CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI BLOG PVM

"Cuộc đời hôn lên tôi bằng nỗi đau thương và buộc tôi phải đáp lại bằng lời ca tiếng hát" R. TAGORE


Trang đồng tác giả:
http://www.phantichkinhte123.com



Email của PVM:
minhphamvan2008@gmail.com
PHẠM VĂN MINH

26 thg 10, 2010

PHÁT TRIỂN LÒNG TỰ TIN VÀ TẠO ẢNH HƯỞNG BẰNG DIỄN THUYẾT (Kỳ 4)

CHƯƠNG 2

LÒNG TỰ TIN QUA SỰ CHUẨN BỊ

Vừa là bổn phận nghề nghiệp vừa là niềm vui của tác giả khi nghe và bình phẩm xấp xỉ sáu ngàn bài diễn văn một năm vào mỗi mùa kể từ năm 1912. Các bài diễn văn này được thực hiện, không bởi sinh viên đại học, nhưng bởi những con người trưởng thành có nghề nghiệp và đang kinh doanh. Điều mà kinh nghiệm khắc ghi sâu sắc nhất trong tâm trí học chắc hẳn là: nhu cầu cấp thiết phải soạn trước khi trình bày một bài diễn văn và phải có cái gì đó rõ ràng và xác định để nói, cái gây ấn tượng nơi bản thân, cái không thể không nói ra. Một cách vô thức bạn đã chẳng bị lôi cuốn bởi một diễn giả mà bạn cảm thấy trong đầu óc và cõi lòng của ông ta có một thông điệp mà ông hăm hở muốn truyền vào đầu óc và cõi lòng bạn sao? Đó là phân nữa bí quyết của thuật ăn nói.

Khi ở trong tâm trạng và cảm xúc như thế, diễn giả sẽ sớm khám phá ra một sự thật đầy ý nghĩa: ấy là, bài diễn văn của ông ta hầu như sẽ thành công. Cái ách của nó sẽ thành dễ dàng và cái gánh của nó sẽ nên nhẹ nhõm. Một bài diễn văn được soạn kỹ là đã được phát biểu chín phần mười rồi.

Lý do chủ yếu tại sao phần lớn những người muốn tham dự khóa đào tạo này như đã được ghi lại trong chương một, chính là mong đạt được lòng tự tin, dũng khí và sự tự lực. và một sự sai lầm tai hại mà nhiều người mắc phải ấy là cẩu thả trong việc soạn diễn văn. Làm sao họ có thể hy vọng chinh phục được những đội quân của sự sợ hãi, kỵ binh của sự lúng túng, khi mà họ bước vào trận chiến với thuốc súng ướt mèm và đạn pháo lép, hoặc chẳng có tí đạn dược nào? Trong những tình huống như thế, chúng ta chẳng mấy ngạc nhiên khi thấy họ không được thoải mái mỗi khi đứng trước thính giả. Lincoln đã từng bảo: “Tôi tin rằng khi không có gì để nói thì dù lớn tuổi cỡ nào tôi cũng không thể tránh khỏi lúng túng.”

Nếu bạn muốn có lòng tự tin, tại sao bạn lại không làm những điều cần thiết để có được nó? Thánh John đã viết: “Tình yêu hoàn hảo xua tan nỗi sợ”, việc soạn diễn văn hoàn hảo cũng thế. Webster thổ lộ rằng ông thà ăn mặc hở hang còn hơn là soạn diễn văn dang dở khi phải ra trước thính giả.

Thế tại sao chúng ta không soạn các bài diễn thuyết của chúng ta một cách chu đáo hơn? Tại sao? Một số người chẳng hiểu soạn là gì hoặc khởi soạn thế nào cho khéo; một số khác viện cớ thiếu thì giờ. Vì thế chúng ta sẽ thảo luận những vấn đề này đầy đủ hơn trong chương này.

Cách chuẩn bị dùng

Soạn thảo là gì? Đọc một cuốn sách? Đó là một cách, nhưng không phải cách tốt nhất. Đọc sách có ích lợi nếu ta cố moi những tư tưởng “đóng hộp” ra khỏi một cuốn sách để rồi ngay sau đó lại phát biểu chúng ra như là của riêng của mình. Hành động như thế sẽ hàm chứa một cái gì đó còn thiếu sót. Thính giả có thể không biết chính xác là thiếu cái gì, nhưng họ sẽ không có thiện cảm đối với một diễn giả như thế.

Để minh họa một thời gian trước đây, tác giả đã tiến hành một khóa dạy nói trước công chúng dành cho những viên chức thâm niên của các ngân hàng thành phố New York. Thường tình, do có nhiều việc phải làm so với thời gian mà họ dành ra được, các thành viên của một nhóm như thế thường thấy khó soạn thảo chu đáo hoặc làm những gì mà họ cho là soạn thảo. Suốt đời họ đã tơ tưởng những ý nghĩ cá nhân, ấp ủ những niềm thầm kín riêng tư, nhìn sự vật từ những góc cạnh cá biệt, sống những kinh nghiệm riêng tư ban đầu. Do vậy, theo kiểu đó, họ đã trải qua bốn mươi năm tích lũy chất liệu cho các bài diễn văn. Nhưng trong số đó, một số người khó nhận ra được điều đó. Họ không thể tìm thấy những “cây thông reo và cây độc cần” trong rừng.

Nhóm người này họp mặt vào các tối thứ sáu từ năm tới bảy giờ. Một ngày thứ sáu nọ, một người quý phái có quan hệ với một ngân hàng ở khu phố trên – để tiện lợi, chúng ta tạm gọi ông là Jackson – thấy là đã bốn giờ ba mươi rồi, và, ông ta sẽ nói về gì đây? Ông bước ra khỏi văn phòng, mua một tờ Forbes’ Magazine tại một quầy báo, và trên xe điện ngầm đi tới Ngân hàng Dự trữ Liên bang, nơi nhóm của ông hội họp, ông đã đọc một bài báo tựa là: “Bạn chỉ có mười năm để thành công.” Ông đọc không phải vì ông quan tâm đặc biệt tới bài báo; nhưng vì ông phải nói về một cái gì đó, về bất cứ cái gì, để lấp đầy chỉ tiêu về thời gian của ông.

Một giờ sau, ông đứng dậy và cố nói về nội dung của bài báo đó sao cho thuyết phục và hấp dẫn.

Kết quả, kết quả tất yếu là gì?

Ông ta chưa hiểu thấu đáo, chưa tiêu hóa được những gì ông cố nói ra. “Cố sức để nói” – phải, đúng như vậy. Ông ta đang cố sức. Nơi ông chẳng có thông điệp đích thực nào được diễn đạt cả; cung cách cùng giọng điệu của ông hiển hiện rõ điều đó. Làm sao ông có thể mong đợi thính giả có ấn tượng hơn chính ông? Ông cứ tiếp tục đề cập tới bài báo, qua việc viện dẫn tác giả đã nói thế này thế nọ. Có thừa mứa thông tin của tạp chí Forbes’ Magazine trong bài noi: nhưng lại quá ít ỏi thông tin của ông Jackson.

Do đó tác giả đã viết cho ông ta đại để như sau: “Thưa ông Jackson, chúng tôi không quan tâm tới nhân vật không rõ danh tánh đã viết bài báo đó. Ông ta không có mặt ở đây. Chúng tôi không thể gặp ông ta. Nhưng chúng tôi quan tâm tới ông và các ý tưởng của ông. Xin hãy nói cho chúng tôi những gì cá nhân ông nghĩ, chứ không phải những gì một ai khác nói. Xin đề cập nhiều hơn về ông Jackson. Tại sao không lấy cùng đề tài cho tuần tới? Sao không đọc lại bài báo này, và tự hỏi xem ông đồng tình với tác giả hay không? Nếu ông đồng tình, hãy cân nhắc các gợi ý của tác giả và sử dụng các quan sát từ kinh nghiệm riêng của ông để minh họa chúng. Nếu ông không đồng tình với ông ta, xin hãy nói ra và cho chúng tôi biết tại sao. Xin hãy coi bài báo này như một khởi điểm để từ đó ông khai mào bài diễn văn của riêng ông.”

Ông Jackson đã chấp nhận lời gợi ý, ông đọc lại bài báo và đi đến kết luận là ông ta không đồng tình tí nào với tác giả bài báo. Ông đã không ngồi trên xe điện ngầm và cố soạn bài diện văn kế tiếp cho có lớp lang. Ông để cho nó tăng trưởng. Nó là đứa con tinh thần của chính ông; và nó đã phát triển và bắt đầu có tầm vóc y như các con đẻ của ông. Và cũng giống như các nữ tử của ông, đứa con này ngày đêm lớn lên trong khi ông ít quan tâm tới nó nhất. Một tư tưởng nảy sinh nơi ông trong lúc đọc một đề mục trong báo; một minh họa khác bất chợt ập vào tâm trí của ông khi đang thảo luận một đề tài với một người bạn. Những cái đó đã ăn sâu, cao lên, dài ra và dầy thêm khi ông nghĩ đến nó trong những khoảnh khắc rảnh rang trong tuần.

Lần sau, khi ông Jackson nói về đề tài này, ông đã có một cái gì đó là của riêng ông, quặng mà ông đã đào từ mỏ riêng của ông, tiền mà ông đã đúc từ sở đúc riêng của ông. Và ông nói khá hẳn lên vì ông không đồng tình với tác giả của bài báo. Chẳng có mầm mống khơi nguồn cho một chống đối nhỏ nhoi.

Thật tương phản đến nỗi không ngờ giữa hai bài diễn văn do cùng một con người, cách nhau hai tuần, cùng nói về một đề tài. Soạn thảo đúng mức đã tạo ra một sự khác biệt lớn lao biết ngần nào!

Chúng ta hãy nêu thêm một minh họa nữa để hiểu được sự khác nhau giữa việc có soạn thảo và không soạn thảo. Một ông lịch lãm nọ, chúng ta tạm gọi là ông Flynn, là một học viên khoa nói trước công chúng tại Washington. D.C. Một buổi nọ, ông đã cống hiến một bài diễn văn để tán dương thành phố thủ đô của đất nước. Trước đó ông đã hấp tấp và hời hợt lượm lặt các dữ kiện từ một tập sách cổ động nhỏ do một tờ báo phát hành. Những dữ kiện có vẻ khô khan, rời rạc, chưa được tiêu hóa. Ông ta chưa suy nghĩ thấu đáo về đề tài của minh. Đề tài đã chẳng khơi dậy lòng nhiệt tình của ông. Trong lúc trình bày, ông đã không cảm nhận đủ sâu sắc những gì ông nói để làm cho chúng trở nên có giá trị. Toàn bộ bài diễn văn thật nhạt nhẽo, vô vị và vô bổ.

Một bài diễn văn không thể thất bại

Nữa tháng sau, một sự cố làm ông Flynn choáng váng: một tên trộm đã đánh cắp chiết xe của ông từ một nhà để xa công cộng. Ông hối hả tới trạm cảnh sát và sẵn sàng thưởng cho ai tìm thấy, nhưng mọi sự đều vô ích. Cảnh sát thú nhận là họ không thể làm gì được: thế mà, chỉ trước đó một tuần, họ đã có thời giờ tản bộ trên phố, phấn trong tay, và phạt ông Flynn vì ông ta đã đậu xe quá hạn mười lăm phút. Những ông “cớm tay cầm phấn” này, vốn bận rộn đến độ không thể bắt tội phạm, đã làm ông nổi sùng, ông căm phẫn. Lúc này ông đã có cái để nói, chứ không phải cái trước kia ông đã lấy ra từ một tập sách nhỏ do một tờ báo phát hành. Cái mà giờ đây ông nói ra là cái tức thời bộc phát từ cuộc đời và kinh nghiệm của riêng ông. Đây chính là cái thuộc về khả năng và thực chất của một con người đích thực – cái đã khơi nguồn cảm giác của ông. Trong bài diễn văn cầu tụng thành phố Washington, ông ta đã công phu trưng hết câu này tới câu nọ; nhưng giờ đây ông ta không làm gì ngoài việc đứng dậy và mở miệng, và những lời lẽ buộc tội cảnh sát của ông tuôn ra sục sôi như núi lửa Vesuvius đang hoạt động. Một bài diễn văn như thế hầu như không thể chệch hướng. Nó khó có thể thất bại. Nó chính là kinh nghiệm theo sự suy nghĩ.

Soạn thảo đúng mức là như thế nào?

Phải chăng soạn thảo một bài diễn văn là góp nhặt hoặc học thuộc lòng một số cụm từ không có lỗi nào hết? Hoặc là lắp ráp vài tư tưởng thật ngẫu hứng chẳng mang lại ý nghĩa gì cho chính cá nhân bạn? Không phải thế đâu. Soạn thảo nghĩa là sắp đặt các tư tưởng của bạn, các ý kiến của bạn, các xác tín của bạn, các thao thức của bạn. Và bạn có những tư tưởng như thế, những thao thức như thế. Hàng ngày chúng đến với bạn khi bạn thức giấc. Thậm chí chúng còn ùn ùn kéo vào giấc mơ của bạn. Toàn bộ cuộc sinh tồn của bạn đầy ắp cảm giác và kinh nghiệm. Những thứ này nằm sâu trong tiềm thức của bạn và tạo thành một lớp dày y như đá sỏi trên bãi biển. Soạn thảo nghĩa là tư duy, nghiền ngẫm, hồi tưởng, tuyển lựa những cái hấp dẫn bạn nhất, rồi trau chuốt chúng, kiến tạo chúng thành một mô hình, một bức tranh ghép của riêng bạn. Đó có vẻ không phải là một chương trình khó khăn phải không nào? Nó không khó, chỉ cần chút ít tập trung và tư duy là bạn có thể đạt được.

Dwight L.Moody đã soạn thảo các bài nói chuyện của ông ra sao, những bài đã làm nên lịch sử tinh thần? Để trả lời cho câu hỏi đó, ông nói: “Tôi chẳng có bí quyết nào hết.”

Khi tôi chọn một đề tài, tôi liền viết tên của nó bên ngoài một bì thư lớn. Tôi có nhiều bì thư như thế. Nếu, khi đang đọc, tôi bắt gặp một điều gì hay về bất cứ đề tài nào mà tôi sắp nói tới, tôi liền nhét nó vào đúng bì thư của nó, và để nó nằm yên đó. Tôi luôn mang theo một cuốn sổ tay, và nếu tôi nghe thấy bất cứ điều gì trong một bài giảng góp phần làm sáng tỏ đề tài của tôi, tôi liền ghi lại, và nhét nó vào bì thư. Có lẽ tôi để nó nằm ở đó cả năm trời hay lâu hơn. Khi tôi cần một bài nói chuyện mới, tôi lấy ra mọi thứ đã được tích lũy. Thế là tôi có đủ nguồn tài liệu nơi những gì tôi tìm thấy trong đó và các kết quả nghiên cứu của riêng tôi. Lúc nào tôi cũng chỉnh sửa lại các bài nói chuyện của tôi bằng cách bớt chỗ này một chút, thêm chỗ kia một tí. Nhờ thế mà các bài nói chuyện của tôi không bao giờ bị cũ cả.

Lời khuyên khôn ngoan của Trưởng khoa C. R. Brown Trường Đại học Yale

Khi Viện Thần học Yale mừng kỷ niệm bách chu niên ngày thành lập, Trưởng khoa, Tiến sĩ Charles Reynolds Brown, đã trình bày một loạt bài diễn văn về Nghệ Thuật Giảng. Các bài diễn văn này được Công ty Macmillan, New York xuất bản dưới dạng sách mang tên đó. Hàng tuần, Tiến sĩ Brown đã tự soạn thảo các bài nói chuyện đó suốt một phần ba thế kỷ, và ông cũng huấn luyện cho những người khác soạn và trình bày; do đó ông đủ tư cách để đưa ra một số lời khuyên khôn ngoan về đề tài, lời khuyên bổ ích cho dù diễn giả là một thầy tu muốn soạn một bài giảng về Thánh vịnh Chín Mươi Mốt, hoặc một nhà sản xuất giày muốn soạn một bài diễn văn về Công đoàn. Do vậy tôi xin phép trích dẫn một số ý của Tiến sĩ Brown ở đây:

Hãy nghiền ngẫm bài sách thành và chủ đề của bạn. Hãy nghiền ngẫm chúng cho tới khi chúng trở nên chín muồi và nhuần nhuyễn. Bạn sẽ ấp ủ để chúng trở thành những ý tưởng đầy hứa hẹn khi bạn làm cho các mầm sống li ti được chứa đựng ở đó lan tràn và phát triển.

Thật tốt đẹp biết mấy nếu như quy trình này có thể diễn ra một thời gian dài chứ không trì hoãn cho mãi trước trưa thứ bảy là lúc đúng ra bạn đang thực hiện những soạn thảo cuối cùng cho ngày chủ nhật hôm sau. Nếu một thừa tác viên có thể ấp ủ một chân lý nào đó trong tâm trí cả tháng trời, có khi cả sáu tháng trời, hay cả một năm trời, thì trước khi giảng về chân lý này, ông ta sẽ tìm thấy những ý tưởng mới vốn không ngừng phát sinh từ đó, cho tới khi chân lý đó đạt tới mức tăng trưởng dồi dào. Ông ta có thể suy ngẫm về nó khi bước đi trên đường phố, hoặc khi ngồi mấy giờ liên trên xe lửa, hay khi đôi mắt quá mỏi mệt không còn đọc được nữa.

Thực sự ông ta có thể nghiền ngẫm nó cả ban đêm nữa. Đôi khi đang nửa đêm tôi phải mò ra khỏi giường để ghi lại những ý tưởng chợt đến với tôi, vì e rằng trời chưa sáng thì tôi đã quên mất rồi.

Khi bạn thực sự miệt mài thâu thập tài liệu cho một bài giảng đặc biệt, hãy ghi lại mọi điều có liên quan tới bài giảng và chủ đề đã xuất hiện trong tâm trí của bạn. Hãy ghi lại những gì bạn thấy trong bài đọc khi lần đầu tiên bạn chọn nó. Hãy ghi lại tất cả các ý tưởng liên quan đang đến với bạn.

Hãy ghi lại tất cả các ý tưởng của bạn, chỉ cần vài chữ thôi, vừa đủ để xác định ý tưởng, và phải làm cho tâm trí bạn lúc nào cũng mong đạt thêm nữa như thể nó không bao giờ được đọc một cuốn sách khác trong đời của nó. Đây là cách luyện trí năng nhằm đạt năng suất cao. Nhờ phương pháp này bạn sẽ giữ cho các quy trình não của bạn được lanh lợi, độc đáo, sáng tạo.

Hãy ghi lại mọi ý tưởng do chính bạn khai sinh ra, chứ không qua trợ giúp. Đối với việc phát triển tâm trí đầy đủ thì những ý tưởng đó còn quý hơn cả hồng ngọc, kim cương và vàng ròng. Hãy ghi chúng lại, tốt nhất là trên các mẫu giấy, trên những mảnh bì thư hay tờ giấy bỏ đi, bất cứ thứ gì trong tầm tay của bạn. Cách này vẫn tốt hơn sử dụng những tờ giấy đẹp, dài, sạch. Đây không chỉ là chuyện tiết kiệm – bạn sẽ thấy rằng khi bạn bắt đầu xếp tài liệu của bạn theo thứ tự thì những mẫu giấy lẻ này dễ sắp đặt và tổ chức hơn.

Hãy tiếp tục ghi lại tất cả các ý tưởng này sinh trong tâm trí của bạn đang khi bạn miệt mài suy nghĩ. Quy trình này không buộc bạn phải hối hả. Nó là một trong những giao dịch trí não mà bạn được đặc quyền dự phần. Chính phương pháp này làm cho trí tuệ tăng trưởng theo đúng khả năng sáng tạo thực thụ.

Bạn sẽ nhận ra rằng những bài giảng mà bạn ưa giảng nhất và những bài giảng thực sự mang lại lợi ích nhất cho cuộc sống của các giáo dân sẽ là những bài giảng mà phần lớn bạn đã rút tỉa từ trong nội tâm của chính bạn. Chúng là xương thịt của bạn, là đứa con tinh thần mà bạn phải lao tâm, là sản phẩm cùng năng lực sáng tạo của chính bạn. Những bài giảng lượm lặt và sưu tập sẽ luôn mang hương vị xài rồi và được hâm lại. Những bài giảng nào tồn tại, cử động và vào đền thờ, sẽ bước đi, nhảy nhót và ca tụng Thượng đế, và những bài giảng nào đi vào lòng người, sẽ làm cho con người chắp cánh tung bay như những chú đại bàng và bước đi trên đường nhiệm vụ mà không mai một – những bài giảng đích thực này là những bài giảng thực sự phát sinh từ sinh lực của người thốt ra chúng.

Cách thức Lincoln soạn thảo diễn văn

Lincoln soạn thảo diễn văn ra sao? May là chúng ta còn dữ liệu và tại đây khi bạn đọc về phương pháp của ông ta, bạn sẽ thấy rằng Trưởng khoa Brown, trong bài diễn thuyết của ông, đã giới thiệu vài diễn tiến mà Lincoln đã áp dụng từ ba phần tư thế kỷ trước đó. Một trong những bài nói chuyện danh tiếng nhất của Lincoln là bài mà trong đó với một cái nhìn tiên tri ông đã tuyên bố rằng: “Một nhà nước mà tự chia rẽ thì không thể đứng vững.” Tôi tin rằng chính quyền này không thể vĩnh viễn chấp nhận nửa nô lệ, nửa tự do.” Bài diễn văn này được ông nghĩ ra khi ông ta đang bận rộn với công việc thông thường của ông ta, khi ông ta ăn, khi ông ta đi trên đường, khi ông ta ngồi vắt sửa bò trong chuồng, khi hàng ngày ông ta đi tới tiệm thịt và tiệm tạp phẩm, vai khoác tấm khăn choàng xám cũ, tay ôm giỏ, cậu con trai nhỏ bé lẽo đẽo bên cạnh, huyên thuyên nói hỏi hỏi, nổi sùng, và giật những ngón tay xương xẩu dài thượt của ông để cố buộc cha cậu phải trò chuyện với cậu nhưng vô ích. Lincoln cứ thản nhiên tiến bước, mải mê suy tưởng, và nghĩ tới bài diễn văn của mình, hình như ông không màng tới sự hiện hữu của cậu con trai.

Đôi khi trong quá trình nghiền ngẫm và ấp ủ, ông ghi vội vài điều, vài đoạn, vài câu đó đây lên những bì thư rải rác, những mãnh giấy vụn, những mẫu xé tự các bao giấy – bất cứ cái gì ở ngay cạnh ông. Ông chất chúng gọn gàng trong chóp mũ và mang chúng theo cho tới khi ông có thể ngồi xuống và sắp đặt chúng cho có ngăn nắp, ông viết và duyệt lại toàn bộ, rồi lên khuôn để diễn thuyết và xuất bản.

Trong các cuộc tranh luận chung vào năm 1858, Thượng nghị sĩ Douglas luôn phát biểu cùng một ài diễn thuyết cho dù ông đi tới đâu; nhưng Lincoln cứ tiếp tục nghiên cứu, chiêm nghiệm và suy tư cho tới khi, ông nói, ông nhận thấy rằng việc trình bày một bài diễn văn mới còn dễ hơn là lặp lại một bài cũ. Đề tài cứ mãi rộng mở và sâu sắc trong tâm trí ông.

Trước khi ông chuyển vào Nhà Trắng một thời gian ngăn, ông đã sao Bản hiến pháp và bai bài diễn văn, và chỉ với bấy nhiêu tài liệu để tham khảo, ông đã giam mình trong một căn phòng xám xịt, dơ bẩn, tối tăm bên trên một cửa tiệm ở Springfield; và tại đó, xa cách mọi phiền nhiễu, ông đã ghi đầy đủ bài diễn văn nhậm chức của ông.

Lincoln đã dọn bài diễn văn tại Gettysburg ra sao? Thật là tệ khi người ta đã lan truyền những tường thuật sai quấy về nó. Tuy vậy, câu chuyện đích thực lại đầy lý thú. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu:

Khi ủy ban đảm trách nghĩa trang Gettysburg quyết định tổ chức một buổi lễ cung hiến trang trọng, họ đã mời ngài Edward Everett đọc diễn văn. Ông này đã từng là công sứ Boston, Hiệu trưởng Trường Harvard, Thống đốc Bang Massachusetts, Thượng nghị sĩ, Bộ trưởng Nội vụ, nay ông thưởng được xem như một nhà diễn thuyết tài ba nhất của Mỹ. Lúc đầu, ngày tháng được ấn định là ngày 23 tháng Mười 1863. Ông Everett đã khôn khéo lên tiếng cho biết rằng ông không thể soạn thảo tươm tất trong thời gian thông báo ngắn ngủi như thế. Do vậy lễ cug hiến được dời vào ngày 19 tháng 11, lùi lại gần một tháng trời, để ông có đủ thời gian sửa soạn. Ba ngày chót của giai đoạn soạn thảo ông đã có mặt ở Gettysburg, rà soát hiện trường, tập làm quen với mọi sự xảy ra tại đó. Giai đoạn nghiền ngẫm và tư duy quả là một bước sửa soạn tuyệt vời nhất. Nó đã gây ra cho ông ta một trận chiến thực sự.

Giấy mời tham dự đã được gởi tới mọi thành viên Quốc hội, tới Tổng thống và nội các của ông. Đa phần những người này đều từ chối; ủy ban đã ngạc nhiên khi Lincol nhưng đồng ý tới dự. Họ có nên mời ông ta phát biểu không? Họ đâu dự định làm điều đó. Chống đối nảy sinh. Ông ta đâu có thời gian soạn thảo. Vả lại, nếu ông ta có thời gian, liệu ông ta có khả năng không? Quả vậy, ông ta có thể tự luận giải rất giỏi tại một buổi tranh luận về nô lệ trong buổi nói chuyện của Hiệp hội Cooper; nhưng chưa ai nghe ông ta trình bày một bài diễn văn trong dịp cung hiến. Đây là một dịp trang trọng. Họ không nên phó mặc cho số mệnh. Họ có nên mời ông ta nói không? Họ cứ phân vân mãi. Nhưng họ đã phân vân thêm cả ngàn lần nữa nếu như họ có thể nhìn vào tương lai và có thể nhận ra rằng người đàn ông này, mà khả năng của ông ta đang bị học thắc mắc, trong dịp đó sẽ lên phát biểu những gì mà nhìn chung ngày nay vẫn được xem như một trong những bài diễn văn tồn tại lâu nhất đã từng được đôi môi của con người phàm trần phát biểu.

Sau cùng, trước dịp lễ nửa tháng, họ đã gửi cho Lincoln một giấy mời muộn màng mời ông phát biểu “vài nhận định thích hợp.” Phải, đó là cách họ phát diễn đạt: “vài phát biểu thích hợp.” Hãy nghĩ tới việc người ta đã viết điều đó cho một vị Tổng thống Mỹ!

Lincoln lập tức bắt tay vào soạn thảo. Ông đã viết cho ông Edward Everett, giữ lại một bản sao bài diễn văn mà học giả kinh điển đó sẽ phát biểu, và, một hoặc hai ngày sau đó, trong khi đi tới một ảnh viện để chụp một tấm ảnh, ông đã đem theo bản thảo của Everett và ông đã đọc trong giờ lúc rảnh rỗi đó. Ông đã suy nghĩ về bài diễn văn của ông trong nhiều ngày, suy nghĩ về nó trong khi đi tới đi lui giữa Nhà Trắng và Trụ sở Bộ Quốc phòng, suy nghĩ về nó lúc nằm dài trên trường kỷ tại Trụ sở Bộ Quốc phòng trong khi đợi chờ các bức điện tường trình muộn màng. Ông đã viết bản thảo trên một tờ giấy, và đem nó đi đó đây trong chỏm của chiếc nón lụa cao ngồng của ông. Ông không ngừng nghiền ngẫm nó, và nó không ngừng hình thành. Chủ nhật trước ngày diễn thuyết ông nói với Noah Brooks: “Diễn văn chưa được viết chính xác. Tôi đã viết đi viết lại hai hay ba lần rồi, và tôi sẽ phải xem lướt qua thì tôi mới yên lòng.”

Ông đến Gettysburg vào buổi tối hôm trước lễ. Thị trấn nhỏ bé đầy ắp người. Dân số thông thường đang một ngàn ba trăm tăng vụt lên mười lăm ngàn người. Các vỉa hè kẹt cứng, khó có thể qua lại. Sáu ban nhạc trình diễn; các đám đông cầu hát bài “John Brown’s Body.” Dân chúng đã tụ tập trước nhà ông Wills nơi Lincoln sẽ được tiếp đón. Chiều muộn hô đó ông đã “xem lướt qua” một lần nữa, tiếp tục soạn cho tới khi một người đến cửa thông báo cho ông biết là đã đến giờ ông tham dự cuộc rước. “Đại tá Carr, người cỡi ngựa ngay sau Tổng thống, tuyến bố rằng khi cuộc rước bắt đầu, Tổng thống ngồi trên lưng ngựa, đóng vai vị Tổng Tư lệnh Quân đội; nhưng khi đoàn rước tiến hành, thân mình ông nghiên về phía trước, đôi cánh tay thả xuôi xuống, và đầu thì cúi. Ông ra vẻ trầm ngâm suy nghĩ.”

Cuối cùng chúng ta có thể đoán rằng ngay cả lúc đó ông đang xem lại bài diễn văn ngắn ngùn gồm có mười câu bất hủ của ông.

Một số câu trong bài diễn văn của Lincoln, mà ông chỉ quan tâm sơ sơ, rõ ràng đã thất bại; nhưng ông lại có được một năng lực lạ thường khi ông nói về nạn nô lệ và Công đoàn. Tại sao? Bởi ông không ngừng suy tư về những vấn đề này và ông đã cảm nghiệm sâu xa. Một người bạn tại một quán trọ ở Illinois, đã chứng kiến là mới tảng sáng đã bắt gặp ông đang nhưng ngồi trên giường, nhìn chằm chằm vào bức tường, và những lời đầu tiên ông thốt ra là: “Chính quyền này không thể vĩnh viễn chấp nhận nửa nô lệ, nửa tự do.”

Đức Kitô đã dọn diễn văn ra sao? Ngài lánh xa đám đông. Ngài suy tư. Ngài nghiền ngẫm. Ngài trầm tư. Ngài đi vào hoang địa một mình, suy gẫm và chay tịnh bốn mươi ngày đêm. Thánh sử Matthew ghi lại: “Từ lúc đó, Ngài bắt đầu rao giảng.” Sau đó chẳng bao lâu, Ngài đã phát biểu một trong những bài diễn văn trứ danh nhất thế giới: Bài Giảng Trên Núi.

“Điều đó nghe ra có vẻ thú vị lắm chứ”, bạn có thể phản bác: “nhưng tôi đâu ước mong trở thành một nhà hùng biện bất hủ. Tôi chỉ muốn đôi lúc có một vài bài nói chuyện đơn giản thôi mà.”

Đúng thế, và chúng tôi hiểu rõ mong muốn của bạn. Cuốn sách này cũng chỉ có một mục đích rõ ràng là giúp bạn và những người như bạn thực hiện điều đó. Nhưng, cho dù là bài nói chuyện của bạn có khiêm tốn cỡ nào đi nữa, trong một chừng mực nào đó, bạn vẫn có thể lợi dụng những phương pháp của các diễn giả nổi tiếng trong quá khứ.

Cách soạn bài diễn văn của bạn

Để thực tập, bạn nên nói về những đề tài gì? Bất cứ điều gì làm bạn quan tâm. Đừng phạm một lỗi hầu như mang tính phổ biến này là cố đề cập quá nhiều chi tiết trong một bái nói ngắn. Chỉ nên lấy một hay hai khía cạnh của đề tài rồi cố bàn luận cho thỏa đáng.

Trước hết hãy xác định đề tài để bạn có thời gian suy nghĩ kỹ về nó trong những lúc rãnh. Hãy suy nghĩ kỹ về nó trong bảy ngày, mơ về nó trong bảy đêm. Nghĩ tới nó như điều cuối cùng trước khi bạn nghỉ ngơi. Nghĩ tới nó sáng hôm sau trong lúc bạn cạo râu, trong lúc bạn tắm, trong lúc bạn lái xe đi làm, trong lúc bạn đợi thang máy, đợi bữa trưa, đợi cuộc hẹn, trong lúc bạn ủi đồ hoặc nấu bữa tối. Hãy bàn bạc nó với bạn bè. Hãy biến nó thành đề tài trò chuyện.

Hãy tự hỏi mọi câu hỏi khả dĩ liên quan tới nó. Ví dụ, nếu bạn sẽ nói về vấn đề ly dị, hãy tự hỏi cái gì gây ra ly dị, hậu quả của nó về mặt kinh tế và xã hội sẽ ra sao. Vấn nạn này có thể chữa trị bằng cách nào? Chúng ta nên có luật ly dị đồng bộ không? Tại sao? Hoặc chúng ta có nên đưa ra luật ly dị không? Nên làm cho ly dị trở thành bất khả chăng? Khó khăn hơn? Dễ dải hơn?

Giả như bạn sẽ nói tới việc tại sao bạn học diễn thuyết. Khi đó bạn nên tự hỏi những câu hỏi chẳng hạn như: những khúc mắc của tôi là gì? Tôi hy vọng rút ra được gì từ việc học này? Đã bào giờ tôi nói trước công chúng chưa? Nếu có, khi nào? Ở đâu? Chuyện gì đã xảy ra? Tại sao tôi lại cho rằng khóa đào tạo này lại rất có ích cho một thương gia? Tôi có biết những người khấm khá về mặt thương mại hoặc đã có bề thế trong các hoạt động chính trị là do sự tự tin của họ, sự hiện diện của họ, khả năng nói năng thuyết phục của họ không? Tôi có biết những người khác sẽ chẳng bao giờ đạt được niềm phấn khởi của thành công vì họ thiếu những vốn liếng tích cực? Hãy chính xác. Hãy kể chuyện về các nhân vật đó mà không nêu danh tánh của họ ra.

Nếu bạn có thể đứng dậy, suy nghĩ rành mạch, và tiếp tục như thế hai hoặc ba phút, đó chính là tất cả những gì chúng tôi mong đợi bạn thực hiện trong vài bài nói đầu tiên. Một đề tài chẳng hạn như tại sao bạn học nói trước công chúng, thì rất dễ; điều đó thật hiển nhiên. Nếu bạn dùng chút ít thời gian lựa chọn và sắp xếp tài liệu về chủ đề đó, hầu như bạn có thể nắm chắc là sẽ nhớ được nó, vì bạn sẽ nói về những điều mắt thấy tai nghe của riêng bạn, những ao ước của riêng bạn, những kinh nghiệm của riêng bạn.

Đàng khác, cứ cho là bạn đã quyết định nói về công việc kinh doanh hay nghề nghiệp của bạn. Bạn sẽ bắt đầu sự soạn thảo một bài nói chuyện như thế ra sao? Bạn đã có dư tài liệu về đề tài đó. Khi đó vấn đề của bạn là lựa chọn và sắp xếp nó. Đứng cố nói cho chúng tôi toàn bộ đề tài của bạn trong vòng ba phút. Điều đó không thể được. Nỗ lực như thế cũng chỉ mang tính sơ sài và chắp vá. Hãy lấy một và chỉ một khía cạnh của chủ đề rồi triển khai và mở rộng nó. Ví dụ tại sao không nói về cách thức bạn đã bước vào công việc kinh doanh cá biệt hoặc nghề nghiệp của bạn? Đó là kết quả của một chuyện tình cờ hay một sự lựa chọn? Hãy thuật lại những gay go ban đầu của bạn, những thất bại của bạn, những hy vọng của bạn, những thắng lợi của bạn. Hãy đưa ra một bài tường thuật về mối quan tâm nhân bản, một hình ảnh về cuộc sống thực tế dựa trên những kinh nghiệm mắt thấy tai nghe. Câu chuyện riêng tư, đáng tin về cuộc đời của hầu như bất cứ ai – nếu được kể ra một cách từ tốn và không xúc phạm – đều mang tính thú vị nhất. Nó là nguồn tư liệu diễn thuyết hầu như chắc chắn thành công.

Hoặc đưa ra một góc cạnh khác nhau của công việc kinh doanh của bạn: khúc mắc của nó là gì? Bạn sẽ khuyên một bạn trẻ bắt đầu theo đuổi nghề này như thế nào?

Hoặc nói tới những người mà bạn từng giao tiếp – cả người lương thiện lẫn kẻ bất lương. Hãy nói về các vấn nạn của bạn. Công việc của bạn đã dạy bạn những gì về một chủ đề thú vị nhất thế giới: bản tính loài người? Nếu bạn nói về khía cạnh kỹ thuật của công việc của bạn, về các sự vật thì cuộc nói chuyện của bạn có thể dễ dàng trở nên vô vị đối với người khác. Nhưng con người, nhân vật – người ta khó mắc sai lầm với loại nguồn tư liệu đó.

Trên hết, đừng làm cho bài nói chuyện của bạn trở thành một bài thuyết giáo. Như thế sẽ chán ngắt. Hãy biến bài nói chuyện của bạn thành một chiếc bánh ngọt nhiều lớp gồm những minh họa và trình bày phổ thông. Hãy nghĩ tới các trường hợp cụ thể mà bạn đã quan sát được, và các chân lý nền tảng mà bạn tin rằng các trường hợp riêng biệt đó minh họa. Bạn cũng sẽ khám phá ra rằng những trường hợp cụ thể này thì dễ nhớ, dễ nói tới hơn những điều trừu tượng rất nhiều. Chúng cũng hỗ trợ và tăng phần hưng phấn cho việc diễn thuyết của bạn.

Đây là cách thức mà một văn sị rất giỏi thực hiện điều đó. Trích đoạn này được lấy từ một bài báo do B. A. Forbes viết về tính thiết yếu của các trách nhiệm ủy thác của các quản trị viên đối với những cộng tác viên của họ. Hãy lưu ý các minh họa – chuyện nhặt nhạnh về con người.

Rất nhiều các xí nghiệp khổng lồ hiện nay của chúng ta có lúc đã là công việc làm ăn của một người. Nhưng đa phần các xí nghiệp đó giờ đây đã vượt khỏi tình trạng đó. Nguyên do là, trong khi mọi tổ chức lớn là “bóng kéo dài của một người”, kinh doanh và công nghiệp giờ đây được quản lý trên một bình diện rộng đến độ nhất thiết ngay cả một con người phi thường, nhiều tài năng vẫn phải quy tụ quanh mình những cộng tác viên thông minh để hỗ trợ điều hành tất cả các phương tiện điều hành.

Woolworth đã có lần nói với tôi rằng xí nghiệp của ông ta chủ yếu là công việc kinh doanh của một người trong nhiều năm. Rồi sức khỏe của ông bị suy sụp và chính trong lúc ông phải nằm viện hết tuần này qua tuần nọ mà ông đã thức tỉnh và nhận ra sự thật là doanh nghiệp của ông đã phát triển như mong đợi, ông sẽ cần phải có người chia sẻ các trách nhiệm quản lý.

Bethlehem Steel rõ ràng thuộc loại xí nghiệp một-người trong một số năm. Charles M.Schwab là công trình xây dựng cá thể. Chẳng bao lâu Eugene G. Grace đã có tầm cỡ và phát triển thành một nhà kinh doanh thép có năng lực hơn Schwab, theo những lời tuyên bố được lập đi lập lại của Schwab.

Eastman Kodak trong những giai đoạn đầu chủ yếu chỉ bao gồm George Eastman, nhưng từ lâu ông đã khôn ngoan thiết lập một tổ chức hiệu quả. Tất cả các nhà sản xuất đồ hộp Chicago lớn nhất điều kinh qua một kinh nghiệm tương tự trong suốt thời kỳ mới sáng lập. Standard Oil, trái với ý niệm thông thường, chưa bao giờ là một tổ chức một-người sau khi nó mở rộng các chiều kích hoạt động.

J. P. Morgan, dù là một con người phi thường xuất chúng, lại hết sức tin vào việc lựa chọn các cộng sự tài giỏi nhất và chia sẻ gánh nặng với họ. Vẫn còn những nhà lãnh đạo doanh nghiệp muốn điều hành doanh nghiệp của mình theo nguyên tắc một-người, nhưng, dù muốn hay không, do khối lượng khổng lồ của các hoạt động hiện đại họ buộc phải ủy thác trách nhiệm câu hỏi cho người khác.

Một số người, trong khi nói tới các doanh nghiệp của họ, phạm phải một lỗi không thể tha thứ là chỉ nói tới những đặc điểm làm họ quan tâm. Diễn giả không nên cố xác định những gì sẽ làm cho các thính giả của mình chứ không phải bản thân mình vui lòng. Diễn giả đã chẳng cố chú trọng tới các lợi ích của thính giả hay sao? Ví dụ, nếu ông ta bán bảo hiểm hỏa hoạn, ông đã chẳng nói cho thính giả biết cách thức phòng cháy đối với tài sản riêng của họ sao? Nếu ông ta là chủ ngân hàng, ông ta đã chẳng đưa ra cho thính giả vài lời khuyên về tài chính hoặc đầu tư sao? Nếu diễn giả là một nhà lãnh đạo cấp quốc gia của một tổ chức phụ nữ, bà ta đã chẳng nói cho các thính giả địa phương cách thức để họ có thể trở thành thành phần của một phong trào quốc gia bằng cách dẫn chứng những ví dụ cụ thể từ chương trình địa phương của họ sao?

Trong khi soạn diễn văn, hãy nghiên cứu thính giả của bạn. Hãy nghĩ tới nhu cầu và ước vọng của họ. Điều đó đôi khi là phân nửa của trận đánh.

Trong lúc soạn một vài chủ đề nào đó, bạn nên đọc sách để tìm hiểu những gì người khác nghĩ họ nói về cùng đề tài đó. Nhưng đừng đọc trước khi chính ban suy nghĩ rốt ráo. Điều đó rất quan trọng. Sau đó bạn tới thư viện công cộng và trình bày cho thủ thư viện các nhu cầu của bạn. Hãy cho họ biết là bạn đang soạn một bài diễn văn về đề tài nào đó. Hãy cởi mở nhờ họ giúp. Hãy trưng dụng chúng.

Kỳ trước (3) . . . Kỳ tiếp theo (5)

Không có nhận xét nào: