CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI BLOG PVM

"Cuộc đời hôn lên tôi bằng nỗi đau thương và buộc tôi phải đáp lại bằng lời ca tiếng hát" R. TAGORE


Trang đồng tác giả:
http://www.phantichkinhte123.com



Email của PVM:
minhphamvan2008@gmail.com
PHẠM VĂN MINH

22 thg 9, 2011

PHÁT TRIỂN LÒNG TỰ TIN VÀ TẠO ẢNH HƯỞNG BẰNG DIỄN THUYẾT (Kỳ 10)

Chương 6. BÍ QUYẾT ĐỂ PHÁT BIỂU HAY

Ngay khi chấm dứt Thế chiến thứ I, tôi đã gặp hai người bạn thân, Ross và Keith Smith. Họ vừa thực hiện chuyến bay đầu tiên từ Luân Đôn tới Úc. Họ được chính quyền Úc trao tặng một phần thưởng là năm chục ngàn mỹ kim. Họ đã gây chấn động khắp Vương quốc Anh và được nhà Vua phong là hiệp sĩ.

Phi trưởng Hurley, một nhà nhiếp ảnh phong cảnh nổi tiếng, đã quay phim trong khi đáp cùng chuyến bay trong suốt một phần cuộc hành trình dài của hai ông; do vậy tôi đã giúp họ soạn một bài nói chuyện về chuyến du hành bằng máy bay có minh họa những hình ảnh đó, đồng thời tôi cũng tập cho họ cách diễn thuyết nữa. Họ đã diễn thuyết bài đó hai lần mỗi ngày trong suốt bốn tháng tại Đại sảnh Hội Âm nhạc, Luân Đôn, một người nói buổi trưa và một người nói buổi tối.

Hai ông đã có kinh nghiệm giống y như nhau, đã cùng ngồi bên nhau trong khi bay vòng quanh nửa vòng trái đất; và hai ông diễn thuyết cùng một bài, hầu như giống nhau từng chữ. Thế nhưng, đâu là phần nghe có vẻ như chẳng phải là cùng một bài diễn văn.

Bên cạnh những gì đơn thuần là lời lẽ của bài diễn văn còn có một cái gì đó thực sự mang tầm quan trọng. Đó chính là cái hương vị mà qua đó các lời lẽ này được phát biểu. “Điều quan trọng không phải là bạn nói gì mà bạn nói như thế nào.”

Có lần tôi ngồi cạnh một phụ nữ trẻ ở một buổi hòa nhạc công cộng. Trong khi chị ta đang đọc, thì Paderewski chơi những nốt nhạc của bài Mazurka của Chopin. Chị ta có vẻ bối rối như ngớ ra. Những ngón tay của chàng nhạc công đang lướt trên cùng những nốt nhạc mà ngón tay chị đã lướt đi khi chơi bản nhạc đó trước kia. Thế nhưng diễn xuất của chàng nhạc công này lại dạt dào cảm hứng, thể hiện một vẻ đẹp phi thường, một màn trình diễn làm thính giả mê mệt. Không phải những nốt nhạc mà chàng nhạc công đã đụng tới; nhưng là cách chàng đụng tới chúng, một cảm giác, một nghệ thuật, một bản sắc mà chàng đã đặt vào trên từng nốt nhạc đã tạo nên toàn bộ sự khác biệt giữa người thường và thiên tài.

Brullof, một họa sĩ vĩ đại người Nga, đã có lần sửa bản vẽ của một học viên. Khi đó học viên này đã sững sờ nhìn vào bức vẽ vừa được sửa và thốt lên: “Sao, thầy vừa đụng sơ vào tranh vẽ của em thì nó liền biến đổi khác hẳn.” Điều đó cũng đúng với diễn thuyết, với hội họa và với diễn xuất của Paderewski.

Khi chúng ta đụng chạm vào các từ ngữ thì sự việc cũng đúng như thế. Trong Quốc hội Anh có một câu châm ngôn lâu đời cho rằng mọi sự đều tùy thuộc vào phong cách nói năng của diễn giả chứ không phải nội dung bài diễn thuyết. Quintilian đã nói điều đó từ lâu rồi, hồi Anh quốc còn là một trong những thuộc địa xa xôi hẻo lánh của Roma.

Giống như đa số châm ngôn cổ xưa, châm ngôn này cũng cần xem xét thận trọng; tuy nhiên, phong cách diễn thuyết hay sẽ giúp cho nội dung yếu kém thêm phần thành công. “Ba điều quan trọng trong một bài diễn văn,” Morley có lần đã khôi hài châm biếm đưa ra nhận xét, “ai diễn thuyết, cách ông ta diễn thuyết, và nội dung ông ta diễn thuyết – và, trong ba điều, điều sau cùng kém giá nhất.” Phóng đại chăng? Có thể, nhưng cứ cạo lớp trên mặt ra rồi bạn sẽ thấy chân lý chiếu tỏa qua đó.

Edmund Burke đã viết những bài diễn văn tuyệt vời về mặt lý lẽ, lập luận và cấu trúc đến độ cho tới nay chúng vẫn còn được nghiên cứu dưới dạng những mẫu mực hùng biện cổ điển; thế nhưng, với tư cách là một diễn giả, Burke lại bị mang tiếng là người thất bại. Ông không có khả năng diễn tả những viên ngọc của ông để biến chúng thành hấp dẫn và hùng hồn; do đó ông được mệnh danh là “tiếng chuông dạ tiệc” của Hạ viện. Khi ông đứng dậy nói, các thành viên khác húng hắng ho, nhốn nháo và có nhóm bỏ ra ngoài.

Dù bạn có thể dùng hết sức lực để ném một viên đạn bọc thép vào một người, bạn vẫn không thể làm cho áo quần người đó lủng lấy một lỗ. Thế nhưng, khi bạn bỏ thuốc súng vào phía sau một câu đèn cầy, bạn có thể thể bắn nó xuyên qua một tấm bảng bằng gỗ thông. Tôi lấy làm tiếc phải nói rằng rất nhiều bài diễn văn kiểu đèn cầy có thuốc súng lại tạo nhiều ấn tượng hơn bài nói chuyện kiểu bọc thép chẳng hề có khí lực gì đằng sau nó cả.

Do đó, hãy xem xét kỹ cách diễn thuyết của bạn.

Phát biểu là gì?

Một tiệm bách hóa thường làm gì khi họ “phân phối” món hàng mà bạn đã mua? Phải chăng bác tài xế cứ liệng bừa gói hàng xuống sân nhà bạn rồi để mặc nó như thế? Phải chăng chỉ đơn thuần lấy một vật ra khỏi tay thì cũng giống như phân phối nó? Cậu bé đưa thư mang theo bức điện tín và giao tận tay bức điện đó cho sở hữu chủ của nó. Nhưng phải chăng mọi diễn giả cũng làm thế?

Đây tôi xin nêu cho bạn một minh họa tiêu biểu cho phong cách mà theo đó hàng ngàn người thường diễn thuyết. Một dịp nọ tôi tình cờ dừng chân ở Mrren, một trung tâm nghỉ mát ở rặng Alps thuộc Thụy Sĩ. Tôi sống trong một khách sạn do một công ty ở Luân Đôn điều hành; và thường thường hàng tuần họ phái hai diễn giả từ Anh đến để nói chuyện với quý khách. Một trong các vị đó là một tiểu thuyết gia người Anh nổi tiếng. Chủ đề hôm đó củ bà là “Tương lai của Tiểu thuyết”. Bà thú nhận rằng bà đã không tự chọn đề tài này; và tắt một lời, bà ta chẳng có gì để nói về đề tài này. Vì thế bà ta hấp tấp chép vội vài điều rời rạc rồi ra đừng trước thính giả, bộ dạng xem chừng chẳng màng chi phối tới những người nghe, thậm chí còn chẳng buồn nhìn họ; lúc thì nhìn chằm chằm vào đầu họ, lúc lại nhìn vào các ghi chép, hoặc nhìn xuống sàn nhà. Cuộc nói chuyện thật nhạt nhẽo.

Kiểu diễn xuất như thế chẳng đáng gọi là diễn thuyết chút nào. Nó là một bài độc thoại. Nó không mang tính truyền đạt. Đó là điểm thiết yếu đầu tiên của một bài diễn thuyết hay: cảm giác truyền đạt. Thính giả phải cảm thấy có một thông điệp được phát triển từ trí tuệ và tâm hồn của diễn giả tới trí tuệ và tâm hồn của họ.

Vấn đề diễn đạt một bài diễn văn là một tiến trình vừa rất đơn giản nhưng lại vừa hết sức phức tạp. Nó cũng là một tiến trình bị nhiều hiểu lầm và lạm dụng.

Bí quyết để diễn đạt hay

Rất nhiều điều tầm phào và nhảm nhí đã được viết về phong cách diễn thuyết. Nó đã bị che khuất bởi những luật lệ và nghi thức đã trở nên bí ẩn. “Thuật diễn thuyết trước công chúng” cổ xưa, một sự ghê tởm được trước mắt Thiên chúa và con người, thường làm cho phong cách diễn thuyết thành kỳ quặc. Một thương gia, đi tới thư viện hoặc một hiệu sách bắt gặp những tập sách về “hùng biện” hoàn toàn vô ích. Cho dù có tiến bộ ở nhiều hướng khác, một số học sinh vẫn còn bị buộc phải học thuộc lòng “bài văn hùng biện” hoa mỹ của Webster và Ingersoll – một điều đã lỗi thời và đã bị thời đại tẩy chay giống như họ loại bỏ những chiếc mũ mà bà Ingersoll và bà Webster đã đội nếu như ngày nay chúng được hồi sinh.

Một trường phái về khoa nói trước công chúng hoàn toàn mới đã xuất hiện từ khi có cuộc Nội chiến. Để hợp với tinh thần của thời đại, khoa nói này mang tính trực tiếp như một bức điện tín. Những lời lẽ hoa mỹ có lúc đã là mốt thời thượng giờ đây không còn được thính giả của thời đại này chấp nhận nữa.

Thính giả ngày nay, bất kể là mười lăm người tại một hội nghị thương mại hoặc một ngàn người dưới một cái lều, đều mong diễn giả nói với họ một cách trực tiếp như khi nói chuyện gẫu với nhau và nói với họ theo phong cách thông thường như khi đàm thoại với một người trong nhóm của họ.

Theo cùng một phong cách nhưng không cùng một cường độ. Vì nếu diễn giả giữ cùng một cường độ, sẽ khó có ai chịu nghe ông ta. Để có vẻ tự nhiên, khi nói chuyện với bốn chục người ông ta phải năng động hơn khi nói chuyện với một vài người; cũng giống như một bức tượng trên nóc một tòa nhà, nó cần có kích cỡ đủ lớn để tạo ra một vóc dáng như thật trước con mắt của người quan sát dưới mặt đất.

Sau khi Mark Twain kết thúc bài diễn thuyết tại khu mỏ Nevada, một thợ mỏ lớn tuổi lại gần ông và hỏi: “Phải chăng đó là cung điệu hiểu biết tự nhiên của ông?”

Đó là những gì thính giả mong muốn: “Cung điệu hùng biện tự nhiên của ông,” mở rộng một chút.

Một chiếc cửa sổ hữu ích chẳng thu hút sự chú ý về cho chính nó. Nó hoàn toàn để ánh sáng lọt vào trong nhà. Một diễn giả giỏi cũng giống như thế. Ông tự nhiên đến độ thính giả không bao giờ chú ý tới phong cách của ông; họ chỉ chăm chú tới nội dung bài diễn văn của ông.

Lời khuyên của Henry Ford

“Mọi chiếc xe Ford đều giống nhau như đúc,” nhà chế tạo ra chúng từng phát biểu như thế, “nhưng hai người không bao giờ giống hệt nhau. Mọi sự sống mới đều là một vật mới dưới ánh mặt trời; trước kia không hề có gì giống nó, và sau này cũng sẽ chẳng có gì giống nó. Một bạn trẻ phải quán triệt ý tưởng đó về bản thân; bạn đó phải tìm ra tia lửa cá tính duy nhất vốn làm cho mình khác với những người khác, và phát triển nó vì nó là toàn bộ phẩm giá của mình. Xã hội và trường học có thể tìm cách dập tắt tia lửa đó; xu hướng của chúng là đúc tất cả chúng ta theo cùng một khuôn, nhưng tôi xin nói rằng đứng đánh mất tia lửa đó; nó mới thực sự khẳng định tầm quan trọng duy nhất của bạn.”

Tất cả những điều đó còn đúng gấp đôi đối với thuật nói trước công chúng. Không hề có một con người nào khác trên thế gian này giống bạn cả. Hàng trăm triệu con người có hai mắt, một mũi và một miệng; nhưng trong số đó chẳng có ai giống hệ bạn cả; không ai trong họ có các đặc điểm, phương pháp và đặc tính trí tuệ của bạn. Ít ai trong họ sẽ nói năng và diễn đạt giống như bạn khi bạn nói năng tự nhiên. Nói khác đi, bạn có một cá tính. Với tư cách là một diễn giả, thì cá tính quả là tài sản quý nhất của bạn. Hãy níu chặt lấy nó. Hãy mộ mến nó. Hãy phát triển nó. Nó chính là tia lửa tạo sức mạnh và sự chân tình cho phong cách diễn thuyết của bạn. “Nó mới thực sự khẳng định tầm quan trọng duy nhất của bạn.”

Oliver Lodge đã diễn thuyết khác với những người khác vì bản thân ông vốn khác họ. Phong cách diễn thuyết của một người chủ yếu là thành phần của cá tính riêng của người ấy giống như bộ râu và cái đầu hói của ông ta. Nếu ông cố bắt chước Lloyd George, ông đã trở nên giả dối và đã thất bại.

Những cuộc tranh luận nổi tiếng nhất được tổ chức tại Mỹ đã diễn ra vào nắm 1857 tại các thành phố vùng thảo nguyên bang Illinois giữa Thượng Nghị sĩ Stephen A. Douglas và Abraham Lincoln. Lincoln thì cao và vụng về. Douglas thì lùn và duyên dáng. Hai ông này khác nhau về tính tình, não trạng, tính cách và khuynh hướng y như họ khác nhau về thể chất.

Douglas là con người học thức. Lincoln là một công nhân đường sắt. Cử chỉ của Douglas thì thanh nhã. Cử chỉ của Lincoln lại lúng túng. Douglas thì hoàn toàn thiếu khôi hài. Lincoln lại là một trong những nhà kể chuyện vĩ đại nhất từ xưa tới nay. Douglas hiếm khi nở một nụ cười. Lincoln luôn sử dụng phép loại suy và minh họa trong khi lập luận. Douglas kiêu kỳ và hống hách. Lincoln từ tốn và bao dung. Douglas suy nghĩ nhanh như chớp. Tiến trình động não của Lincoln chậm rãi hơn nhiều. Douglas nói năng hùng hỗ như vũ bão. Lincoln nhỏ nhẹ hơn, trầm lắng hơn và khoan thai hơn.

Cả hai con người đó, cho dù họ không giống nhau, đều là những diễn giả tài ba vì họ có can đảm và ý thức rõ để trở thành chính mình. Nếu người này cố bắt chước người kia, chắc hẳn người đó sẽ thất bại thảm hại. Nhưng mỗi người, qua việc tận dụng tối đa những biệt tài, đã làm cho mình trở thành cá biệt và uy thế. Hãy đi và làm như thế.

Vạch ra một phương hướng như thế thì dễ. Nhưng liệu đi theo nó có dễ không? Chúng ta phải nhấn mạnh là không. Như Nguyên soái Foch nói về binh thuật: “Về khái niệm thì nó giản đơn, nhưng thực hiện thì nó lại vô cùng phức tạp.”

Để được tự nhiên trước thính giả chúng ta phải tập luyện. Các diễn viên biết điều đó. Hồi bạn là một cô hoặc một cậu bé bốn tuổi, nếu bạn thử, có thể bạn đã trèo lên một cái bục và “kể chuyện” trước thính giả. Nhưng khi bạn hai mươi bốn hoặc bốn mươi bốn, chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn leo lên một cái bục và bắt đầu diễn thuyết? Liệu bạn có giữa được vẻ tự nhiên tự phát bạn có hồi còn bốn tuổi không?

Vấn đề dạy hoặc đào tạo học viên về phong cách diễn thuyết không phải là việc chồng chất thêm các đặc điểm này nọ; phần lớn đây lại là loại bỏ bớt những chướng ngại, giải phóng học viên và làm cho họ nói năng một cách tự nhiên giống như họ té ra khi bị ai đó đánh họ ngã.

Hàng trăm lần tôi đã phải chặn ngang các học viên đang phát biểu và xin họ hãy “nói năng như một con người” - ấy là hãy đàm thoại với họ. Hãy tưởng tượng họ hỏi bạn một câu và bạn đang trả lời câu hỏi đó.

Sự chân tình, hăng say và tha thiết sẽ giúp bạn ăn nói tự nhiên.

Đó là bí quyết. Thế nhưng tôi biết lời khuyên như thế không được nhiều người ưa chuộng. Nó có vẻ mơ hồ. Học viên trung bình muốn có những quy tắc hết sức dễ hiểu. Một cái gì rõ ràng. Một cái gì anh ta có thể đặt tay lên. Nhưng chính xác y như những chỉ dẫn để điều kiển một chiếc xe hơi.

Đó là cái anh ta muốn. Đó cũng là cái tôi muốn cho anh ta. Nó vừa dễ cho anh ta vừa dễ cho tôi. Có những quy tắc như thế đấy, nhưng những quy tắc này chỉ khổ một nỗi: chúng không hiệu quả. Chúng đánh mất toàn bộ tính tự nhiên, sự tự phát, sức sống và tinh hoa của thuật diễn thuyết.

Bạn có thường làm những điều này khi nói trước công chúng?

Giờ chúng ta sẽ thảo luận một vài điểm đặc trưng của thuật nói tự nhiên nhằm làm cho chúng rõ thêm phần nào. Tôi thực sư phân vân trong khi làm công việc này, vì người ta rất có thể nói rằng: “Vậy, tôi hiểu rồi, chỉ cần ép mình làm những điều này là sẽ ổn thôi.” Không, bạn đừng làm thế. Vì ép mình như thế sẽ biến bạn thành buồn tẻ và máy móc.

Bạn đã sử dụng phần lớn nguyên tắc này ngày hôm qua trước cuộc đàm thoại của bạn, bạn đã sử dụng chúng một cách vô thức y như bạn tiêu hóa bữa ăn tối. Đó là cách sử dụng chúng. Đó là cách duy nhất. Và như chúng ta cũng đã nói, đối với việc diễn thuyết trước công chúng thì điều đó chỉ thành đạt nhờ luyện tập mà thôi.

Thứ nhất: Nhấn mạnh các từ quan trọng, coi nhẹ những từ không quan trọng

Trong khi nói chuyện, chúng ta nhấn mạnh một âm tiết trong một từ, và lướt qua những âm tiết khác giống như chiếc xe phát lương chạy qua một hàng dài người thợ. Đối với một câu, hầu như chúng ta cũng làm giống vậy. Chúng ta cũng đẩy một hoặc hai từ cao vút lên như tòa nhà chọc trời ở New York.

Tiến trình tôi đang mô tả thì không lạ hoặc khác thường gì cả. Hãy lắng nghe. Lúc nào bạn có thể nghe thấy nó diễn ra quanh bạn. Mà chính bạn đã làm điều đó đến cả trăm, có lẽ ngàn lần, và sẽ còn làm như vậy.

Đây là một ví dụ. Hãy đọc lời trích sau đây, nhấn mạnh các chữ hoa lớn. Lướt nhẹ qua các chữ khác. Rồi bạn xem tác dụng của nó thế nào?

Tôi đã THÀNH CÔNG trong bất cứ việc gì tôi đảm trách vì tôi đã NHẤT ĐỊNH làm điều đó. Tôi KHÔNG BAO GIỜ DO DỰ về thứ gì đem lại cho tôi LỢI THẾ hơn những con người khác.

(Napoleon)

Đây không phải là cách duy nhất để đọc những hàng chữ này. Có lẽ một diễn giả khác sẽ đọc khác. Không có quy tắc cứng nhắc về việc nhấn mạnh. Mọi sự đều tùy hoàn cảnh.

Hãy đọc lớn những đoạn văn này một cách nghiêm túc, cố làm cho các ý tưởng được trong sáng và thuyết phục. Bạn không thấy mình nhấn mạnh các từ lớn, quan trọng và lướt vội qua các từ khác sao?

Nếu bạn cho là mình chán nản, bạn sẽ như thế.

Nếu bạn cho là mình không dám, bạn sẽ như thế.

Nếu bạn muốn chiến thắng, nhưng lại cho là mình không thể, có một điều chắc chắn là bạn sẽ không thể.

Trận chiến của cuộc đời không luôn

Rơi vào tay kẻ mạnh hơn và nhanh hơn;

Nhưng sớm muộn kẻ thắng cuộc

Chính là kẻ cho là mình có thể thắng.

(Anon.)

Có lẽ không có một đức tính nào quan trọng hơn sự quả quyết. Cậu bé mà sau này sẽ trở thành một vĩ nhân, hoặc sẽ trở nên bề thế vào những năm cuối đời, phải quyết tâm không chỉ khắc phục hàng ngàn trở ngại, nhưng còn phải chiến thắng cho dù cả ngàn lần bị đẩy lùi và thất bại.

(Theodore Roosevelt.)

Thứ hai: Đổi giọng

Độ cao thấp của âm giọng khi nói chuyện không ngưng nghỉ y như mặt đại dương. Tại sao? Chẳng ai biết và cũng chẳng mấy ai quan tâm. Nó tạo ra một cảm giác dễ chịu, và đó là phong cách tự nhiên của chúng ta. Chúng ta chẳng bao giờ phải học cách làm điều đó: nó đến với chúng ta khi chúng ta còn là những đứa trẻ, chẳng cần kiếm tìm và chẳng cần quan tâm, nhưng khi chúng ta đứng dậy và đối diện với một khối thính giả, giọng nói của chúng ta rất có thể trở nên tẻ nhạt, lè nhè và đều đều như những sa mạc kiềm của bang Nevada.

Khi bạn thấy mình nói với một giọng đều đều – và thường là cao – hãy ngưng một lạt và tự nhủ: “Tôi đang nói giống như một người không hồn. Hãy nói chuyện với thính giả. Hãy thật là người. Hãy tự nhiên.”

Tự nhủ như thế liệu giúp được gì cho bạn không? Có lẽ chút ít. Chính sự tạm dừng đó sẽ có lợi cho bạn. Bạn phải tìm ra con đường cứu thoát riêng nhờ luyện tập.

Bạn có thể chọn bất cứ cụm từ hay chữ nào và làm cho nó nổi bật lên như cây nguyệt quế xanh tươi đang đứng sừng sững ở sân trước bằng cách bỗng dưng bạn hạ thấp hoặc nâng giọng khi đọc tới nó. Tiến sĩ S. Parkes Cadman thường làm điều đó. Oliver Lodge, Bryan và Roosevelt cũng vậy. Và hầu như mọi diễn giả lỗi lạc đều làm thế.

Bạn hãy cố nói những từ in nghiêng trong những trích đoạn sau đây bằng giọng thấp hơn so với những từ còn lại. Tác động sẽ ra sao?

Tôi chỉ có một ưu điểm thôi, đó là không bao giờ thất vọng.

(Nguyên soái Foch.)

Mục đích cao cả của giáo dục không phải là kiến thức, nhưng là hành động.

(Herbert Spencer.)

Tôi đã sống được tạm mươi sáu tuổi. Tôi đã chứng kiến hàng trăm conng leo lên bục thành công. Và trong các yếu tố quan trọng để thành công, quan trọng nhất là niềm tin.

(Hồng Y Gibbons.)

Thứ ba: Thay đổi tốc độ khi nói

Khi một em bé nói, hoặc khi chúng ta trò chuyện bình thường, chúng ta liên tục thay đổi tốc độ. Nó tạo cảm giác dễ chịu và tự nhiên. Quả thật, nó là một trong những cách tốt nhất để làm cho một ý tưởng được nổi bật.

Walter B. Stevens, trong cuốn Reporter’s Lincoln của ông, do Hiệp hội Lịch sử Missouri phát hành, cho chúng ta biết rằng đó là một trong những phương pháp mà Lincoln ưa chuộng để đạt mục đích:

Ông thường nói vài từ với tốc độ hết sức mạnh, và rồi khi tới từ hoặc cụm từ mà ông muốn nhấn mạnh, giọng ông chậm lại và nhấn mạnh trên từ hay cụm từ đó, và rồi ông lướt tới cuối câu nhanh như một tia chớp… Thời gian ông dành cho một hay hai chữ mà ông muốn nhán mạnh thì cũng nhiều bằng thời gian ông dành cho năm bảy từ tiếp theo kém quan trọng hơn.

Một phương pháp như thế lúc nào cũng thu hút sự chú ý. Tôi xin minh họa: khi diễn thuyết trước công chúng tôi thường trích câu nói sau đây của Hồng Y Gibbons. Tôi muốn nhấn mạnh ý tưởng can đảm; do đó tôi chậm rãi khi phát biểu những từ in nghiêng, tôi làm cho chúng được nổi bật lên và tôi nói như thể chính tôi cũng bị hút hồn –và tôi bị hút hồn thiệt. Xin bạn đọc lớn đoạn này, có áp dụng cùng phương pháp ấy và lưu ý xem kết quả ra sao.

Trước khi chết một thời gian ngắn, Hồng Y Gibbons có nói: “Tôi đã sống được tám mươi sáu tuổi. Tôi đã chứng kiến hàng trăm con người leo lên bục thành công. Và trong các yếu tố quan trọng để thành công, quan trọng nhất là niềm tin. Không ai thành đạt cao nếu người đó không can đảm.

Hãy làm thử điểu này: hãy nói “ba chục triệu mỹ kim” thật nhanh và bằng một giọng điệu coi rẻ để có vẻ đó chỉ là một số tiền nhỏ nhoi. Rồi, hãy nói “ba chục ngàn mỹ kim;” một cách chậm rãi và tâm tình; hãy nói như thể bạn vô cùng sững sờ về mức độ to tát của món tiền đó. Chẳng phải là đã làm cho ba chục ngàn mỹ kim thành lớn hơn ba chục triệu mỹ kim?

Thứ tư: Ngừng một chút trước và sau những ý quan trọng

Lincoln thường ngừng một chút trong lúc diễn thuyết. Khi ông nói tới một ý quan trọng mà ông muốn gây ấn tượng sâu sắc nơi thính giả, ông ngả người ra phía trước, nhìn thẳng vào mắt thính giả một lát và không nói gì cả. Sự lặng thinh bất chợt này cũng có tác động như một tiếng động bất ngờ: nó thu hút sự chú ý. Nó làm cho mọi người chăm chú, cảnh tỉnh, ý thức tới những gì sẽ tiếp diễn. Ví dụ, khi các tranh luận của ông với Douglas sắp kết thúc, khi đã có mọi dấu hiệu cho thấy trước sự thất bại của ông, ông bắt đầu chán nản, tính u sầu muôn thuở của ông đôi lúc lặng lẽ xâm chiếm ông, và mang lại cho những lời lẽ của ông một sự rung động. Trong bài diễn văn đúc kết, ông bỗng dưng “ngừng lại và đứng lặng thinh một lát, nhìn quanh đám đông gồm những khuôn mặt nửa dửng dưng, nửa thân thiện phía trước mặt bằng một cặp mắt sâu hoắm, rã rời xem chừng như lúc nào cũng đầy những giọt lệ không bao giờ rơi. Nắm chặt đôi bàn tay, như thể chúng đã quá chán chường với cuộc chống chọi vô hiệu, ông đã phát biểu bằng một giọng đều đều khác thường: “Thưa quý vị, việc ông Judge Douglas hoặc chính tôi được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ thì không mấy hoặc rất ít quan trọng; nhưng thực ra vấn đề lớn mà hôm nay chúng tôi vừa trân trọng trình bày cùng quý vị thì vượt lên trên bất cứ lợi ích cá nhân hoặc vận may chính trị của bất cứ ai. Và thưa quý vị,” tới đây ông lại ngừng lại một lát, và thính giả chăm chú tới từng lời của ông, “vấn đề đó sẽ vẫn tồn tại, vẫn hít thở và vẫn bốc cháy khi mà miệng lưỡi nghèo nàn, kém cỏi và cà lăm của ông Judge Douglas và của chính tôi im hơi lặng tiếng nơi đáy mồ.”

“Những lời lẽ dung dị này,” một trong những người viết tiểu sử của ông kể lại, “và phong cách chúng được nói, đã làm cho mọi người hết sức cảm kích.”

Lincoln cũng ngừng một lát sau những cụm từ mà ông muốn nhấn mạnh. Và để thêm phần tác động, ông thường thinh lặng trong khi ý nghĩa của những từ này lắng đọng và phát huy hiệu quả.

Oliver Lodge cũng thường ngừng một lát trong khi diễn thuyết, trước và sau những ý quan trọng; có khi ông ngừng tới ba hoặc bốn lần trong một câu, nhưng ông làm một cách rất tự nhiên và vô thức. Không ai lưu ý tới điều này nếu người đó không phân tích các phương pháp của ông.

Kipling nói: “Bạn sẽ nói qua sự thinh lặng của bạn.” Quả thật, không đâu sự thinh lặng lại quý giá hơn khi nó được sử dụng một cách sáng suốt trong diễn thuyết. Nó là một công cụ đầy uy lực, quan trọng đến độ chúng ta không thể bỏ qua, thế nhưng diễn giả mới vào nghề lại hay hững hờ với nó.

Trong đoạn sau đây trích từ cuốn Ginger Talks của Holman, tôi đánh dấu những chỗ mà một diễn giả có thể tùy nghi ngừng lại một lát. Tôi không muốn nói rằng đó là những chỗ duy nhất mà diễn giả có thể ngừng lại, hoặc thậm chí đó là những chỗ tốt nhất. Tôi xin nói rằng đó chỉ là một cách để làm việc này. Ngừng ở chỗ nào thì không phải là một vấn đề của những quy luật bất biến. Nó thuộc về ý nghĩa của bài diễn văn, và tính khí cùng tâm tình của diễn giả. Trong cùng một bài diễn văn, bữa nay bạn có thể ngừng ở chỗ này và bữa mốt bạn lại có thể ngừng ở một chỗ khác.

Hãy đọc lớn tiếng trích đoạn này mà không ngừng nghỉ; sau đó đọc lại và ngừng ở những nơi tôi ghi dấu. Bạn hãy xem tác động của những lần ngưng đó ra sao nhé.

“Bán hàng quả là một cuộc chiến” (ngừng và để cho ý tưởng cuộc chiến ngấm sâu) “và chỉ những kẻ chiến đấu mới có thể chiến thắng trong cuộc chiến đó.” (ngừng và để cho điểm đó thấm sâu.) “Có thể chúng ta không ưa gì những tình trạng này, nhưng chúng ta không tạo ra chúng và chúng ta cũng không thể thay đổi chúng.” (ngừng) “Hãy mang theo lòng can đảm khi bạn gia nhập cuộc chơi buôn bán này.” (Ngừng.) “Nếu bạn không đem theo.” (ngừng và bỏ lửng một lát) “bạn sẽ thất bại mỗi khi bạn gặp một thử thách gay go, và bạn chẳng bao giờ ghi được điểm cao hơn một chuỗi trứng ngỗng.” (ngừng.) “Kẻ sợ đóng vai cầu thủ ném bóng sẽ chẳng bao giờ thực hiện được một cú ném ghi ba điểm” (ngừng và để cho quan điểm của bạn ngấm sâu) – “xin ghi nhớ điểm đó.” (ngừng và để cho nó ngấm sâu thêm.) “Anh chàng đánh văng được cái che banh hoặc nâng nó qua hàng rào để chạy cú ăn điểm trực tiếp chính là anh chàng đã tiến tới điểm phát bóng” (ngừng và bỏ lửng thêm để thính giả đón nhận những gì bạn sẽ nói về cầu thủ phi thường này) “với một sự quyết tâm không hề lay chuyển trong lòng anh ta.”

Hãy đọc lớn tiếng những lời trích sau đây và đọc với đầy khí lực và ý nghĩa. Hãy lưu ý xem bạn ngừng ở đâu cho được tự nhiên.

Sa mạc lớn nhất của Mỹ không nằm ở Idaho, New Mexico hay Arizona. Nó nằm bên dưới chiếc mũ của một con người bình thường. Sa mạc lớn của Mỹ là một sa mạc tinh thần hơn là một sa mạc vật chất.

(J.S. Knox.)

Chẳng có thuốc bách bệnh để trị các căn bệnh của con người; phương thế gần gũi thuốc bách bệnh nhất chính là quảng cáo.

(Giáo sư Foxwell.)

Có hai người tôi phải làm hài lòng – Thượng đế và Garfiedld. Tôi phải sống với Garfield trong cõi đời này, và với Thượng đế trong cõi đời sau.

(James A. Garfield.)

Một diễn giả dù theo những chỉ dẫn mà tôi đã ghi lại trong chương này vẫn có thể còn gặp phải muôn vàn sai sót. Ông ta có thể nói trước công chúng cũng giống như trong một cuộc đàm thoại và do vậy, ông ta có thể nói bằng một giọng khó nghe, có thể phạm các lỗi ngữ pháp, có thể tỏ ra vụng về, chướng tai gai mắt và gây ra nhiều điều khó chịu. Cách thức nói năng tự nhiên thường ngày của chúng ta cần phải được cải thiện rất nhiều. Hãy hoàn hảo hóa cách nói chuyện hàng ngày của bạn, và khi đó bạn mới có thể đem nó lên diễn đàn.

Tóm lược

1. Bên cạnh các từ ngữ đơn thuần còn có m cái gì đó thật sự có giá trị. Đó chính là cái hương vị trong đó những từ ngữ này được phát biểu. “Điều bạn nói ra sẽ không nhiều giá trị như cách thức bạn nói ra điều đó.”

2. Nhiều diễn giả chẳng màng chi tới thính giả, họ chỉ nhìn chằm chằm vào đầu những người nghe hoặc nhìn xuống sàn nhà. Có vẻ họ đang trình bày một bài độc thoại. Vì chẳng mang ý nghĩa truyền đạt, nên giữa thính giả và diễn giả chẳng ai cho mà cũng chẳng ai nhận gì. Xử sự như thế chỉ tổ làm hỏng một cuộc đàm thoại; và nó cũng làm hỏng cả một bài diễn thuyết nữa.

3. Phong cách diễn thuyết hay thì có giọng đối thoại và tính trực tiếp mở rộng.

4. Mọi người đều có khả năng diễn thuyết. Nếu bạn thắc mắc về lời phát biểu này, chính bạn hãy thử xem; hãy xô té một người ngu xuẩn nhất mà bạn biết; khi anh ta đứng dậy được, có lẽ anh ta sẽ nói một vài điều, phong cách nói năng của anh ta lúc đó hầu như rất hoàn hảo. Chúng tôi muốn bạn mang theo cùng một sự tự nhiên đó khi bạn nói trước công chúng. Để phát triển tính tự nhiên này, bạn phải luyện tập. Đừng bắt chước người khác. Nếu bạn ăn nói một cách tự phát, bạn sẽ nói khác hẳn bất cứ ai trên đời này. Hãy lồng tính cá biệt của bạn, phong cách đặc trưng của bạn vào trong bài diễn văn của bạn.

5. Hãy nói với thính giả như thể bạn mong đợi họ đừng lên một lát và nói lại với bạn. Nếu như họ đứng lên và đặt ra cho bạn vài câu hỏi, phong cách diễn thuyết của bạn chắc chắn sẽ được cải thiện. Do vậy, hãy tưởng tượng rằng có người hỏi bạn một câu, và bạn đang đáp lời. Hãy nói lớn tiếng, “Bạn hỏi tôi làm thế nào mà tôi biết được điều này phải không? Tôi sẽ nói cho bạn.” Sự việc thuộc loại đó sẽ có vẻ rất tự nhiên; nó sẽ đánh tan tính hình thức của cách dùng từ của bạn; nó sẽ hâm nóng và nhân bản hóa phong cách diễn thuyết của bạn.

6. Hãy để tâm vào bài diễn văn của bạn. Tính chân thành mang theo xúc cảm thực sự sẽ giúp bạn nhiều hơn toàn bộ những luật lệ.

7. Đây là bốn điều mà tất cả chúng ta thực hiện một cách vô thức trong cuộc đàm thoại đúng nhất. Nhưng bạn có thực hiện những điều này khi nói trước công chúng không? Hầu hết các diễn giả không làm điều này.

a. Bạn có nhấn mạnh các từ quan trọng và coi nhẹ các từ không quan trọng trong một câu không? Bạn có chú ý hơn kém đồng đều đối với hầu như mọi từ kể các từ cái, và, nhưng.

b. Khi chúng ta nói chuyện, giọng của chúng ta lên lên xuống xuống – như giọng của một đứa bé khi nói nói chuyện không?

c. Bạn có thay đổi tốc độ nói, lướt nhanh qua những từ không quan trọng, và chậm rãi hơn khách hàng nói những từ mà bạn muốn nêu bật không?

d. Bạn có ngừng một lát trước và sau những ý quan trọng của bạn không?


Kỳ trước (9) . . . Kỳ tiếp theo (11)

Không có nhận xét nào: