CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI BLOG PVM

"Cuộc đời hôn lên tôi bằng nỗi đau thương và buộc tôi phải đáp lại bằng lời ca tiếng hát" R. TAGORE


Trang đồng tác giả:
http://www.phantichkinhte123.com



Email của PVM:
minhphamvan2008@gmail.com
PHẠM VĂN MINH

13 thg 12, 2011

TÔI ĐI ... DU LỊCH (Kỳ 1, Thiền viện Hương Nghiêm)

Ba tháng thử thách cho công việc bán thời gian qua đi, để kết thúc những chuỗi ngày dài ngụp lặn giữa bể việc đó, tôi dành nguyên một ngày Chủ nhật để viếng thăm các Thiền viện (Hương Nghiêm, Thường Chiếu, Linh Chiếu) ở Đồng Nai với mong mỏi thanh tẩy mọi ô trược đeo đẳng trong tâm trí xưa vốn dĩ rất bình yên này. Công việc là cần thiết, lao động là đúng đắn và chúng ta cần phải làm việc để sống, tuy nhiên đó không phải là tất cả, đặc biệt là những việc làm thêm. Khi làm thêm, chúng ta có thêm thu nhập, trang trải tốt hơn cho đời sống thị thành tấp nập này và có một chút ít tiền dự phòng cho tương lai, cho những lúc ốm đau và đặc biệt là có thêm tiền để mua sách, cafe và du lịch, tuy nhiên công việc làm thêm hầu như ngốn hết thời gian của chúng ta, kể cả thời gian riêng tư, một mình và thời gian để … ngủ.

Tôi đặc biệt yêu thích du lịch, đời tôi gắn liền với núi non, sông hồ, bến bãi. Sống để làm một kẻ lữ hành giữa mây trời gió bể, ngao du khắp miền tứ xứ thật là một diễm phúc và thường khi tôi tưởng tượng đó mới chính là công việc chính của tôi trên cõi đời này, còn việc làm là phụ thôi, phụ thêm vào cái chính đó để bức tranh có tên gọi CUỘC ĐỜI đó thêm sinh khí, ấn tượng vì ít nhất tôi có thể tạo ra được những của cải có thể đo lường, thẩm định được. Tôi đi du lịch là để học vẽ tranh, để thỏa sức sáng tạo dù đi giữa thanh thiên bạch nhật, mọi tạo vật đều sờ sờ trước mặt. Du lịch hay viếng thăm các nơi chốn linh thiêng luôn còn mang đến cho mình nhiều suy nghiệm, vài cơ hội hiếm hoi trong đời sống được lặng yên, bình thản, không toan tính, nghĩ lo… Du lịch giúp mình vượt lên cái thường nhật, cái tầm thường, cái đương nhiên, nên đó là một dịp để hiểu thêm về chính mình và người khác, những người cùng đi, những người mới gặp, họ ở đâu đó dọc đường, ven sông, bìa rừng, bến chợ… Tất cả họ dù là lãng đãng giữa cuộc đời ta vẫn là những điểm nhấn quan trọng trong bức tranh sơn thủy hải hà, mang tên ĐỜI SỐNG. Tôi đi du lịch là để yêu hơn con người và đặc biệt, yêu hơn chính mính.

Đợt này tôi đi cùng những người bạn, họ là những học trò và vợ tôi. Mỗi người một vẻ, họ mang theo hành trình của mình một cuộc tìm kiếm, khá riêng tư, để thỏa mãn trí tò mò tuổi trẻ, để thấy những điều mới lạ, để tìm kiếm một cảnh quan mới, một thế giới khác. Riêng tôi, tôi về thăm Thầy tôi, tổ sư Thiền. Ba Thiền Viện, ba biến thể của một thế giới mà Thầy đã gieo vào hậu thế, một hạt mầm có sức sống phi thường mà từ đó thế giới có thêm nhiều hoa thơm và chim chóc líu lo ca hát. Ai biết quy hồi, biết nhìn lại hẳn phải biết trong chính mình có rất nhiều hạt ngọc quý giá. Thâm tâm con người chứa tất cả đất đai phù sa cho mọi hạt mầm, tốt cũng như xấu. Vì vậy, quay về tức là tìm lại, là lựa chọn những hạt mầm thích hợp để gieo vào cánh đồng hiện tại và hi vọng một tương lai bội gặt. Cho nên du lịch về các đền đài, chùa chiền, thiền viện luôn cho tôi một cơ hội nhìn lại mình trong một sự phản chiếu trong trẻo nhất, qua gương của những Người Thầy chứng ngộ.

Sáng sớm Chủ nhật, lúc 5h30, chúng tôi hẹn nhau ở cổng nhà trọ của tôi ở quận 2 để cùng đi về hướng phà Cát Lái, một buổi sáng thật dễ chịu, trời se lạnh với chút gió dịu dàng. Chúng tôi, hai người một xe máy, chạy đến Cát Lái và cùng qua phà lúc người khá đông. Gió sông thật êm dịu, tôi tranh thủ ngồi trên xe đọc sách, những cuốn sách về Phật giáo bỏ túi mà các thầy ở Thiền viện Thường Chiếu đã tặng tôi vào đợt đi bộ về Vũng tàu vào tháng 8. Viếng thăm các Thiền viện và đọc sách Phật giáo, một sự kết hợp tuyệt vời, chưa bao giờ tôi cảm giác thích thú như vậy. Tôi vốn dĩ yêu thích Thiền như thích một người yêu, một đối tượng bị cách chia để thỏa mãn tâm trí hơn là một sự hòa mình hoặc hội nhập trọn vẹn để không còn sự chia cách nào nữa. Vì vậy, tình yêu đó không sâu đậm, ngoài rìa, bên lề. Hôm đó thì khác, tôi thấy mình hòa nhập được, với ngọn gió trên sông, với khói xe, tiếng còi phà và cả tiếng người xa lạ. Một phút rùng mình bất ngờ và kỳ lạ. Đời tôi đã nhiều lần cảm thấy cõi sống này hầu như vượt quá tầm tay, không nắm bắt được, bị lỡ nhịp, trễ hẹn, muộn màng,… nay thật hết sức gần gũi, thân quen, đầy tình bằng hữu. Cũng khúc sông này, bến phà này nhưng tôi đã khác xưa, một sự khởi đầu tốt cho việc gieo mầm Thiền vào đời sống của tôi trở lại.

Qua phà Cát Lái, thiền viện đầu tiên mà tôi viếng thăm là Hương Nghiêm([1]). Thiền viện này xưa vốn là một cù lao, xung quanh là dòng sông hiền hòa Giồng Sắn và ruộng đồng bao la. Khách thập phương muốn viếng thăm gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại vì lúc đó Thiền viện phải sử dụng đò và sà lan nhỏ để đưa họ qua sông. Năm 2009, phật tử khắp nơi đã góp sức xây chiếc cầu treo nhỏ nhắn, dễ thương để nối đôi bờ, giúp người qua sông nhẹ đi nỗi lo giữa sông nước trong những ngày giông gió. Chúng tôi qua cầu trong một niềm vui lâng lâng khó tả bởi vì tôi được biết ba mẹ của một người học trò trong nhóm cùng đi đã có đóng góp để xây chiếc cầu này. Tôi thầm cảm ơn những con người đã chung tay góp sức dựng lên những chiếc cầu như thế ở khắp mọi nơi trên thế gian. Thân phận nghề dạy học của tôi, một mặt nào đó, cũng giống như một cây cầu, hiện hữu để được người khác (học trò) vượt qua. Trong khung cảnh trữ tình này, tôi cũng chợt nhớ bài hát “Tạm biệt Huế” của cố nhạc sĩ Xuân An phổ thơ Thu Bồn: “nhịp cầu cong mà con đường thì thẳng, một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu, con sông dùng dằng con sông không chảy, sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu…”. Cây cầu này, con sông này có sức gợi nhớ lạ lùng, một cõi quê xa ùa về ngập tràn tâm trí, hơi lạnh len vào buồng phổi, khẽ rùng mình như buổi sớm mai trên đất đai quê hương.

Chúng tôi chạy thẳng qua cầu, vô tới cạnh thiền đường, dừng xe bên đám cỏ lưa thưa. Trời hôm đó vẫn giữ nguyên nét cũ của một sớm tinh mơ trong vắt, chút hơi sương, chút gió và không nắng. Không gian nơi đây như lắng đọng, cây cỏ im lìm, lá vàng khô đầy ngõ, chưa được quét dọn, tôi hơi khó chịu với sự “bỏ bê” này, về sau tôi mới biết là “giờ nào việc nấy”, họ sẽ quét lá và dọn dẹp đúng giờ đã định, tất cả đều tươm tất, có sự dụng tâm sắp đặt. Chúng tôi tìm gặp thầy Q.Q để chào vì thầy và T. (cùng đi) vốn đã biết nhau từ trước, cũng là cái duyên góp sức xây cầu của gia đình T. mà tôi vừa kể trên đây. Sau một làn khói xa và vài lối nhỏ, chúng tôi vào am thất của thầy, thầy còn trẻ, trạc tuổi tôi, thầy rất vui mừng khi thấy chúng tôi ghé thăm. Am thất của thầy khá đơn sơ, trước am là một cái hồ nhỏ với hòn non bộ, hoa súng tím và cỏ xanh. Chúng tôi được thầy mời trà và dùng điểm tâm. Chúng tôi vui mừng với lời mời này vì trước khi ra đi chúng tôi đã định sẵn tâm trạng “ăn chùa” cả ngày rồi.

Dù tôi là một Phật tử nhưng tôi vẫn rất hiếm khi đến chùa. Mọi thứ tôi hiểu về Phật giáo và Thiền đều là tự mình nghiên cứu sách vở. Nay có cơ hội để hiểu thêm về những sinh hoạt của chốn Thiền, tôi lấy làm lý thú. Bữa điểm tâm được bày biện với sự cộng sức của các học trò và vợ tôi, mì gói với ít rau và ớt mọi vẫn chứa chan tình cảm. Chúng tôi ăn rất ngon lành với mồ hôi lả chả vì vị cay của “ớt chùa”. Xong đâu vào đấy, các em phụ dọn dẹp và ra cốc cạnh nhà ăn để uống trà, bên một hồ rất nhiều cá, trông rất dân dã. Tôi tiếp chuyện với thầy T.N (trụ trì thiền viện Hương Nghiêm), trong khi các học trò tôi đi xung quanh để khám phá thiền viện. Tách trà, ghế đá, khúc sông, thầy T.N và tôi như hai người bạn trò chuyện, tâm tình. Tôi hỏi thầy T.N về hoàn cảnh thầy đến với cửa Thiền và những “biến động” trong cuộc đời đi tu của thầy. Thầy kể cho tôi nghe vài chuyện, thỉnh thoảng thầy “điều phối” các đệ tử dọn dẹp, sắp đặt mọi thứ. Cuộc nói chuyện kéo dài chừng 20 phút thì các học trò và vợ tôi cùng vào uống trà, đông người hơn, chúng tôi chỉ bông đùa để làm cho không khí nhộn nhịp hơn một tí. Chúng tôi xin phép thầy để viếng thăm xung quanh thiền Viện. Thầy Q.Q dẫn chúng tôi đi và giới thiệu về lịch sử của Hương Nghiêm, về quá trình mở rộng “biên cương” từ xưa cho đến ngày nay, diện tích hiện tại chừng 8000m2. Chúng tôi biết thêm nhiều thứ về lịch sử vùng đất này, đặc biệt là lịch sử của dòng sông Giồng Sắn nhỏ nhắn, hiền hòa, nơi lưu giữ nhiều thân người ngã xuống do bom đạn chiến tranh. Cái bia tưởng niệm cũ kỹ hướng ra ngã ba sông là một bằng chứng còn lưu lại đến ngày nay. Chúng tôi biết thêm một vài thông tin rất thú vị vì thầy Q.Q và thầy trụ trì có mối quan hệ rất khắng khít về huyết thống. Chúng tôi không hỏi nhiều về điều này, nhưng rõ ràng qua việc này, tôi thấy Phật giáo thật cởi mở và bao dung. Chúng tôi tiếp tục đi bộ qua cầu để xuống con đò nhỏ, tôi định bụng cho mọi người cùng chèo để hiểu cảm giác lênh đênh sóng nước là như thế nào, nhưng khi chúng tôi lên đò thì chiếc đò chòng chành, gần ngập nước do sức nặng của năm sáu nhân mạng, tôi không thể nào mạo hiểm nên quyết định đẩy đò vào bờ. Qua đó, tôi mới hiểu hơn những con người vì mưu sinh mà phải lênh đênh trên sóng nước, qua những ngày mưa bão. Chúng tôi vào lại con đường cũ, bây giờ đã được các “đệ tử” quét dọn sạch sẽ, và tiếp tục nói chuyện, đùa vui cùng với thầy Q.Q. Trước khi chia tay để tiếp tục hướng về Long Thành để viếng thăm Thường Chiếu, Linh Chiếu, chúng tôi được thầy T.N tặng sách về Thiền, trong đó có một cuốn sách mỏng của Bác sĩ TS. Đỗ Hồng Ngọc mang tựa đề Thiền và Sức khỏe, một tiếp cận rất khoa học và nhiều hữu ích, và nhiều sách của Hòa Thượng Thích Thanh Từ. Chúng tôi rất cảm động với tấm lòng của thầy T.N. Trước khi chia tay, tôi còn kịp ra vườn hái sơ-ri để mọi người cùng ăn. Chúng tôi chia tay trong quyến luyến vì ai cũng muốn có thêm thời gian để vui chơi ở nơi này. Tôi và thầy Q.Q trao nhau số điện thoại, hẹn một ngày gần đây sẽ đến thăm nhau. Sau khi tôi viết song những dòng này, tôi sẽ thực hiện lời hứa của mình với vài người bạn kết hợp với việc thăm viếng nhiều thiền viện khác mà trước đây tôi chưa từng đặt chân đến.

Chúng tôi lên xe máy đi vào trung tâm Thị trấn Nhơn Trạch thì đã giữa trưa, trên còn đường quen thuộc mà trước đây chúng tôi đã từng chinh phục bằng chân trần giữa nắng mưa về Vũng Tàu mấy tháng trước. Chúng tôi thẳng hướng tiến về thiền viện Thường Chiếu….

Còn tiếp…



[1] Thiền viện Hương Nghiêm tọa lạc trên cù lao ấp Bến Đình, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

18 nhận xét:

doraemon25 nói...

Hu... đọc đã quá thầy ơi!
Mà các thầy vẫn có số điện thoại để trao nhau ha thầy, hihi :D

PHẠM VĂN MINH nói...

Các thầy "cao tăng" sử dụng điện thoại đúng mục đích nên họ được tự do thông tin, tự kiểm soát là chính.

doraemon25 nói...

À, tại như hồi đi Vũng Tàu, mấy thầy không có được xài di động, hihihi

PHẠM VĂN MINH nói...

Điện thoại chỉ là công cụ, phương tiện thôi mà em. Biết sử dụng phương tiện tốt thì sẽ mau "giải thoát".

Dùng điện thoại gọi trước hỏi đường về "tịnh độ" còn bao xa, có ổ gà ổ vịt ổ heo ổ voi không cũng tốt chứ bộ. :D

doraemon25 nói...

Hahaha... Em hiểu việc sử dụng thông minh các công cụ chứ... Nhưng em chưa biết là công dụng nó có thể tốt đến vậy!

Dieu Linh nói...

Nam mô a di đà phật

Dieu Linh nói...

Em cũng mong mình còn ở Miền Nam để có thể đi du lịch với anh trai.

PHẠM VĂN MINH nói...

Cảm ơn em, vài bữa rảnh vô Xì Gòn chơi nghe, vô đây đi Thiền viện ...

Nặc danh nói...

Thay co nhung hoat dong rat hay... mang nhieu gia tri ve loi song, tu tuong va dac biet la rot rua nhung vuong ban cua cong viec...
P.s: Hen thay va cac ban Smile group 1 ngay cafe bet truoc Tet ta!
Duc Thu

PHẠM VĂN MINH nói...

Thầy đã về Huế được 2 hôm rồi, hẹn em dịp khác vậy. Chúc em và gia đình một mùa xuân yên vui và Tết ấm cúng.

Nặc danh nói...

Chúc thầy và gia đình một năm an khang thịnh vượng, mạnh khỏe, thành công, vẫn giữ được cái chất và lửa của cánh chim đầu đàn Smile Group. Chúc các bạn SG tươi trẻ, đam mê và đầy nhiệt huyết để tham gia vào các sự kiện, chuyến đi về cội nguồn (Đi bộ lên Đà Lạt nhá)
Thân
D.T

PHẠM VĂN MINH nói...

Cảm ơn em, chúc em sức khỏe và gặp nhiều may mắn trong năm mới.

doraemon25 nói...

Đã ở cội nguồn rồi anh Thư ơi, hehehe...
Năm mới vui vẻ nha cả nhà!!!

Nặc danh nói...

Cám ơn M, mình vẫn theo đọc nhiều bài viết của M, dù rất bận, dạo ni công việc của L đi nhiều, muốn ngạt thở, hẹn với lòng sẽ ghé khu nhà trọ uống cf, tâm sự nhiều hơn nhưng chưa có dịp... Thân chúc sức khỏe cả nhà nghe!
Bảo Long

PHẠM VĂN MINH nói...

Cảm ơn Long nhiều, hẹn gặp tại "tệ xá" của "tại hạ" vậy. :D. Chúc sức khỏe!

nhox xinh nói...

Chào thầy Phạm Văn Minh, em nghe nói Thiền Viện Hương Nghiêm này có 1 vị thầy nói rất hay về duyên số có phải không ak? Vậy thì em ko bjk Thời gian nào trong ngày đến đó mới gặp được th ấy ak? và phải nói cảnh vật sông nước làm e cũng rất thích, mong Thầy cho em vài ý kiến nhe!

PHẠM VĂN MINH nói...

Chào Nhox xinh, quả thật thầy không rõ về điều này, vì khi thầy đến thăm chùa thì duyên thầy đã định rồi. :D Em tìm hỏi các bậc cao nhân trên internet xem sao.

Nặc danh nói...

Typically, a Welcome supply will match a percentage of the player’s deposit in bonus funds, which have to be turned over a number of|numerous|a selection of} times earlier than they are often withdrawn. Live shows are comparatively new additions 온라인카지노 to on-line casinos, but they are absolutely right here to remain. These video games supply gameplay that’s just like popular TV recreation shows, like Wheel of Fortune and Deal or No Deal. Check out Crazy Time, Monopoly Live, Dragon Tiger, Mega Ball and Gonzo’s Treasure Hunt. Every Live Casino recreation in our portfolio is hosted by a professional live vendor, who manages the table and oversees the gameplay. Many of our tables supply limitless seating, and people that do not usually supply the choice to guess behind instead.