CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI BLOG PVM

"Cuộc đời hôn lên tôi bằng nỗi đau thương và buộc tôi phải đáp lại bằng lời ca tiếng hát" R. TAGORE


Trang đồng tác giả:
http://www.phantichkinhte123.com



Email của PVM:
minhphamvan2008@gmail.com
PHẠM VĂN MINH

28 thg 7, 2011

QUẢN LÝ THỜI GIAN (kỳ 9)

Một thời gian lắng đọng để thu xếp công việc riêng, nay tôi viết tiếp QLTG kỳ 9 đề cập đến việc thiết lập mục tiêu cho bản thân. Kỳ 8 đã giúp bạn xác định các vai trò của mình, việc đó quả thật rất quan trọng và cần thiết, chính nó quyết định bạn là ai vì chỉ có bạn trong một hoàn cảnh và điều kiện sống nhất định mới có những vai trò như vậy.

Để dễ hình dung hơn, tôi ví các vai trò cũng giống như các bộ phận cấu thành nên một chiếc máy bay phản lực, có vai trò như những chiếc động cơ, có vai trò như thân máy bay, có vai trò như đôi cánh, có vai trò như những bánh xe… Nhìn sơ qua, bạn cũng biết được rằng tầm quan trọng của các vai trò trong hệ thống của mình là khác nhau. Tuy nhiên, để một chiếc máy bay có thể vận hành một cách trơn tru (tức có thể bay tốt) thì cần một sự phối hợp đồng bộ (hoặc hòa hợp) giữa các bộ phận cấu thành nó. Các vai trò của bạn cũng vậy, chúng cần được “nối kết” chặt chẽ với nhau để giúp bạn có thể “cất cánh” giữa đời này. Một sự “trục trặc” dù nhỏ nhặt nào cũng khiến bạn “vất vả” hơn, những chiếc bánh xe dù không góp gì vào việc giúp phi cơ bay trên không trung (nếu không muốn nói là một gánh nặng) vẫn rất cần thiết và đặc biệt quan trọng khi cất và hạ cánh, sự trục trặc của chúng cũng sẽ gây ra vô vàn phiền toái. Điều này là dĩ nhiên vì bạn là một tổng thể phức hợp, bạn cần một sự phát triển thăng bằng và bền vững.

Sau đây, tôi đặt ra một trường hợp giả định để giúp bạn dễ liên hệ tới điều tôi vừa nói:

Bạn là nam nhân viên bán hàng với 3 năm kinh nghiệm, đã có gia đình, đang ở trọ, bạn có những vai trò nào? Mục tiêu của bạn cho những vai trò đó là gì?

Tạm trả lời:

Tôi có các vai trò sau: làm chồng và cha; làm nhân viên bán hàng; làm bạn bè; làm con; vai trò người phát triển bản thân; vai trò người cải tiến công việc (mài dũa lưỡi cưa); …

Và các mục tiêu của tôi cho các vai trò:

Với vai trò làm chồng và cha: mục tiêu của tôi là có một căn nhà trong 5 năm nữa (bằng tiền tiết kiệm của hai vợ chồng và vay mượn từ người thân); tôi muốn trở thành người cha và chồng tốt (chia sẻ công việc gia đình với vợ ít nhất 1h/ngày, dạy dỗ và nói chuyện với con (30 ph/ngày), … dành 1 buổi cuối tuần để cả nhà cùng đi chơi, ăn ngoài, …)

Với vai trò làm nhân viên bán hàng: Tìm kiếm ít nhất 20 đối tác mới cho công ty đến cuối năm; Đạt doanh số 500 triệu đồng cho các hợp đồng mới; Mỗi ngày ít nhất dành 20 phút cho các hoạt động chăm sóc khách hàng (gọi chúc mừng sinh nhật, nhắc cuộc hẹn, viết email thăm hỏi, …); Trở thành giám đốc bán hàng trong vòng 2 năm nữa (với mức lương tối thiểu $1200); …

Với vai trò làm bạn bè: Mỗi tuần gọi hỏi thăm 2 người bạn; Lập danh sách sinh nhật bạn vào mỗi đầu tháng và đặt chuông nhắc nhở; Mỗi 3 ngày sẽ dành ra 30 phút để lướt qua các trang mạng xã hội (Facebook, Twitter, Google+, …) để xem tình hình bạn bè và viết vài dòng hỏi thăm; Chia sẻ với bạn các thông tin hữu ích về sức khỏe, sách… khi thuận tiện; …

Với vai trò người phát triển bản thân: Đăng ký khóa học Nghề giám đốc bán hàng (2 tháng); Dành ra thời gian tự nghiên cứu lĩnh vực bán hàng và quản trị bán hàng (3h đọc sách mỗi tuần); Tự trao dồi tiếng Anh mỗi ngày (30 phút, tranh thủ thời gian khi chờ đợi, hoặc khi làm việc nhà); Dành thời gian 15 phút mỗi ngày để tập thể dục nhẹ (trong nhà), mỗi tuần dành 4h để chơi thể thao (chạy bộ, cầu lông, …) cùng bạn bè hoặc vợ;

Với vai trò người cải tiến công việc: Ghi nhật ký các sự kiện và lên kế hoạch mỗi ngày (15 phút); Mỗi ngày dành ra ít nhất 10 phút để rà soát lại những gì đã thực hiện trong ngày để đánh giá, nhìn nhận lại bản thân và đề xuất các giải pháp thay đổi, cải thiện, … Mỗi tuần dành ra 1h để cập nhật các công cụ hỗ trợ công việc; …

Với vai trò làm con: Mỗi tuần gọi hỏi thăm ba mẹ (2 bên) 3 lần, ghé thăm 1 lần vào cuối tuần (dẫn vợ con theo); Dành 1h sáng sớm thứ 7 để uống café với ba; Đặt báo tháng cho ba; …


Trên đây là một số mục tiêu mà tôi tưởng tượng ra cho các vai trò của một người với các đặc điểm như đã đề cập. Dù các mục tiêu có thể mang tính dài hạn, hoặc ngắn hạn, nhưng chúng đều có chung vài đặc điểm, đó là: rõ ràng, cụ thể, cần thiết và có thể đạt được với khả năng và nỗ lực của bản thân. Các mục tiêu đôi khi đứng tách rời nhau, tưởng như mâu thuẫn nhau, nhưng thực ra chúng vẫn có quan hệ hỗ tương và bổ trợ tốt cho nhau. Có lúc một mục tiêu có thể giúp ta hoàn thành tốt nhiều vai trò khác nhau (ví dụ: mục tiêu doanh số cao sẽ tạo ra thu nhập tốt, vừa hoàn thành tốt vai trò nhân viên công ty, vừa vai trò làm cha và chồng, …)

Tương tự như vậy, nếu Bạn là nữ sinh viên ngành kinh tế, 20 tuổi, đang kiếm việc làm bán thời gian? Những vai trò và mục tiêu của bạn sẽ là gì?

Nếu Bạn là người độc thân, nam giới, 25 tuổi, đang đi làm, bạn có những vai trò nào? Mục tiêu quan trọng nhất trong năm nay cho các vai trò của bạn là gì?

Mỗi người hãy dành thời gian để tự suy nghĩ về các vai trò và đặt mục tiêu cho mình. Nếu bạn là người biết “mơ mộng” và giàu trí tưởng tượng, tôi thiết nghĩ bạn đã hình dung khá rõ về viễn cảnh tương lai của mình dù hiện tại có khó khăn đến đâu và dù xuất phát điểm của bạn là như thế nào. Những mục tiêu tốt lúc nào cũng mang lại những kết quả nhiều thỏa mãn.

Sau khi đặt mục tiêu cho các vai trò, nếu các mục tiêu của bạn là ngắn hạn (chỉ vài tháng đến 1 năm) thì bạn nên có một số mục tiêu dài hơi hơn (3, 5 hoặc 10 năm). Ngược lại, nếu các mục tiêu của bạn toàn dài hạn thì bạn nên có một số mục tiêu mang tính “thực dụng” hơn. Việc chia nhỏ các mục tiêu lớn hay phân khúc các mục tiêu dài hạn thành các mục tiêu trước mắt (có thể làm ngay) luôn là cần thiết. Đến đây bạn sẽ cần đến khả năng lập kế hoạch để thực hiện các mục tiêu của mình. Công việc đầu tiên nên là phân tích “nguồn lực” hiện có của bản thân, tức là các khả năng, kỹ năng, kiến thức, tài chính, sức khỏe, … để có thể xác định cho riêng mình một “lộ trình” hợp lý nhằm hoàn thành mục tiêu, vì mỗi người khác nhau sẽ có những cách thức đạt mục tiêu một cách hiệu quả khác nhau, chẳng ai giống ai. Cùng một mục tiêu, nhưng hai người khác nhau có thể có thời gian hoàn thành khác nhau, điều đó tùy thuộc vào khả năng và mức độ quan tâm của họ đối với mục tiêu đó (tầm quan trọng của mục tiêu).

Sau khi chia nhỏ các mục tiêu dài hạn, cũng như ngắn hạn thành mục tiêu có thể thực hiện được trong 1 tuần, chúng ta sẽ cụ thể hóa bằng các hoạt động hàng ngày để đạt mục tiêu với nguyên tắc “bẻ đũa từng chiếc”. Đường vạn dặm bạn muốn đi thì trước tiên vẫn phải bắt đầu bằng cách bước một chân lên. Mỗi ngày trong tuần sẽ giúp chúng ta đặt những bước chân như thế nhằm tiến tới mục tiêu của mình.

Sau khi đi từ các vai trò đến các mục tiêu dài hạn, ngắn hạn, trước mắt, mục tiêu tuần, chúng ta sẽ làm một việc hết sức quan trọng nữa, đó là vẽ nên bức tranh công việc trong tuần đó sao cho hài hòa nhất, tức là bố trí các hoạt động của mình sao cho đạt hiệu quả nhất về mặt tiết kiệm thời gian và sức lực. Lúc này, chúng ta sẽ cần đến các công cụ hỗ trợ cho việc lên kế hoạch tuần và ngày. Đó là các phần mềm, sổ tay, lịch làm việc, … và nhiều phương tiện khác nữa. Chúng sẽ nằm trong kỳ tiếp theo.

Trong vài ngày tới, tôi sẽ giới thiệu đến bạn một chương sách hay về việc đặt mục tiêu để hỗ trợ cho phần kiến thức kỳ này. Mong bạn đón đọc.

PVM

Kỳ trước (8) . . . Kỳ tiếp theo (10)

5 nhận xét:

doraemon25 nói...

Chúc mừng gió đã lại về trên đồng cỏ :)

PHẠM VĂN MINH nói...

Cảm ơn em, gió vẫn ở đó xưa nay, chỉ có điều là hôm nay ta lắng lòng trở lại, cảm nhận được hết mọi bề, những cọng cỏ bắt đầu rung lên ...

awdqd nói...

nhổ hết cỏ thì gió sẽ không làm nó rung nữa thầy ơi!

PHẠM VĂN MINH nói...

Làm việc đó thì hơi... mất sức. Hãy trồng hoa thế chỗ nào...

doraemon25 nói...

Trồng hoa lên mắt, mở mắt là thấy hoa... Vô cùng ít tốn sức :))