CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI BLOG PVM

"Cuộc đời hôn lên tôi bằng nỗi đau thương và buộc tôi phải đáp lại bằng lời ca tiếng hát" R. TAGORE


Trang đồng tác giả:
http://www.phantichkinhte123.com



Email của PVM:
minhphamvan2008@gmail.com
PHẠM VĂN MINH

22 thg 5, 2011

QUẢN LÝ THỜI GIAN (kỳ 8)

Chào bạn! Sau khi nỗ lực xác định sứ mệnh và vị trí của mình trên đời, chúng ta cần xây dựng các mục tiêu để từng bước hiện thực hóa sứ mệnh đó. Sứ mệnh sẽ quyết định mục tiêu, định hướng cho mục tiêu. Để đơn giản hơn, chúng ta có thể cụ thể hóa sứ mệnh bằng một hình ảnh là “con người lý tưởng” của bạn. Vậy các phẩm chất (đặc tính, nhân cách) mà bạn muốn có cho mình là gì? Bạn hãy tưởng tượng ra CON NGƯỜI mà bạn muốn trở thành trong tương lai, 10, 20, 50 năm nữa, hay cho đến lúc gần nhắm mắt xuôi tay. Bạn muốn thành công, thành đạt, thành tựu ở những khía cạnh, lĩnh vực gì và bạn là một con người như thế nào.

Một con người sống trên đời có rất nhiều mối quan hệ với người khác, với vạn vật, với cả quá khứ và tương lai của mình. Chúng ta thể hiện các mối quan hệ đó thông qua các vai trò. Cuộc đời cũng giống như một vở kịch, chúng ta ra vào sân khấu với các vai diễn khác nhau, có khi hóa thân vào Thiên nga Đen, khi khác hóa thân vào Thiên nga Trắng; có khi vào vai một tên “đồ tể”, có khi nhập vào một kẻ ngoan hiền, chất phác. Con người quá đa diện (nhiều mặt) và có rất nhiều vai trò trong cuộc sống cần phải đảm đương, chuyên tâm săn sóc. Thật là thảm thương nếu chúng ta chỉ chìm nghỉm vào chỉ một vai trò nào đó và bỏ qua những vai trò khác để làm mất đi sự thăng bằng trong cuộc sống. Các vai trò mà ta mang vác, hay chịu trọng trách, chính là những lực đối trọng làm cho đời sống của chúng ta phong phú, hài hòa và cân bằng hơn.

Một người trưởng thành có khá nhiều vai trò và chúng phụ thuộc vào sứ mệnh, đặc điểm nhân cách và hoàn cảnh sống của người đó. Tôi ví dụ, bản thân tôi là một người đã có gia đình, có một việc làm là dạy học, có một gia đình lớn, gồm vài người em ruột, có nhiều bạn bè, có nhiều mối quan tâm với xã hội và thời cuộc. Hơn nữa, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về tương lai của chính mình. Với những đặc điểm đó, tôi có thể kể cho bạn nghe một vài vai trò mà tôi đảm trách: vai trò làm con (với ba mẹ tôi và ba mẹ vợ tôi), vai trò làm anh (với các em ruột tôi), vai trò làm chồng (đối với vợ tôi), vai trò làm thầy (đối với sinh viên và trường học của tôi), vai trò làm bạn (với bè bạn của tôi), vai trò làm blogger (với cộng đồng mạng quen biết tôi), vai trò làm công dân (với xã hội tôi), vai trò làm người chịu trách nhiệm về việc phát triển bản thân (với toàn thể tương lai và các thế hệ tiếp nối tôi), v.v… Đó là một vài vai trò mà tôi có thể kể để bạn dễ hình dung, rõ ràng chúng mang đậm đặc điểm cá nhân và hoàn cảnh của tôi.

Còn bạn, bạn có những vai trò nào? Những vai trò nào mà bấy lâu nay bạn không nhận ra? Những vai trò nào mà bạn tảng lờ như không biết và xem chúng chưa hề tồn tại? Tôi xin nói lại, chỉ có bạn mới xác định được mình có những vai trò nào vì suy cho cùng bạn là một cá thể độc đáo, tồn tại khác biệt, độc nhất vô nhị. Không biết bạn đã nhận ra điều đó chưa? Vậy việc xác định các vai trò thì có liên quan gì đến sứ mệnh cuộc đời mình chứ? Xin thưa, mật thiết liên quan. Sứ mệnh của bạn là con người với nhân cách toàn diện trong viễn cảnh của bạn chứ không phải là gì khác. Có thể nói nó là tổng thể của con người bạn, bao gồm: thể chất, tinh thần, não trạng, sinh lực, kinh nghiệm, sự đào tạo, và trọn cuộc sống. Con người 10 năm, 20 năm hay dài lâu hơn nữa mà bạn muốn trở thành sẽ có những đặc điểm vừa nêu như thế nào, về lượng cũng như về phẩm? Với “con người lý tưởng” của bạn: Về thể chất, bạn muốn cân nặng bao nhiêu, tráng kiện ra sao? Về tinh thần, bạn muốn có những bằng cấp nào, mối quan hệ với ai, phụng sự cho cái gì? … Để trả lời được tất cả các câu hỏi liên quan đến con người tương lai của bạn, bạn cần tập trung và huy động trí tưởng tượng của bạn. Chúng ta tưởng tượng chứ không hoang tưởng, nó dựa trên khả năng thực hiện của ta, phù hợp với ý nguyện, ước vọng và năng lực của ta. Đến đây, tôi xin bạn dành vài phút (hoặc vài giờ, thậm chí vài ngày) để tìm hiểu các phẩm chất mong muốn của con người tương lai của bạn, hay phẩm chất của các vai trò mà bạn sẽ đảm trách. Bạn muốn thăng tiến, phát triển chúng như thế nào? Xin bạn hãy dành thời gian cho những câu hỏi đó.

Các vai trò của một người tương đối ổn định, tuy nhiên nó cũng phát triển theo đời sống. Khi ta còn trẻ, ta có ít vai trò hơn khi trưởng thành. Số lượng các vai trò cũng tùy thuộc vào công việc ta đang làm, vị trí (địa vị) của ta trong xã hội và những ước mơ, khát vọng mà ta đang theo đuổi. Một số người có 5 đến 7 vai trò, một số khác có nhiều hơn. Nhiều hay ít đương nhiên có ảnh hưởng đến cách chúng ta thực hiện chúng, nhưng không hẳn toàn quyền quyết định đến sự thành công và hạnh phúc của ta. Một điều lưu ý, nếu bạn càng có nhiều mối quan tâm thì bạn càng “phân tâm”, càng chia nhỏ thời gian và sức lực của mình. Do vậy, bạn nên cân nhắc và xác định cho được các vai trò thực sự của mình là gì.

Bấy lâu nay, chúng ta cứ cắm đầu cắm cổ chạy, nhưng trớ trêu thay chúng ta chẳng biết chạy về đâu. Chúng ta làm được rất nhiều việc nhưng lại rất ít niềm vui, ít tràn đầy và hạnh phúc. Nguyên do chính là chúng ta không xác định được việc nào là thực sự quan trọng trong các vai trò mà ta đảm nhận. Chúng ta thường chọn những việc dễ dàng, những việc theo thói quen hoặc không quan trọng để làm mà không quan tâm nhiều đến các việc quan trọng, những việc góp phần làm nên con người tương lai của ta. Do viễn ảnh tương lai gồm nhiều khía cạnh nên phẩm chất của các vai trò của ta chính là các mục tiêu dài hạn mà ta hướng tới. Các mục tiêu này mang ý nghĩa quyết định và hướng đích cho mọi hành động của ta trong hiện tại.

Các mục tiêu dài hạn thường là các mục tiêu lớn, thử thách, đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực để thực hiện. Chúng ta không thể hoàn thành chúng trong một sớm một chiều, mà phải tính bằng năm, bằng tháng. Nhỏ hơn, cụ thể và chi tiết hơn là mục tiêu ngắn hạn, là các thành phần được “chia nhỏ” của mục tiêu dài hạn để đảm bảo “tiến độ thực hiện công việc”, giúp ta từng bước hoàn thành mục tiêu dài hạn. Việc này tương tự như việc chặt một cây lớn ngoài đường, người ta chặt cành nhánh trước, sau đó chặt (hoặc cưa) từng khúc thân, cuối cùng mới đào tận gốc. Nó cũng tương tự như việc xây một căn nhà cao tầng, chúng ta thử đất, bù lún, dựng móng, đúc trụ, lên khung thép, đổ bê tông tầng 1 rồi 2 rồi 3, sau đó mới xây tường, lắp đặt trang thiết bị, trang trí nội thất, v.v… Các mục tiêu ngắn hạn tuy là phần chia nhỏ mục tiêu dài hạn, nhưng nó có tính chất tuần tự hơn là tính ngẫu nhiên, một số được thực hiện trước (điều kiện có trước, tiên quyết) và một số được thực hiện sau. Để thực hiện thành công các mục tiêu dài hạn, chúng ta luôn cần các mục tiêu ngắn hạn đúng đắn và hợp lý.

Vậy những câu hỏi có thể được đặt ra là: Thế nào là một mục tiêu tốt? Chúng ta xác định các mục tiêu cho các vai trò của mình như thế nào? Tôi đành hẹn các bạn kỳ tiếp theo. Chúc bạn một đêm nữa bình an.

PVM

2 nhận xét:

Doraemon25 nói...

Hì hì, con người quá đa diện... Mà đôi khi sự đa diện nó xảy ra đồng thời và đôi lúc nó mâu thuẫn, chất vấn lẫn nhau. Vậy thì có tốt không hả thầy?

PHẠM VĂN MINH nói...

Mỗi người cần phải biết cái gì là quan trọng hơn, cấp thiết hơn để mà xử lý. Mâu thuẫn vốn tồn tại trong mọi thứ, ngay cả trong 1 vai trò cũng vẫn xảy ra mâu thuẫn huống chi là ...

Tuyên bố sứ mệnh của mình cũng là cách để phòng ngừa MÂU THUẪN, vì khi đó, những người ta phụng sự, quan tâm, lo lắng biết được mức độ "sức lực" ta dành cho họ. Đương nhiên, nói vậy không có nghĩa là ta làm qua loa, ta sẽ làm một cách từ tốn và vững chải hướng về mục tiêu.

Con người tự vấn nhiều lúc đặt mình vào một tình huống hết sức khó khăn, đó là cân nhắc nặng nhẹ, thiệt hơn. Điều đó, nó không tốt. Nó làm cho con người mình phân mảnh, chia rẻ và đôi khi nó khiến mình do dự, chờ đợi, buông xuôi tất cả... Việc thực hiện một vai trò không tốt cũng ảnh hưởng nhiều đến những vai trò khác của ta, điều đó là đương nhiên. Vậy nên, ta hãy chầm chậm mà tiến, đừng có ôm đồm quá nhiều mục tiêu hoặc quá đặt trọng tâm vào một vai trò để gây ra sự xung đột, mất công hóa giải.

Phải học tài tháo vác, "thao lược" thôi. Niềm tin sắt đá: mọi thứ ta đều giải quyết ổn thỏa, xác đáng, thì sẽ tốt cho tâm ta, bình an đến, mâu thuẫn sẽ qua. Hi vọng em đừng quá "nặng nề" vấn đề tốt xấu, một lần nữa, MÂU THUẪN cũng ... ĐA DIỆN. Đến thì đón chào, đi thì tiễn đưa, không nên quá lo lắng, sợ hãi.