiên trong chuỗi hành động quả cảm này là xác định sứ mệnh của mình, một câu hỏi được đặt lại cho chúng ta là: “Sống để làm gì?”, hay “Mục đích của cuộc sống này là gì vậy?”

Câu hỏi này là một dạng câu hỏi hóc búa, chúng ta thường ít dùng nó để hỏi hay đố nhau, mà dùng để tự hỏi mình. Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu cách giải đáp và chúng ta thường vò đầu, sờ gáy, rồi tự nhủ … “hãy để thời gian trả lời”. Rồi tuổi xuân qua mau, tuổi già lẹ đến, chúng ta cũng thường mắc chứng mau quên… Thời gian không phải là một kẻ đồng hành đáng tin cậy và cũng không phải là một phương thuốc hữu hiệu, đặc biệt đối với các con bệnh nghiêm trọng, các vấn đề sống còn. Chúng ta sống trong thời gian và mắc nợ nó ý nghĩa của một lần tồn tại.

“Sống để làm gì?”. Một tiếng nói khác của mình vang lên: “Hỏi chi vậy? Sống thì để mà sống, rứa thôi!”. Cuộc sống lúc này mang một cứu cánh tự thân, thể như là chúng ta tự vo tròn và lăn lên chính mình theo dòng thời gian, để về với thiên thu cát bụi. Nhưng có bao nhiêu người đủ tỉnh táo và sáng suốt để sống một cuộc đời phi thường như vậy?

Thiên nhiên không đặt câu hỏi, nó bình an! Chúng ta thường tự cho mình là chủ, có trí tuệ và thông minh nên chúng ta thường đặt câu hỏi, nhưng lại hỏi nhiều cho người khác và ít hơn cho … chính mình. Vì hơn thua ở đời vẫn là chỗ hỏi được khen hay, hỏi khó, chứ không phải hỏi đúng, hỏi thật, nên câu trả lời thường không giúp chúng ta sống tốt hơn, không mang đến cho ta hành động, ý chí cầu tiến và sự dấn thân, mà lại mang cho ta một thương hiệu (càng mạnh càng tốt), một chỗ đứng vững vàng, một chỗ ngồi vững chắc, … trên “một viên bi” xoay như chong chóng, bay như vũ bão giữa không gian bao la mịt mù, vô tận. Thật quá rùng mình, kinh hãi xiếc bao! Tôi quá u mê hay ngông cuồng chăng khi đặt lại một câu hỏi quá xưa, quá cũ: “Sống để làm gì?”. Dù sao, tôi cũng cho rằng đó là một câu hỏi đúng, trực chỉ và cần được đặt đi đặt lại nhiều lần cho chính mình. Còn bạn thì sao?

Vậy để có thể ứng dụng thế hệ QLTG thứ ba vào đời mình, bước đầu tiên tôi dừng tất cả những câu hỏi vớ vẩn (Như: Làm sao để thành công?) mà bấy lâu nay tôi tự hãm hại mình bằng cách suy tư không ngớt, để đặt lại câu hỏi cơ bản liên quan đến cứu cánh đời mình, hay sứ mệnh của bản thân trong đời sống. Vì tôi cho rằng con người được sinh ra đời đã là “kẻ chiến thắng” trong một “cuộc chạy đua thập tử nhất sinh” để tự hiển lộ mình, nên giá trị “thành công” không phải là ưu tiên số một hay mục tiêu hàng đầu mà mình hướng tới. Mình phải làm gì để không phí một lần tồn tại trong thân phận người? Tôi đã suy tư nhiều đêm về câu hỏi này và hẳn còn suy tư nhiều đêm nữa trước khi có một câu trả lời chung cuộc cho bản thân, nhưng chính nhờ khả năng tự hỏi này mà tôi rảnh nợ với những thứ xô bồ bên ngoài, có thêm thì giờ cho bản thân và hiểu hơn về mình.

Còn bạn, bạn muốn lèo lái cuộc đời mình về đâu trong quãng đời ngắn ngủi và quý giá còn lại trên cõi trần “xôi thịt” này? Đừng thờ ơ, do dự hay chần chờ gì nữa, hãy chọn một nơi yên tĩnh, giữa thiên nhiên trời mây trăng nước thì càng tốt, để tự hỏi mình “Sống để làm gì?” một lần cho thật nghiêm túc. Tôi đoan chắc rằng từ đó về sau cuộc đời bạn sẽ không còn như trước nữa, cuộc đời sẽ rộng lối thênh thang, một đời sống phồn thịnh, tràn trề và viên mãn sẽ đến.

Cái việc quyết định mình sẽ đi về đâu là thực sự quan trọng, đặc biệt với những người trẻ, càng sớm nhận ra cái sứ mệnh của mình thì càng có nhiều thời gian hơn để hành động và thành tựu. Với tôi, khoảng thời gian 5 tháng ở trên đỉnh Bạch Mã năm 2008 đã mang lại cho tôi nhiều ý tưởng cho câu hỏi đó. Việc trả lời (dù không đầy đủ) cho một vấn đề quan trọng như thế đã ảnh hưởng toàn bộ đời sống sau này của tôi, quyết định tất cả những việc làm của tôi bây giờ, từ việc lớn đến việc nhỏ. Thời gian sống giữa thiên nhiên đó cũng cho tôi thấy bản thân mình thực sự nhỏ bé, trong kích thước cũng như trong những hành động mà mình đã làm, nói như Einstein thì mình chỉ là “một mảnh ghép của vũ trụ”. Tuy nhiên, mình có thể thay đổi được tình thế đó bằng cách sắm một “cặp mắt mới”, tức là cần có một cái nhìn khoáng đạt, rộng lớn và bao quát hơn về cuộc đời để có thể thấy vai trò thực sự của mình là gì, cũng như việc thiếu đi một mảnh ghép thì không thể thấy được toàn vẹn bức tranh. Vậy đời sống của mình đương nhiên có một giá trị và nhiệm vụ của mỗi người là tự mình định đoạt lấy nội dung của nó.

Tới đây, tôi khép lại kỳ 6, kỳ xoay quanh câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản mà vô cùng hóc búa: “Sống để làm gì?”. Chúng ta đang từng bước định hình tương lai bằng cách dành lại cái vị thế lãnh đạo đời sống của mình. Đó cũng là điều quan trọng và nền tảng để có thể quản lý thời gian hiệu quả.

Hẹn bạn kỳ sau, trong khi chờ đợi, đừng quên dành thời gian để tự hỏi mình “Sống để làm gì?”, bạn nhé!

PVM

13 nhận xét:

awdqd nói...

Cám ơn thầy, chính nhờ thế hệ này mà năm nay em đã dần thấy mình khác hẳn! Thay đổi theo hướng tích cực! Ai cũng cho em là bị ai đó "nhồi". Nhưng thật ra, tự nhận thức cùng với những định hướng mà thầy đề cập đã làm em thay đổi rất nhiều!
Cám ơn thầy làm cho 1 người "thú vị" trở nên đơn giản hóa và "đẹp" hơn!

PHẠM VĂN MINH nói...

Mới quen thôi mà em, thầy đã kịp làm gì đâu, hà hà ... Hai tháng ngắn ngủi mà tưởng chừng cả trời ... kỷ niệm, cả với Smile Group cũng vậy. Giờ thầy mới thấm: Thời gian cũng mang tính tương đối.

MihiMigoi nói...

cách đây 2 hôm, em cũng bắt chước giảng cho thằng em họ năm nay thi lại đại học bài "QLTG" và "sống để làm gì".
kết quả bài giảng của em chắc sẽ phản ánh ngay trong kì thi đại học sắp tới.

PHẠM VĂN MINH nói...

Hi vọng có kết quả tốt cho cả hai anh em :)

awdqd nói...

Em đã truyền lửa cho nhiều người quen của em. Nhiều khi đó là 1 sự ấm lòng hay 1 chút xao động con tim luôn đó thầy! Cám ơn Smile Group cả Hiếu, cả thầy, bên mọi người luôn có cảm giác an toàn!
Cám ơn cuộc đời!

Nặc danh nói...

cảm ơn Thầy nhiều lắm ^.^

Doraemon25 nói...

Thầy ơi, nếu như một người... vẫn chưa biết mình thích gì, chưa biết mình ghét gì, không tưởng tượng ra được viễn cảnh tương lai... Đang vô định, đang mất phương hướng... Chưa tìm ra khả năng của bản thân... Vẫn đang lạc lối, đang "trôi"... đôi lúc vui thích hết cỡ, đôi lúc hụt hẫng, vô định... Không có mục tiêu rõ ràng, vô chừng... Muốn thay đổi nhưng không biết bắt đầu từ đâu, muốn bước đi nhưng không nhấc chân lên...

Một người bạn của em á! Giờ mình phải làm gì đầu tiên? Những thứ cơ bản nhất? Em biết mình phải làm một cái gì đó... nhưng cụ thể mình phải làm gì? Nó đang "trôi" và em không muốn nó "trôi" đi mất...

PHẠM VĂN MINH nói...

Cách thứ nhất là nói bạn đó đến gặp thầy, :b). Cách thứ hai là ... thầy đến gặp bạn đó. Cách thứ ba là cả ba chúng ta sẽ gặp nhau. Để nói chuyện.

Dựa theo những gì em cung cấp, thầy cũng không dám đưa ra một lời tư vấn cụ thể, hoặc hướng dẫn cho những hành động rõ ràng. Với một người khá đặc biệt như vậy, một vài việc nhỏ giúp đỡ có thấm tháp vào đâu, em cần hỏi bạn đó "Thực sự là mày muốn gì, sống hay chết? Sống thì mày theo tao, chết thì tao theo mày", hà hà...

Nói thật, em cần chuyện trò nhiều hơn để hiểu bạn của mình, tạo được sự tin cậy, sau đó hãy truyền ... lửa. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp dần dà với sự cố gắng kiên trì của em. "Đời mình về đâu" không phải là do sự lôi kéo từ bên ngoài, mà sự giải đáp đến từ bên trong, nên những khoảng lặng, không gian yên tĩnh có thể kéo họ về với chính mình. Khi họ đủ tỉnh táo và bắt đầu nhận biết cái môi trường mà họ đang sống, cái chỗ họ đang đứng, họ sẽ biết phải làm gì trước tiên. Đó là ý thầy, không biết có hữu ích gì không?

Doraemon25 nói...

Chơi với nhau từ lớp 6 tới giờ, nó cũng "nghe lời" em lắm... :)

Nó chăm chỉ, học hành ổn, gia đình chẳng có vấn đề gì trục trặc, chỉ mỗi tội chắc đang bị "rối loạn tuổi 20".

Tình hình là có một lần nó ghi thử cái CV thì cảm thấy 20 năm rồi mình chẳng làm được gì... thua kém bạn bè, tự dằn vặt bản thân, suy nghĩ... muốn thay đổi nhưng tự ngẫm lại thì không biết mình thích làm gì, mình cần cái gì, mong muốn sau này là gì...

Em hỏi nó muốn gì thì đại loại cũng như học giỏi, kiếm được việc làm tốt để lo cho 2 nhóc em, muốn học IELTS,... Nhưng em không biết được đó có phải điều thực sự nó muốn hay không... tại nó vẫn đắn đo hoài. Em nói nó phải có mục tiêu rõ ràng, phải làm gì đó thì mới cân đo được niềm vui khi hành động, rồi mới ngẫm nghĩ, lựa chọn hướng đi cho bản thân.

Trước tiên thì nói chuyện với nó đã được đưa vào list công việc tuần của em rồi... Em đang bắt nó hành động, tuần sau em "kiểm tra", hehehe, oai không!

Nhất định lần tập huấn QLTG tới nó sẽ đi, nhất định thế rồi!

PHẠM VĂN MINH nói...

Trước mắt thì như vậy cũng ổn, "vui buồn rồi cũng qua, thành bại rồi cũng bỏ, đến đây hai bàn tay trắng, trở về .... nắm xương khô". Tự an ủi mà đi tiếp vậy, từ từ rồi gỡ rối tơ lòng. Đường xa vạn dặm, giờ chỉ mới bắt đầu ... mà thôi. Chúc em thành công!

Hoàng Anh Khôi nói...

Em nghĩ trong khóa QLTG kì 1 thầy đã thiếu đi 1 thứ cực kì quan trọng. Khi em đọc hành trình quản lí thời gian của thấy em mới nghiệm ra.
Đó chính là sự gian khổ để tìm ra được 4 thế hệ thời gian.
Thầy cho họ biêt thế hệ QLTG thứ 4 là tốt nhất nhưng họ lại không biêt thế hệ QLTG có giá trị như thế nào đối vs cuộc sống của thầy.

Em xin góp ý 1 vài điều em thấy thôi thầy ạ. Nên nếu giọng văn của em có gây sự căng thẳng thì xin thầy và các bạn bỏ qua cho em.

Em xin được tiếp, nếu quá trình QLTG của thầy được hé lộ một cách đầy cảm xúc như nó đang hiện trước mắt thầy thì chắc chắn người nghe cũng sẽ cảm nhận được điều tương tự đó.
Não con người thật sự không phân biệt được kinh nghiệm thật sự và kinh nghiệm do tưởng tượng. Bởi vì nếu họ đặt cảm xúc trong hình ảnh họ tưởng tượng thì tiềm thức của họ tự nhiên sẽ nhập vào giá trị thời gian và biến nó thành nhận thức, niềm tin.
Nói chung là nếu có khóa dào tạo lần sau. Xin thầy cho mọi người được cùng cảm nhận những gì mà thầy đã trải qua trong giai đoạn "Đi tìm lại bản thân"
Vâng, em xin hết.
Em mong kì 7 quá thấy ơi ^^

PHẠM VĂN MINH nói...

Cảm ơn những lời chân thành của em. Thầy sẽ suy nghĩ để cải tiến chương trình huấn luyện sau này.

minhtanhuynh nói...

Trong khoảng thời gian vừa rồi, em gặp một số chuyện của cái tuổi mới lớn, nhiều suy nghĩ lắm thầy...hà hà. Và cũng trong khoảng thời gian ấy mấy bạn đã chia sẽ em rất nhiều điều thú vị, đặc biệt là Nhì, Vĩ, Khánh,hihi...Cảm ơn thầy về bài viết, thầy đã truyền lửa em rất nhiều đấy... Nam nhi trổ trụ lớn nhất là chi khí, vượt thắng bản thân, giá trị cuộc sống là do mỗi người định đoạt, gia đình Smile sẽ bước đi, tìm chân lý giá trị cuộc sống, và mỗi người sẽ tìm ra chân lý đó...Minh Tân đã "tìm lại" rồi thầy ah`...hihi